ÂM VANG BẤT DIỆT KHI ÂM NHẠC KỂ CHUYỆN LỊCH SỬ

 

Âm nhạc tái hiện chiến thắng lịch sử “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” qua tiếng đàn của nghệ sĩ dương cầm Lưu Hồng Quang.

Mười hai ngày đêm lịch sử

Mười hai ngày đêm khói lửa là một kí ức không thể quên trong lòng người Hà Nội. Đó là bản anh hùng ca về lòng quả cảm, sự chiến đấu can trường của những người con thủ đô “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng mà cha ông để lại. Tình yêu quê hương đã được nhuốm đỏ bằng máu và sự hi sinh của lớp lớp những người con ưu tú.

Mảnh đất Hà Nội đã sinh ra và nuôi dưỡng họ, những người con ấy đã đánh đổi tuổi xuân phơi phới để giữ bình yên cho mảnh đất yêu thương của mình. Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã có nhận định sớm khi vào năm 1967, Người được nghe báo cáo về tình hình chính trị của đất nước: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua”.

Tháng 12/1972, bầu trời bình yên của Hà Nội đã bị xé toang bằng tiếng bom B52 đầu tiên trong chiến dịch leo thang tàn bạo mà quân đội Mỹ gọi là “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”. Hà Nội chính thức chìm trong những ngày khói lửa.

điện biên phủ trên không

Bom B52 trên bầu trời Hà Nội

“Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” – kí ức mà khi nhắc đến, người ta sẽ nhớ tới như một bản thiên anh hùng ca chói sáng về lòng quả cảm và quật cường của những người con Hà Nội. Chiến thắng ấy đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một trong những trang vẻ vang nhất. Nó đã thổi bùng lên tinh thần yêu nước mãnh liệt, lòng tự cường dân tộc khi bị giày xéo trong một thế trận không cân sức. Nhưng tinh thần đoàn kết đã chiến thắng.

Tất cả mọi tầng lớp dân tộc đã cùng chung sức chung lòng, cùng với trí tuệ và một cái tâm sáng khát khao độc lập, dân tộc ta đã vượt qua những thời khắc thử thách nhất của cuộc chiến. Trong một cuộc chiến không cân sức với một bên là cường quốc được trang bị vũ khí quân đội tối tân, hùng hậu, đối lập với một bên là một dân tộc nhỏ bé, vũ khí trang bị thô sơ, thiếu thốn, thì sức mạnh của tinh thần dân tộc là yếu tố quyết định thắng lợi.

Trong 12 ngày đêm khói lửa, hơn ba mươi nghìn tấn bom, hơn bảy trăm lần máy bay B-52 được điều động và hơn hai nghìn lần máy bay chiến thuật ném bom quần nát cả bầu trời, Hà Nội oằn mình để chống lại cơn mưa bom tàn khốc.

Trong những thời khắc khó khăn nhất, khi khát khao hòa bình cháy bỏng trong huyết quản, khi tình yêu quê nhà luôn thiêu đốt trong trái tim và khi mơ ước giản về phút giây đoàn viên gia đình sôi sục trong tâm trí, đó cũng là lúc con người ta hiểu được hai tiếng thiêng liêng “hòa bình” sẽ phải đánh đổi bằng máu và nước mắt. Chiến tranh là hi sinh và khốc liệt. Sự hi sinh ấy đã tưới những giọt máu đào để dân tộc hồi sinh.

điện biên phủ trên không

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo chiến dịch

Mang tinh thần chiến đấu quả cảm và đanh thép ấy, quân và dân ta đã “quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”, thà hi sinh tất cả để bảo vệ vùng trời Hà Nội. Hà Nội 12 ngày đêm không ngủ với những đợt đánh bom dữ dội, tiếng pháo và tiếng nổ xé ngang bầu trời. Những làn đạn sáng lòa từ những những trận địa pháo của ta luôn anh dũng bám trụ để ngăn chặn những đòn tấn công của địch. Từng đội dân quân tự vệ cũng sẵn sàng tay súng chiến đấu.

Người Tràng An thanh lịch, hào hoa là vậy nay đứng trước vận mệnh dân tộc, họ gác lại những hoài bão, ước mơ, sẵn sàng khoác lên mình bộ áo lính để chiến đấu bảo vệ quê hương. “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là một trận chiến tàn khốc nhưng nó đã thắp sáng một tinh thần đấu tranh quả cảm và bất diệt của quân và dân ta.

