Những vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể

 

Chất dinh dưỡng vi lượng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể. Bài viết sẽ phân tích những vấn đề liên quan tới các câu hỏi như “nhóm chất dinh dưỡng vi lượng là gì? Bao gồm những chất gì? Tác dụng ra sao?”…

1. Nhóm chất dinh dưỡng vi lượng là gì?

Chất dinh dưỡng vi lượng còn được gọi là vi chất dinh dưỡng, vi chất (tên tiếng Anh: micronutrients) là các chất cần thiết cho cơ thể để hoàn thành các chức năng sinh lý học và giúp duy trì sức khỏe. Các chất này cơ thể chỉ cần với lượng nhỏ, dưới 100mg/ngày. Dinh dưỡng vi lượng bao gồm các vitamin và nhiều khoáng chất thiết yếu.

2. Các chất dinh dưỡng vi lượng

Dinh dưỡng vi lượng bao gồm các vitamin và khoáng chất quan trọng sau:

các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể

 

Các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể

2.1. Vitamin trong dinh dưỡng vi lượng

  • Vitamin A

Đây là vi chất quan trọng cho thị lực, đặc biệt là khi làm việc ở nơi ít sáng, điều kiện ban đêm. Vitamin A cũng rất cần thiết cho hoạt động của hệ miễn dịch. Vitamin A tan trong dầu nên cần hấp thu cùng với dầu hoặc mỡ và kẽm. Vitamin A có nhiều trong nội tạng động vật, các loại rau củ có màu đỏ, cam hoặc sữa ở dạng dễ tiêu thụ.

Tuy rất quan trọng nhưng nếu hấp thu quá mức vitamin A thì có thể gây ra một số tác động tiêu cực như hạn chế sự phát triển của một số xương dài ở trẻ. Vì nhiều loại kem trị mụn có chứa vitamin A nên khi sử dụng chúng, người dùng cần cân đối với lượng vitamin A có trong thực phẩm.

  • Vitamin nhóm B

Các vitamin nhóm B như B1, B2, B3, B5, B6, B7, B9 và B12 có chức năng tạo năng lượng cho cơ thể (giúp cơ thể sản sinh năng lượng từ carbohydrate, chất đạm và chất béo). Vì là vitamin tan trong nước nên chúng không được dự trữ trong cơ thể, dễ bị thiếu hụt. Nếu bị thiếu vitamin nhóm B, trẻ thường có biểu hiện lờ đờ, thiếu máu, khó tập trung, dễ cáu gắt và trầm cảm.

Vitamin nhóm B còn có các chức năng riêng. Vitamin B2 và B9 cần thiết cho quá trình sản sinh hồng cầu. Vitamin B2, B6, B9 và B12 cần thiết đối với sức khỏe và hoạt động của hệ thần kinh. Vitamin B6 cần thiết đối với việc sản xuất enzyme, nội tiết tố, chất dẫn truyền thần kinh,… Vitamin B9 và B12 cần thiết với sự phát triển của cơ thể và sức khỏe tổng quát.

Vitamin B2 có nhiều trong gan bò, trứng, thịt đỏ, nấm, sản phẩm từ sữa, gà, vịt, cá,… Vitamin B6 có nhiều trong chuối, thịt đỏ, cá, gà, các loại rau, quả mọng,… Vitamin B9 được tìm thấy nhiều trong rau màu xanh đậm, bưởi, rong biển, dưa lưới,… Còn vitamin B12 thì có trong thịt đỏ, cá, gà, vịt, sò, ốc, sản phẩm từ sữa,…

  • Vitamin C

Vitamin C là chất chống oxy hóa quan trọng, rất cần thiết đối với hệ thống miễn dịch. Vitamin C giúp cơ thể sản sinh collagen – thành phần quan trọng của xương, dây chằng, sụn, gân, thành mạch máu, da, giác mạc,… Những người bị dị ứng, tiểu đường, suyễn, uống kháng sinh thường xuyên,… sẽ cần tiêu thụ lượng vitamin C cao hơn so với mức bình thường.

Nếu thiếu vitamin C, cơ thể dễ bị bầm da, chảy máu nướu răng hoặc mắc bệnh đường hô hấp. Vì vitamin C dễ bị phân hủy bởi nhiệt, ánh sáng và không khí nên nguồn hấp thụ vitamin C tốt nhất là từ rau quả tươi và gan động vật.

