5 loại rau gia vị nên ăn khi cảm cúm

 

Chẳng may bị cảm cúm, nhất là phụ nữ, trẻ em, người già, người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ rất mệt mỏi. Vì vậy, chúng tôi xin mách bạn 5 loại rau, củ gia vị có thể dùng để đánh bay căn bệnh cảm cúm một cách nhanh chóng nhất.

Khi thời tiết thay đổi, nắng mưa thất thường cộng thêm khí hậu ẩm thấp khiến bạn rất dễ bị cảm cúm. Do thay đổi thời tiết khá đột ngột nên nhiều người rất dễ bị cảm cúm do cơ thể không điều tiết để thích ứng kịp thời. Thường những người dễ mắc bệnh cảm cúm là phụ nữ, trẻ em, người già, người có hệ miễn dịch suy yếu. Hôm nay, Người Cao Tuổi TV xin giới thiệu đến các bạn 5 loại rau, củ gia vị có thể dùng để đánh bay căn bệnh cảm cúm một cách nhanh chóng nhất.

Lá tía tô

tía tô

Lá tía tô không chỉ là một loại cây gia vị cực kỳ phổ biến mà còn là một vị thuốc nam quý. Theo y học cổ truyền, tía tô có tính ấm, vị cay, có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu, chữa nóng sốt, cảm lạnh. Vì thế, ông cha ta đã sử dụng tía tô như là một vị thuốc dân gian chữa cảm cúm hiệu quả. Một trong những cách sử dụng tía tô để trị cảm hiệu quả và đơn giản nhất đó chính là xông.

Để xông bằng lá tía tô, bạn nấu 1 nồi nước sôi và cho lá tía tô đã rửa sạch vào. Chọn nơi thật kín gió, cởi quần áo, trùm chăn kín đầu, từ từ mở nồi nước lá để cơ thể thích nghi, xông trong 5 – 10 phút. Sau đó mở chăn từ từ cho cơ thể thích nghi, tiếp đó lấy nước xông đã nguội tắm nhanh rồi lau khô, mặc quần áo, uống nước xông rồi đắp chăn nằm nghỉ.

Ngoài ra bạn có thể dùng lá tía tô để làm nước tía tô cũng rất hiệu quả: Bạn chuẩn bị 20g lá tía tô tươi giã nát, cho nước sôi vào rồi gạn nước trong để uống.

Hoặc đơn giản hơn bạn có thể xắt nhỏ lá tía tô rồi ăn chung với cháo cũng là một cách được nhiều người áp dụng để giải cảm cúm rất hiệu quả.

Tỏi

tỏi

Tỏi là một vị thuốc chữa cảm cúm, ho, sốt nhẹ hiệu quả. Theo Đông y, tỏi có vị cay, tính ôn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trừ ho, tiêu đàm… Bổ sung tỏi vào những món ăn hằng ngày không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch mà còn giúp căn bệnh cảm cúm của bạn sớm hết.

Ngoài ra bạn có thể áp dụng thêm một số cách sau để điều trị căn bệnh cảm cúm mà không cần phải dùng thuốc:

– Ngậm 2 – 3 tép tỏi đập dập trong vòng 15 phút hoặc cứ 3 – 4 giờ nhai một tép.

– Băm nhuyễn 3 – 4 tép tỏi, trộn với chút mật ong hoặc dầu ô liu rồi uống hỗn hợp này 3 lần/ngày.

– Bỏ 3 – 4 tép tỏi băm vào 1 ly nước lọc, khuấy đều rồi uống nhanh. Thực hiện công thức này mỗi ngày.

Gừng

 

gừng

Gừng giống như một loại thuốc kháng sinh tự nhiên có sẵn trong nhà. Theo y học cổ truyền, gừng có tính ấm, cay nóng, sát khuẩn cao, nên được dân gian sử dụng như một cách chữa cảm cúm, đau đầu, buồn nôn cực kỳ hiệu quả. Ngoài món trà gừng mật ong thông dụng thì bạn cũng có thể kết hợp mật ong với củ gừng tươi để làm ra một loại thức uống trị cảm thần kỳ:

– Đầu tiên, bạn cạo sạch vỏ, thái gừng thành từng lát mỏng.

