16 triệu chứng tiền mãn kinh phụ nữ trung niên có thể gặp (số cuối)

 

Tiền mãn kinh là gì? Đó là khoảng thời gian cơ thể bạn bắt đầu bước vào giai đoạn mãn kinh tự nhiên, đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ có thể sinh đẻ. Triệu chứng tiền mãn kinh khác nhau ở từng phụ nữ.

Hầu hết mọi phụ nữ ở tuổi 50 đều trải qua một số triệu chứng về thể chất hoặc tinh thần cho đến khi thực sự mãn kinh. Tuy nhiên, bạn cũng có thể gặp dấu hiệu tiền mãn kinh ở tuổi 40. Ở bài viết trước chúng tôi đã trình bày 8 dấu hiệu tiền mãn kinh, dưới đây là 8 dấu hiệu phổ biến khác.

tiền mãn kinh

Da khô, chảy xệ, dễ bị kích ứng, dễ bầm tím là một dấu hiệu tiền mãn kinh

Tóc rụng và móng giòn cũng là dấu hiệu tiền mãn kinh

Trong thời kỳ mãn kinh, nhiều phụ nữ lâm vào tình trạng bị rụng tóc khiến mái tóc mỏng dần. Ngoài ra, móng tay của họ cũng có thể trở nên giòn, bề mặt móng gồ ghề và dễ gãy.

Ngoài ra, tình trạng làn da trở nên khô, ráp trong thời kỳ tiền mãn kinh khiến da đầu của bạn có thể bị khô, gây rụng tóc. Để khắc phục tình trạng này, bạn hãy thử sử dụng dầu gội và dầu xả dưỡng ẩm.

Nồng độ estrogen và progesterone giảm là nguyên nhân chính khiến tóc bạn bị rụng và móng bị giòn. Estrogen và progesterone là hai hormone chịu trách nhiệm duy trì mái tóc khỏe mạnh. Mặt khác, nồng độ của hai loại hormone này giảm tạo điều kiện cho nội tiết tố nam là androgen hoạt động mạnh hơn. Điều này cũng có thể khiến râu xuất hiện trên cằm và môi trên của bạn.

Rối loạn chức năng tình dục, giảm ham muốn

Nhiều phụ nữ thấy rằng trong giai đoạn tiền mãn kinh, âm đạo có sự thay đổi đáng kể. Ở giai đoạn này, họ có cảm giác âm đạo co thắt trong quá trình thâm nhập, có nguy cơ bị rách âm đạo và chảy máu cao hơn khi giao hợp. Những thay đổi này có thể làm cho hoạt động tình dục khó khăn hoặc gây đau đớn. Trên thực tế ước tính có từ 17 – 45% phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh cho biết họ cảm thấy rất đau khi quan hệ tình dục.

Song song với triệu chứng đau khi quan hệ, một số phụ nữ có thể cảm thấy ham muốn tình dục suy giảm rõ nét. Đây được gọi là rối loạn ham muốn tình dục. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Archives of Internal Medicine cho thấy 26,7% phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh có ham muốn thấp so với 52,4% ở phụ nữ đã mãn kinh.

Sự sụt giảm nội tiết tố estrogen khiến các mô âm đạo có thể mất chất bôi trơn, độ đàn hồi. Điều này làm cho thành âm đạo trở nên mỏng, khô, dễ rách và kém linh hoạt. Đây là hiện tượng được gọi là teo âm hộ. Tình trạng mất trương lực mô cũng có thể là nguyên nhân góp phần vào cứng tiểu không tự chủ. Nồng độ estrogen thấp cũng có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu, âm đạo.

Ngoài ra, cùng với việc giảm nồng độ estrogen, tình trạng căng thẳng, trầm cảm, lo lắng về chuyện mất dáng theo tuổi tác… làm giảm nhu cầu ham muốn tình dục và có thể cản trở việc đạt cực khoái.

Mất mật độ xương, gia tăng nguy cơ loãng xương

Một triệu chứng tiền mãn kinh khác là mất dần mật độ xương, gia tăng nguy cơ loãng xương khiến xương giòn, dễ gãy.