điện biên phủ trên không

Trận địa pháo của quân đội ta chống trả B52

Cùng với sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng Cộng Sản Việt Nam, sự chỉ đạo tác chiến tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự chiến đấu kiên cường của nhân dân ta, chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã đánh bại hoàn toàn kẻ thù hung hãn.

Thắng lợi này đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam” vào tháng 1-1973, tạo tiền đề cho quân và dân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân năm 1975.

“Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” là một ký ức không thể quên trong hoài niệm của những người ở lại. Nó lưu lại cho thế hệ sau về về một trang sử vàng của dân tộc, qua đó nhắc nhở thế hệ trẻ cần nhớ rằng: hòa bình và độc lập có được ngày hôm nay đã được đánh đổi bằng rất nhiều xương máu của những thế hệ cha anh đi trước.

Thế hệ trẻ Việt Nam vì thế phải có trách nhiệm giữ vững hòa bình đó. Thế hệ trẻ Việt Nam cũng cần xây dựng và củng cố nền hòa bình ấy bằng tất cả tinh thần trách nhiệm của mình.

Âm nhạc kết nối sợi dây lịch sử

Với tâm huyết kết nối sợi dây lịch sử ấy, nghệ sĩ Lưu Hồng Quang sẽ truyền tải đến công chúng yêu nhạc, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam thông điệp lịch sử về lòng tự hào dân tộc qua 12 bản Transcendental studies của Franz Liszt.

Vẻ đẹp lấp lánh của âm nhạc hàn lâm sẽ tái hiện những cung bậc cảm xúc từ bi hùng đến hào sảng và lãng mạn, đậm nét hào hoa như cốt cách của người Hà Nội. Âm nhạc cổ điển với tầng tầng lớp lớp ý nghĩa sẽ kể câu chuyện lịch sử dân tộc say mê và đầy cuốn hút.

âm nhạc

Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang

Nhắc đến Franz Liszt – nhà soạn nhạc nổi tiếng người Hungary, người ta biết đến ông như một nghệ sĩ tài hoa hiếm có. Những tác phẩm của ông nói chung và các bản etude nói riêng thì ngoài tính học thuật cao, chúng luôn chứa đựng thách thức về khả năng thị tấu và trình diễn.

Với tốc độ và mật độ âm thanh khủng khiếp, các tác phẩm thường được tạo nên bởi những tổ hợp dày đặc nốt nhạc chạy liên tục ở quãng tám, vì thế nó đòi hỏi sự tập trung kiệt suất cùng sức lực tuyệt đối khi trình diễn của người nghệ sĩ.

Luôn chứa những cung bậc cảm xúc đối lập từ dữ dội, bùng nổ ở những quãng âm vực cao, đến những cảm xúc trong trẻo, thánh thót khi chạy đến những quãng âm vực thấp, người ta thường nói, chơi nhạc của Liszt luôn là thách thức với những nghệ sĩ đương thời của ông như Chopin, Schumann hay Brahm.

Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang sẽ hóa thân vào Liszt để lướt trên hằng hà sa số những nốt nhạc với tốc độ của một cơn cuồng phong kì vĩ. Người nghe sẽ được tiếng đàn của nghệ sĩ Lưu Hồng Quang dẫn dắt qua những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Khúc mở đầu Preludio và Etude số hai (không có tiêu đề) vẽ lên một bầu trời chói lòa ánh sáng khi một lớp sóng âm thanh chạy trên quãng tám với tiết tấu nhanh, mạnh và đầy quyết đoán cùng mô típ bốn nốt gãy gọn, dứt khoát len lỏi vào bên trong các bè, gợi ra những cảm xúc dữ dội trong một tình thế ngàn cân treo sợi tóc.

Những đốm sáng xuất hiện thoắt ẩn thoắt hiện gợi nên một sự bí ẩn đầy hoài nghi và thử thách trong đêm tối. Nhưng sự hoài nghi đó sớm qua đi khi khúc Paysages với giai điệu cùng bè đệm hòa quyện với nhau, đưa người nghe đến một bối cảnh êm đềm và đầy hoài niệm. Những nốt nhạc rơi nhẹ vẽ lên những áng mây mỏng manh đang lờ lững trôi, lúc tan lúc hợp.

Mọi thứ bỗng chốc trở nên hư ảo và những kí ức về một Hà Nội rêu phong, cổ kính cũng chỉ còn trong hoài niệm. Những con phố Khâm Thiên, Quán Sứ, những ngôi nhà mái đổ thân thương, dưới mưa bom tàn khốc đã vùi trong đổ nát. Nhưng sự đấu tranh mãnh liệt đã quay trở lại trong khúc Mazeppa hào sảng được diễn tả bởi trùng trùng, lớp lớp các kĩ thuật quãng ba, quãng sáu và quãng tám ở một tốc độ như vũ bão.