– Sau đó cho vài lát gừng vào cốc, đổ nước, đun sôi và chờ trong khoảng 5 phút để gừng ngấm nước.

– Cho thêm một muỗng cà phê mật ong vào cốc nước gừng là có thể thưởng thức rồi.

Ngoài ra bạn hoàn toàn có thể bổ sung gừng vào trong những món ăn hàng ngày để đề phòng cảm cúm.

Nghệ

nghệ

Củ nghệ từ lâu đã là một gia vị thông dụng trong một số món ăn, nhưng ít ai biết rằng, nghệ có thể điều trị bệnh cảm cúm một cách nhanh chóng. Để có được điều này là nhờ hoạt chất curcumin trong nghệ, đây là hoạt chất có tính chống oxy hóa, kháng viêm, curcumin còn giúp tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh và thúc đẩy cơ chế tự vệ của cơ thể.

Theo công thức của dân gian, bạn có thể dùng nghệ để làm nước uống bằng cách gọt sạch vỏ, thái lát sau đó giã nhuyễn, cho nước sôi vào rồi gạn lấy nước để uống. Cách này vừa có thể giúp trị bệnh cảm cúm mà còn có thể giúp phòng bệnh cực kỳ tốt.

Húng chanh

húng chanh trị cảm cúm

Rau húng chanh hay còn gọi là cây rau tần được sử dụng như một thảo dược để điều trị một số bệnh phổ biến như: ho, viêm họng, sốt, mệt mỏi cơ thể, cảm cúm do thay đổi thời tiết.

Thông thường cây rau tần được sử dụng khi còn tươi, rửa sạch và mang giã nát để sử dụng. Có thể dùng như nước trà, sắc lấy nước hoặc giã nát để đắp lên vùng bị ảnh hưởng.

Cách thực hiện cũng rất đơn giản: Bạn giã nát một ít lá rau tần cùng với một ít muối và một ít nước sôi để nguội, rồi vắt lấy nước uống. Bã lá rau tần để nguyên hoặc cho ít giấm hay rượu để thoa khắp mình. Nên kết hợp việc uống và thoa lá rau tần để đem lại hiệu quả hạ sốt nhanh.

Lưu ý:

Ngoài việc bổ sung những loại rau gia vị trên, để căn bệnh cảm cúm nhanh khỏi bạn cũng nên lưu ý:

Uống đủ nước mỗi ngày: Hãy uống nước nóng hay vì nước lạnh vì nước nóng có tác dụng giữ ấm cơ thể cực kỳ tốt.

Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối loãng: Muối có tính sát khuẩn, sát trùng cao có tác dụng làm giảm các triệu chứng cảm cúm như viêm họng, sổ mũi.

Nghỉ ngơi nhiều: Khi bạn bị cảm cúm, một loạt các triệu chứng kèm theo sẽ khiến cơ thể bạn trở nên uể oải và rất mệt mỏi. Chính vì vậy, bạn hãy tạm gác công việc sang một bên và dành nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi. Một chế độ nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp cơ thể tạo ra nhiều năng lượng hơn, làm tăng sức đề kháng cho cơ thể.

– Bổ sung những loại thức ăn, thức uống có chứa vitamin C như nước cam, nước chanh để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Hạn chế ra ngoài: Nhiệt độ trong phòng và ngoài trời có sự chênh lệch rất lớn, bởi vậy, khi bị cảm lạnh bạn nên hạn chế ra ngoài. Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài trời thì nên đeo khẩu trang và mặc quần áo ấm tránh gió lùa.

Cảm cúm là một bệnh tuy không quá nguy hiểm những bạn cũng đừng nên chủ quan. Hy vọng qua bài viết này các bạn đã có thể trang bị thêm một số kiến thức để có thể đánh bay căn bệnh cảm cúm đáng ghét một cách nhanh chóng nhất rồi.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.