Estrogen cũng đảm nhiệm vai trò bảo vệ sức khỏe của xương. Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ estrogen giảm khiến mật độ xương của bạn bị mất nhanh hơn làm gia tăng nguy cơ loãng xương.

Tiền mãn kinh khiến da khô và các vấn đề về da khác

Một trong các triệu chứng tiền mãn kinh dễ nhận thấy nhất là làn da của bạn đang dần bị khô ráp, chảy xệ, dễ bị kích ứng, mỏng dần, dễ bị bầm tím… Ngoài ra, ở giai đoạn tiền mãn kinh, bạn cũng có thể bị mụn trứng cá, phát ban, đặc biệt các vết thương ngoài da lâu lành hơn so với trước kia.

Sự suy giảm nồng độ estrogen khiến da mỏng, dễ bị bầm tím, trở nên khô, ráp do mất dần khả năng giữ ẩm. Tình trạng mất collagen khiến khả năng đàn hồi của da bị giảm, các nếp nhăn hình thành. Bạn có thể khắc phục tình trạng này bằng cách thoa kem dưỡng ẩm hàng ngày. Điều này giúp làm dịu làn da của bạn, phần nào tránh được các kích ứng.

Mắt và miệng bị khô

Phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh thường bị khô mắt, viêm mắt, mắt dễ bị kích thích. Tình trạng mắt khô khiến nhiều người không thể đeo kính áp tròng thường xuyên do thiếu chất bôi trơn trên mô che nhãn cầu.

Ngoài ra, họ cũng có thể bị khô miệng gây khó chịu. Tình trạng khô miệng có thể nghiêm trọng đến mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Thiếu nước bọt có thể dẫn đến tăng nguy cơ sâu răng, bệnh nha chu, viêm nướu…

Giải pháp để chống lại triệu chứng tiền mãn kinh này là giữ vệ sinh răng miệng thật sạch, ăn nhiều rau xanh, trái cây và uống nhiều nước.

Mùi cơ thể

Nồng độ estrogen giảm gây ảnh hưởng đến vùng dưới đồi. Điều này có thể khiến bạn bị bốc hỏa và đổ mồ hôi. Tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều có thể là nguyên nhân gây ra mùi cơ thể.

Để hạn chế tình trạng bốc hỏa, bạn hãy duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và thực hành các kỹ thuật giảm căng thẳng như thiền, yoga… Ngoài ra, bạn nên mặc quần áo bằng chất liệu thoáng mát, tắm rửa thường xuyên và sử dụng chất khử mùi nhằm ngăn ngừa mùi của cơ thể.

Trí nhớ giảm, gặp vấn đề với sự tập trung

Mãn kinh cũng ảnh hưởng đến các kỹ năng ngôn ngữ và các chức năng khác liên quan đến trí nhớ. Đây là lý do giải thích tại sao khi bạn trải qua thời kỳ tiền mãn kinh và nồng độ estrogen giảm, bạn có thể gặp khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin mới hoặc truy xuất những gì đã có trong đầu. Một lý do khác cho vấn đề trí nhớ là chứng mất ngủ của thời kỳ tiền mãn kinh khiến bạn mệt mỏi, làm ảnh hưởng đến khả năng tập trung và ghi nhớ.

Sự sụt giảm nồng độ estrogen cùng với tình trạng bốc hỏa, mất ngủ hay giấc ngủ bị gián đoạn, thay đổi tâm trạng, trầm cảm có thể là các nguyên nhân gây ra tình trạng này. Tin mừng là vấn đề về trí nhớ và sự tập trung chỉ là tạm thời.

Thay đổi nồng độ cholesterol

Việc hormone estrogen suy giảm có thể dẫn đến những thay đổi mang tính bất lợi về nồng độ cholesterol trong máu. Điều này có thể làm tăng cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) được gọi là cholesterol xấu góp phần gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Đồng thời, mức cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL) hay còn gọi là cholesterol tốt giảm ở nhiều phụ nữ khi có tuổi, điều này cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Nếu biết trước các triệu chứng tiền mãn kinh, bạn sẽ không quá lo lắng khi bước vào giai đoạn này. Đồng thời, bạn cũng sẽ chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân để vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng.

Nguồn: hellobacsi

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.

Exit mobile version