Nguyễn Văn Được – anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

 

Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Được – Từ cậu bé mồ côi đi ở đợ thành vị Tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam

thượng tướng Nguyễn Văn Được

Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Được

Tuổi thơ mất mát cơ cực

Nhiều người nghĩ Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Được được sinh ra trong 1 gia đình có truyền thống cách mạng. Nhưng không, sự thật không phải thế.

“Ba chết tôi còn ở trong bụng mẹ. Mẹ chết thì tôi 2 tuổi. Tôi đi ở thuê, ở cho một gia đình địa chủ là ác ôn Ngụy” – Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Được nói.

Thượng tướng Nguyễn Văn Được quê ở Quảng Ngãi. Trong cuốn hồi ký có tựa “Còn trong ký ức” – cuốn hồi ký kể về cuộc đời đầy thăng trầm của ông – ông đã nói về tuổi thơ đói khổ và nhọc nhằn của mình – một đứa trẻ mồ côi bố khi còn trong bụng mẹ…

Sau khi mẹ qua đời, ông được chị gái nuôi dưỡng. Những tưởng cuộc sống như thế đã là quá khốn khó với cậu bé Được thì năm cậu 8 tuổi, chị gái qua đời. Cậu bé Nguyễn Văn Được lúc đó đã phải đi ở đợ cho 1 gia đình địa chủ, kiếm ăn qua ngày.

“Tôi đi ở thuê cho một gia đình địa chủ là ác ôn Nguỵ” – Thượng tướng Nguyễn Văn Được nhớ lại những ngày tháng khốn khổ – “Chưa kịp dọn cơm cho nó ăn thì thằng địa chủ đó nó vác bát nó đập lên đầu chẻ đầu, tôi mới bỏ không ở nữa, đi lang thang ở cho nhà này nhà khác kiếm bữa cơm. Cơ cực lắm”.

“Một lần tôi đi ở cho 1 gia đình có cán bộ tập kết, thằng cảnh sát này mới đến và bảo không ở cho nhà nó lại đi ở cho nhà cộng sản. Tôi mới bảo: “Nhà ông ác lắm, ông đánh tôi chẻ đầu, tôi không ở với ông nữa”. Thế là nó tóm cổ áo nó đánh tôi lần thứ 2 hộc máu mồm, máu mũi. Lúc đó tôi đã lên 15, chuẩn bị bước sang 16 tuổi”.

Căm phẫn trước sự tàn ác của chế độ Mỹ Ngụy, cậu bé 15 tuổi Nguyễn Văn Được bắt đầu hành trình “nhảy núi” Nghĩa Hành – Quảng Ngãi, đi theo tiếng gọi của cách mạng.

Nói về lý do quyết định “nhảy núi” lúc đó, Thượng tướng Nguyễn Văn Được cho biết: “Ở quê bị áp bức, bóc lột thì trốn ra ấp chiến lược, nhảy lên núi, đi tìm quân giải phóng, tham gia đánh giặc báo thù. Nhảy núi nghĩa là thế”.

Con đường Cách mạng của Thượng tướng Nguyễn Văn Được

Con đường Cách mạng của Thượng tướng Nguyễn Văn Được bắt đầu với công việc là một cậu giao liên nhỏ và chàng trai Nguyễn Văn Được khi ấy đã phấn đấu để trở thành 1 người lính – chiến đấu tại quân khu 5. Sau đó, ông được cử ra miền Bắc học tập.

Năm 1968, ông trở thành đại đội trưởng của đại đội 6 – Đại đội anh hùng Phan Đình Giót. Một thời gian sau, ông nhận nhiệm vụ đưa quân sang Lào làm nhiệm vụ quốc tế.

Cũng từ đây, ông đã tạo ra những chiến tích trên con đường Cách mạng của mình.

