8 cách thực hành sống trong hiện tại để đạt được hạnh phúc

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng dạy rằng cuộc sống đang diễn ra trong thời điểm hiện tại. Quá khứ đã trôi qua và tương lai chưa kịp đến. Vì vậy, nếu không sống cho hiện tại thì chúng ta đang bỏ lỡ rất nhiều khoảnh khắc bình yên, hạnh phúc trong cuộc sống của chính mình.sống hạnh phúc trong hiện tại

Tại sao sống hạnh phúc ở hiện tại lại quá khó khăn?

Sự xao nhãng

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta liên tục bị phân tâm bởi internet và mạng xã hội. Bên cạnh đó, công việc và gia đình cũng luôn đòi hỏi chúng ta quan tâm, chăm sóc. Do đó, đa số mọi người ít dành thời gian cho bản thân.

Thói quen

Suy nghĩ thường xuyên về quá khứ và tương lai là một thói quen phổ biến. Chúng ta thích hồi tưởng về những ký ức tươi đẹp trong quá khứ và đắm chìm giữa các mộng tưởng của một tương lai hứa hẹn.

Lo âu

Cuộc sống bận rộn, bộn bề làm con người dễ bất an, lo âu hơn. Bất kỳ thứ gì tác động vào một trong năm giác quan của chúng ta cũng sẽ ngay lập tức kích hoạt một luồng suy nghĩ phòng vệ. Điều này khiến bạn khó tĩnh tâm hơn.

Cô đơn

Một số người cảm thấy cô đơn trong môi trường quá yên tĩnh. Vì vậy, họ tạo ra nhiều tiếng ồn để lấn át cảm giác lạc lõng của chính mình. Tuy nhiên, điều này có thể vô tình khiến đầu óc họ thêm căng thẳng.

Chạy trốn bản thân

Nhiều người không hài lòng với bản thân hoặc không dám đối diện với chính mình. Vì vậy, họ tìm đến nhiều hoạt động khác để tự làm mình phân tâm.

Trốn chạy đau khổ

Khi chưa tìm được cách giải quyết đau khổ hoặc vượt qua tổn thương trong quá khứ, nhiều người chọn xoa dịu những cảm xúc tiêu cực bằng cách sống xa rời hiện tại.

8 cách sống hạnh phúc ở hiện tại

Trước rất nhiều lý do khiến chúng ta bị mất tập trung, việc sống ở hiện tại trở thành một thử thách khó khăn. Để học cách sống trọn vẹn ở hiện tại, chúng ta cần trau dồi và phát triển chánh niệm. Tuy lúc đầu có thể gặp phải nhiều khó khăn nhưng khi bạn thay đổi nhận thức, việc sống ở hiện tại sẽ trở nên tự nhiên, dễ dàng hơn. Điều này xuất phát từ 3 nguyên nhân chính:

  1. Nếu nhận thức đúng đắn hơn về thế giới xung quanh, chúng ta sẽ chú ý những việc xảy ra ở thời điểm hiện tại nhiều hơn. Khi sức mạnh nội tâm của mỗi người ngày càng lớn mạnh thì họ sẽ không còn dễ dàng phân tâm bởi những ảnh hưởng vô thức khác.
  2. Khi bạn nhìn nhận mọi thứ sâu sắc hơn, thế giới trở nên thú vị hơn. Bạn có thể trải nghiệm nhiều cảm xúc mới lạ như sự bình yên trong tâm hồn, lòng trắc ẩn sâu sắc với đồng loại và tình yêu lớn lao với tất cả chúng sinh.
  3. Khi nhận thức rộng mở hơn, bản ngã của mỗi người sẽ tự tan biến. Lúc đó, ý thức không còn bị giới hạn bởi góc nhìn hạn hẹp của chúng ta nữa. Tâm trí của bạn sẽ trở nên tĩnh tại, minh triết và chỉ tập trung cho cuộc sống thực tại. Vì vậy, chúng ta có thể sử dụng năng lượng tinh thần của mình vào những mục đích ý nghĩa và lớn lao hơn.

Dưới đây là 8 bài tập chánh niệm cơ bản giúp bạn thực hành sống hạnh phúc ở hiện tại.

Thiền chánh niệm

Ngồi thiền là một biện pháp hữu hiệu để đưa chúng ta trở lại thời điểm hiện tại. Hoạt động này giúp tâm trí bạn thoát khỏi các xáo động liên quan đến năm giác quan và cho phép những suy nghĩ ngổn ngang trong tâm trí lắng xuống một cách tự nhiên. Một buổi thiền chánh niệm điển hình bao gồm thư giãn cơ thể, thiền tập trung và thiền chánh niệm.