Mazeppa – một vị tướng thế kỉ 17 bị bắt trói và để ngựa kéo lê trên con đường đầy sỏi đá, mặc cho làn da và cơ thể bị bị trầy xước rớm máu trên cát sỏi, người anh hùng vẫn tin vào một tình yêu thiêng liêng và không gục ngã.

Chiến thắng vỡ òa khi ở thời khắc nghiệt ngã nhất, sự vùng lên khởi nghĩa của nhân dân đã kết lại một chiến thắng khải hoàn và trọn vẹn. Người nghe như được thấy hình ảnh tái hiện của những chiến sĩ Hà Nội chiến đấu ngoan cường và quả cảm, dù trong thử thách khốc liệt nhất cũng không thể làm nao núng tinh thần.

âm nhạc

Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang

Nhưng khó khăn vẫn chưa qua đi, giây phút tĩnh lặng hiếm hoi là cơ hội đối thoại với chính bản thân mỗi người trong cuộc chiến đấu. Các nốt nhạc lấp lánh với những quãng hẹp lắt léo của khúc Feux follets như một ngọn lửa chập chờn bí hiểm, dẫn dắt người nghe vào một khu rừng ảo ảnh với vô vàn những âm sắc kì diệu. Đó là sự tái hiện một không gian giao thoa đầy nhiệm màu.

Trong những giây phút tĩnh lặng hiếm hoi của trận chiến, con người sẽ tự hỏi mình đang ở đâu, lý tưởng mình đang chiến đấu và hi sinh là gì. Và khi tình yêu Tổ quốc vẫn cháy trong huyết quản, khi lòng tự hào dân tộc và niềm tin vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn luôn son sắt, quân ta lại như được tiếp thêm sức mạnh, quyết chiến đấu cho ngày mai thắng lợi. Và trong những thời khắc vô vàn khó khăn ấy, Vision chính là tầm nhìn giúp đoàn thuyền rẽ làn sương mờ, mở rộng cánh cửa đến tự do và hạnh phúc.

Sau những chiến đấu quật cường không nghỉ, Eroica là bản anh hùng ca chào đón những bước chân khải hoàn của những anh hùng thắng trận trở về sau cuôc chinh chiến. Khúc nhạc mang âm hưởng của những bước hành quân kiêu hãnh được tái hiện với những nốt nhạc chạy quãng tám chói sáng xen kẽ bởi giai điệu anh hùng ca đầy kiêu hãnh.

Đây chính là hình ảnh của đoàn quân Việt Nam đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” trong chiến thắng vẻ vang trước kẻ thù hung hãn. Không gì có thể tự hào hơn, hạnh phúc hơn thế. Và Wilde Jagd với những hợp âm bùng nổ, sắc cạnh rượt bắt nhau như những bước nhẩy đầy hưng phấn, khi những trắc trở, hiểm nguy và thử thách đã được chinh phục và vượt qua trong một trận chiến đầy kì vĩ.

Khi chiến thắng khải hoàn, sau những giây phút hân hoan mừng thắng lợi, con người lại không thể tránh được những phút giây bồi hồi, vấn vương về những kí ức cũ đã không còn nữa. Đó là những người đồng đội cùng chung chiến hào, đó là những người thân, những cảnh vật xưa cũ giờ chỉ còn trong hoài niệm. Và Ricordanza là khúc hồi tưởng về những kí ức ngọt ngào xen lẫn với nỗi niềm lưu luyến.

Khi những kí ức cũ dội về ào ạt, nó tạo lên những lớp sóng trong lòng, tiếp sức mạnh cho những dòng âm thanh cuồn cuộn của khúc Etude số 10 (không có tiêu đề) thổn thức, đứt đoạn như nấc lên trong dòng cảm xúc nghẹn ngào trong những hợp âm đan xen cùng những giai điệu đảo phách, khi bi kịch và sự mất mát quá xót xa chưa dễ gì nguôi ngoai được.

Nỗi đau ấy sẽ còn in trong lòng mỗi người ở lại, không phải để gặm nhấm kí ức mà nó sẽ trở thành con sóng ngầm, sẽ chuyển hóa thành sức mạnh to lớn khi con người đứng trước những thử thách lớn lao.