6 năm “lửa thử vàng” trên chiến trường Quân khu 5

3 lần sang Cánh đồng Chum – Lào mang về chiến công vang dội

5 năm “trấn ải” thượng nguồn Sông Lô

Nói về cánh đồng Chum, Lào – nơi ông đã mang về nhiều chiến tích – Thượng tướng Nguyễn Văn Được cho biết: “Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng Lào là một địa bàn chiến lược. Độ cao trên lãnh thổ của mình, hướng Nghệ An. Nếu quân giặc chiếm chỗ này thì ta sẽ có nguy cơ bị tấn công. Do vậy mà ta phải sang giúp bạn giải phóng Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng”.

Trong cuốn hồi ký của mình, tại chương III, Thượng tướng Nguyễn Văn Được đã nói về 3 lần ông mang quân sang Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng. Ông nói đây là những kí ức không thể quên trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

Tháng 5/1969, ông tham gia chiến dịch Mường Sủi thì vào cuối năm 1969, tại “chiến dịch 139”, sau nhiều lần áp đảo quân địch, ông đã trúng đạn tại nước bạn Lào.

“Trong lúc đó tôi bị thương, anh em bảo cõng tôi ra, tôi bảo bộ đội còn đang chiến đấu, cứ để tao ở đây, tao chỉ huy. Mày đưa khẩu B40 đây tao bắn” – Thượng tướng Nguyễn Văn Được nhớ lại – “Tôi bắn thêm được mấy phát rồi người tôi lịm đi. Sau đó xong nhiệm vụ thì anh em mới cõng tôi xuống”.

Tháng 10/1971, ông tiếp tục sang Lào lần 3, tham gia chiến dịch Z và nhận về Huân chương chiến công Hạng 3.

Vào sinh ra tử trong nhiều mặt trận, ngày 15/1/1976, Nguyễn Văn Được được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Nói về vinh dự này, ông bảo: “Khi mình chiến đấu thì cũng không biết mình trở thành anh hùng đâu. Mình cứ chiến đấu hết mình cùng đồng chí đồng đội. Được như vậy là sự quan tâm của Đảng, nhà nước và quân đội”.

Tuy nhiên, chiến tranh chưa dừng lại. Sau khi đất nước được hòa bình, Bắc Nam một nhà, non sông thống nhất liền 1 dải, kẻ thù lại có ý định lăm le bờ cõi của nước ta, chúng tổ chức tấn công ở biên giới phía Bắc, Hà Giang. Vậy là vào tháng 2/1985, Thượng tướng Nguyễn Văn Được lại  lên đường đi biên giới Hà Giang bảo vệ Tổ quốc và được bổ nhiệm là sư đoàn trưởng sư đoàn 356. Mặt trận Vị Xuyên khi ấy trở thành “lò vôi thế kỷ”.

Ông kể lại: “Hồi đó toàn là tướng lớn lên động viên, hỏi tôi là mày có làm được nhiệm vụ này không. Tôi mới nói là: Khi nào kẻ địch đạp lên xác của sư đoàn 356, bước qua xác của “thằng Được anh hùng” này thì nó mới xuống được Hà Giang. Các thủ trưởng yên tâm”.

5 năm sống và chiến đấu trong rừng – cùng những người đồng đội, người lính ấy hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “trấn ải” thượng nguồn sông Lô.

Thời bình ông Nguyễn Văn Được tiếp tục cống hiến cho đất nước

Đứa trẻ “tứ cố vô thân” với tuổi thơ đầy cơ cực ngày ấy, giờ đây đã là một Thượng tướng, một Anh hùng LLVTND với một gia đình hạnh phúc – bên người vợ dịu hiền và những người con tài giỏi. Bây giờ, dù đã 76 tuổi, nhưng người anh hùng ấy vẫn mang nặng tâm tư về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Ông hiện là Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam.

“Tôi mong Đảng, Nhà nước có những quy định, chính sách để thu hút đông đảo lực lượng tham gia hội Cựu chiến binh hơn nữa” – ông nói – “Tôi mong cựu chiến binh ngày càng lớn mạnh về tư tưởng, chính trị, tổ chức”.

Những trang hồi ký khép lại, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông sẽ mãi còn in dấu mãi tại những nơi ông từng đi qua, những mặt trận khốc liệt vang bóng và cả trong tâm trí của những người con đất Việt anh hùng.

Nguồn: VTV

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.