Thiền cảm xúc

Trong hình thức thiền định này, chúng ta cần tập trung vào cảm xúc của mình. Hãy bắt đầu bằng cách xác định những cảm xúc mà bạn đang trải qua, sau đó mở rộng tâm trí để khám phá căn nguyên gốc rễ của chúng.

Thiền cảm xúc sẽ giúp chúng ta thấu hiểu bản thân tốt hơn, từ đó bình tĩnh đưa ra cách giải quyết các vấn đề trong quá khứ và hiện tại. Cuối cùng, bạn sẽ không còn bị xao nhãng bởi những suy nghĩ hỗn độn trong tâm trí. Chúng ta có thể thực hành thiền cảm xúc như một phần thay thế của việc ngồi thiền chánh niệm phía trên.

Thiền đi bộ

Bạn có biết, đi bộ cũng là một cách tuyệt vời giúp chúng ta sống ở hiện tại. Để thực hành kiểu thiền này, bạn cần đi bộ chậm hơn so với bình thường. Khi cơ thể hoạt động chậm rãi thì tâm trí cũng bắt đầu thư thái. Lúc đó, chúng ta có thể hoàn toàn chú ý vào từng bước chân (để phát triển sự tập trung) hoặc quan sát toàn bộ cơ thể hay môi trường xung quanh (để phát triển chánh niệm).

Thiền viết

Đây không phải là cách viết ra suy nghĩ như khi viết nhật ký. Thay vào đó, bạn tìm một đoạn văn bản mang nội dung truyền cảm hứng rồi chép tay nhiều lần vào một cuốn sổ nhỏ. Bài tập này để lại những dấu ấn tích cực trong tiềm thức chúng ta. Sau đó, hành vi và thái độ của bạn sẽ tự chuyển biến và trở nên phù hợp hơn với những câu từ bạn đã ghi chép. Sự thay đổi này diễn ra khá nhanh chóng, chỉ sau vài ngày và không cần bất cứ sự nỗ lực có ý thức nào.

Hoạt động chánh niệm

Chúng ta có thể chọn bất kỳ hoạt động thường ngày nào, chẳng hạn rửa bát, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa… và biến chúng thành một dạng thiền định. Hãy làm việc thật chậm rãi, chú tâm vào từng thao tác, quan sát cử động và cảm nhận mọi thứ bằng tất cả giác quan. Đây là một hình thức làm dịu cơ thể và tâm trí rất hiệu quả đấy!

Ăn uống chánh niệm

Hiện nay, nhiều người không thực sự chú tâm vào bữa ăn của mình. Họ thường bị xao nhãng bởi những cuộc chuyện trò hoặc cắm cúi vào ti vi, điện thoại di động. Thức ăn có tác động rất lớn đến cơ thể và tâm trí của chúng ta. Vì vậy, hãy xem bữa ăn là một khoảnh khắc thiêng liêng để trân trọng và tận hưởng.

Khi thực hành ăn uống chánh niệm, bạn nên ăn chậm, nhai kỹ, cảm nhận hương vị của nguyên liệu bằng mọi giác quan với sự biết ơn chân thành dành cho những người nông dân. Một bữa ăn chất lượng hoàn toàn có thể chữa lành và khai sáng tâm hồn chúng ta.

Một ngày chánh niệm

Nếu nghiêm túc thực hành chánh niệm, chúng ta nên nâng cấp trình độ của mình bằng một ngày chánh niệm mỗi tuần. Hình thức thiền định này rất linh hoạt, bao gồm ngồi thiền, viết thiền, đi bộ thiền và các hoạt động chánh niệm khác. Hiểu đơn giản, một ngày chánh niệm là khi bạn dành ra 24 giờ thực hiện các hoạt động một cách chú tâm trọn vẹn. Hãy sắp xếp thời gian hợp lý để trải nghiệm những ngày chánh niệm nhẹ nhàng nhé!

Thiền chánh niệm tĩnh tâm

Khóa tu thiền chánh niệm thường đòi hỏi học viên dành nhiều ngày tại một địa điểm xa xôi, nơi họ có thể đầu tư toàn bộ thời gian để tập luyện chăm chỉ. Những khoảng thời gian tĩnh lặng sẽ cho phép tâm trí chúng ta thư thái và cân bằng. Một trong những lợi ích hàng đầu của thiền chánh niệm là bạn được tận hưởng sự an lạc trong tâm hồn mà ít người đạt được. Hãy nghiêm túc thực hành và tự khám sức mạnh thực sự của thiền chánh niệm nhé!

Nguồn: www.elle.vn

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.

Exit mobile version