Harmonies du soir, những hoà thanh ban đêm như những tiếng chuông xa xa, văng vẳng phản chiếu trong ánh trăng mờ huyền ảo. Những giai điệu ấm áp bừng lên ở giữa cho đến hết như ánh bình minh qua màn đêm, thổi bùng lên khoảnh khắc hạnh phúc vô bờ bến. Khi sóng gió qua đi, dòng sông êm đềm quay trở lại cùng những lời thủ thỉ, hoà nhịp với sự dịu dàng của màn đêm, thật ấm áp hạnh phúc.

Và khúc Chasse neige với những nốt láy trì tục nhè nhẹ rơi trên phím đàn kết lại chương trình với hình ảnh một cơn mưa tuyết, từng bông tuyết lơ thơ, nhỏ nhẹ bay xa xa. Những nét chạy bán cung xào xạc như làn gió đã tràn về, phủ kín rét buốt báo hiệu mùa gió lạnh đã ập tới. Nhưng như một quy luật của cuộc sống, con người ta hiểu và giữ vững một niềm tin rằng sau những tàn khốc của thiên nhiên, sư sống sẽ quay trở lại thôi.

âm nhạc

Nghệ sĩ Lưu Hồng Quang

Với 12 bản Transcendental studies của Liszt, người nghe sẽ được thỏa sức chìm đắm trong chuyến phiêu lưu bão tố của tốc độ và những sắc màu cảm xúc. Kĩ thuật trình diễn piano điêu luyện với những bước nhảy xa quyết đoán giữa các nốt trên phím đàn, những thử thách nghẹt thở liên tục với âm vực ở quãng tám khiến sự hưng phấn của người nghe liên tiếp được đẩy lên cao. Âm nhạc Liszt luôn mang âm hưởng của sự chiến thắng, nó dội sâu vào trí óc con người sự đấu tranh không ngừng nghỉ, không thoái bộ, không khuất phục đầu hàng.

Âm nhạc của Liszt không có chỗ cho buồn đau, nó thăng hoa liên tục, chinh phục liên tục những đỉnh cao mới. Chỉ khi đó con người ta mới vượt lên những khó khăn thực tại, để chiến đấu và chiến thắng. Chỉ có âm nhạc, bằng một phương thức đẹp đẽ nhất đã đưa tâm hồn con người vượt lên những tầng cao và sự tiến hóa mới.

Với sự dẫn dắt của âm nhạc, 12 bản Transcendental studies dưới sự trình diễn của nghệ sĩ Lưu Hồng Quang sẽ tái hiện và đưa người nghe trở về một miền kí ức hào hùng của dân tộc. Vẻ đẹp trong trẻo của âm thanh sẽ khiến cho trái tim rung động và thấm đẫm những cảm xúc sâu sắc về một thời vàng son của đất nước.

Lịch phát sóng chương trình

Chương trình biểu diễn của nghệ sĩ Lưu Hồng Quang cũng mong muốn truyền tải tới thế hệ trẻ Việt Nam, để các em thấu hiểu giá trị của hòa bình và độc lập. Những thế hệ đi trước đã hi sinh tất cả để vun đắp cho hòa bình ngày hôm nay. Vì vậy, những chủ nhân tương lai của đất nước, các em càng phải hiểu rõ lịch sử của mình, để nỗ lực xây dựng và phụng sự Tổ Quốc.

Với những ý nghĩa sâu sắc ấy, chương trình “Âm vang bất diệt” – Khi âm nhạc kể câu chuyện lịch sử với phần trình diễn của nghệ sĩ Lưu Hồng Quang tuyệt phẩm Transcendence Etudes của nhà soạn nhạc vĩ đại Franz Liszt, sẽ tái hiện tinh thần đấu tranh quật cường của quân và dân ta trong 12 ngày đêm khói lửa để làm nên chiến thắng vang dội “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” 50 năm trước.

Chương trình biểu diễn trực tiếp diễn ra vào lúc 9:00 sáng ngày thứ bảy 17 tháng 12 năm 2022 tại trường quay S1, Trung tâm Phát thanh – Truyền hình Quân đội, 165 Xã Đàn, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội. Chương trình được phát sóng trên kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam lúc 20:40’, thứ tư ngày 21 tháng 12 năm 2022, kênh truyền hình trực tuyến https://qpvn.vn và các nền tảng truyền thông khác, sẽ là ngọn lửa lan tỏa niềm tự hào dân tộc tới đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

BTV Châu Anh

* Bài viết xin phép được sử dụng một số hình ảnh tư liệu về chiến thắng lịch sử “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.

Nguồn: Lưu Hồng Quang

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.