  • Vitamin D

Loại vitamin này rất cần thiết đối với trẻ em vì nó đóng vai trò chủ chốt đối với sự phát triển hệ xương. Vitamin D điều hòa hàm lượng canxi trong máu và xương. Nếu thiếu vitamin D, cơ thể dễ gặp các bất thường ở xương và có nguy cơ cao bị viêm nướu.

Các loại thực phẩm giàu vitamin D là hải sản, trứng, sữa,… Ngoài ra, mỗi người nên tắm nắng thường xuyên để cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể.

  • Vitamin E

Vitamin E là chất chống oxy hóa quan trọng đối với trí nhớ và hoạt động của não bộ. Đẻ cơ thể hấp thụ tốt vitamin E, chế độ ăn cần có đủ các chất chống oxy hóa khác như vitamin C, selenium,… và dầu, mỡ vì vitamin E tan trong dầu. Vitamin E có nhiều trong các loại hạt, khoai lang, quả kiwi, rau màu xanh sẫm,…

  • Vitamin K

Vitamin K có tác dụng giúp gan tổng hợp chất prothrombin (một chất quan trọng của quá trình đông máu) và giúp phát triển xương.

2.2. Khoáng chất

Cơ thể cần nhiều khoáng chất quan trọng như:

  • I ốt

I ốt là chất dinh dưỡng giúp tổng hợp các hormone tuyến giáp. Mỗi người cần bổ sung lượng i ốt cần thiết có trong muối ăn nhưng không được quá mức vì nếu tiêu thụ nhiều muối sẽ khiến cơ thể giữ nước, làm tăng thể tích máu, dẫn tới tăng huyết áp. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.

  • Canxi

Canxi là chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo xương của trẻ đang lớn, giúp xương của trẻ chắc và khỏe hơn. Ngoài ra, canxi còn rất cần thiết cho hoạt động của tim và cơ bắp. Tuy nhiên, mỗi người chú ý không nên tiêu thụ một lượng canxi quá lớn vì có thể gây sỏi thận.

  • Sắt

Sắt chất dinh dưỡng rất cần thiết cho quá trình sản xuất hồng cầu, đặc biệt là khi trẻ gái bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, sắt còn là nhân tố quan trọng đối với sự hình thành và phát triển não bộ.

  • Kẽm:

Kẽm là chất dinh dưỡng vi lượng cần thiết cho quá trình phát triển về mặt sinh dục của trẻ và cả hệ thống miễn dịch. Nếu thiếu kẽm, trẻ sẽ kém phát triển, có nguy cơ bị rối loạn hệ sinh dục và dễ bị yếu tố gây bệnh bên ngoài tấn công (do hệ miễn dịch suy yếu).

  • Vi chất khác như Fluo, selen, đồng,…

3. Nguy cơ khi thiếu hoặc thừa chất dinh dưỡng vi lượng là gì?

Thiếu vi chất dinh dưỡng gây nhiều hệ lụy như:

  • Thiếu vitamin A: Gây khô mắt, quáng gà, mù,…;
  • Thiếu vitamin B1: Gây bệnh tê phù Beriberi;
  • Thiếu vitamin B12: Gây bệnh thiếu máu Biermer;
  • Thiếu vitamin C: Gây bệnh xuất huyết Scorbut;
  • Thiếu vitamin D: Gây bệnh còi xương;
  • Thiếu canxi: Gây chứng Tetany;
  • Thiếu sắt: Gây thiếu máu nhược sắc.

Thừa vi chất dinh dưỡng có thể gây một số bệnh lý:

  • Thừa vitamin A và vitamin D: Gây tăng áp lực nội sọ;
  • Thừa sắt: Gây bệnh Hemosiderosis;
  • Thừa i ốt: Gây bệnh Jod Basedow.

Bài viết đã giải đáp cho bạn đọc về “chất dinh dưỡng vi lượng là gì và đóng vai trò như thế nào đối với cơ thể”. Vì vậy, mỗi người cần duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các nhóm dưỡng chất cần thiết để đảm bảo có một sức khỏe tốt và vóc dáng đẹp.

Đặc biệt với người cao tuổi, việc ăn uống sao cho đủ chất dinh dưỡng, không thừa không thiếu là rất quan trọng. Tâm lý ăn ít để phần con cháu, hay việc được tẩm bổ quá nhiều đều không tốt cho sức khỏe. Người già rất cần chế độ dinh dưỡng khoa học và tập luyện thường xuyên để duy trì sức khỏe.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi