Flurona-Lây nhiễm kép Covid 19 và cúm mùa

 

Flurona là thuật ngữ dùng để mô tả người nhiễm virus cúm và SARS-CoV-2 cùng một lúc hoặc liên tiếp nhau.

Theo hãng tin CNA, hiện tượng nhiễm Flurona không hoàn toàn mới. Trước đó, đã có báo cáo về trường hợp lây nhiễm này từ đầu năm 2020. Đến nay, một số quốc gia trên thế giới đã ghi nhận các ca nhiễm Flurona và giới chuyên gia lo ngại các ca lây nhiễm kép này có khả năng gia tăng khi biến thể Omicron dễ lây lan ngày càng phổ biến hơn. 

Flurona

Tại sao Flurona đang gây chú ý?

Vào thời điểm thế giới đang chuẩn bị cho bước ngoặt mới của đại dịch, hiện tượng Flurona – nhiễm cúm và COVID 19 cùng lúc đang khiến một số người lo lắng.

Song các chuyên gia cho rằng không có gì ngạc nhiên khi các trường hợp Flurona xuất hiện trong bối cảnh biến thể Omicron lây lan mạnh mẽ. Ngoài ra, việc các quốc gia nới lỏng nhiều biện pháp phòng dịch so với một năm trước đã khiến bệnh cúm bùng phát trở lại sau khi tạm biến mất vì lệnh phong toả và con người quan tâm hơn đến vệ sinh cá nhân vào năm ngoái.

Flurona có đáng lo ngại?

Theo các chuyên gia, chúng ta không nên lo ngại quá mức trước sự xuất hiện của hiện tượng lây nhiễm kép Flurona. Song mọi người vẫn nên cảnh giác.

Giáo sư David Edwards, nhà khoa học tại Đại học Harvard, giải thích: “Nếu đã mắc COVID 19, bạn nên bảo vệ bản thân để tránh nhiễm virus cúm, vì lây nhiễm kép (Flurona) sẽ tấn công mạnh hơn vào hệ miễn dịch”. Nhưng ông cho rằng khả năng điều đó xảy ra là không cao. Khả năng nhiễm một trong hai loại virus vào cùng thời điểm là rất thấp đối với hầu hết mọi người.

Edwards nói: “Xác suất cả hai loại virus tấn công con người cùng lúc giống như xác suất bị hai người cướp trong cùng một ngày. Trường hợp này có thể xảy ra, nhưng không cao như mọi người nghĩ”.

Tác động của Flurona đến sức khoẻ?

Trong một phân tích tổng hợp các nghiên cứu khác nhau hồi tháng 5/2021, các nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin đã phát hiện ra rằng 19% những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 cùng lúc nhiễm một mầm bệnh khác (được gọi “đồng lây nhiễm”) – có thể là virus, vi khuẩn hoặc nấm.

Họ cũng phát hiện ra rằng 24% bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID-19 sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với một mầm bệnh khác (được gọi là “bội nhiễm”). Các tác giả nhận thấy cả hai trường hợp lây nhiễm này đều có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, làm gia tăng tỷ lệ tử vong.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, cúm và COVID-19 đều là các bệnh về đường hô hấp và gây ra triệu chứng tương tự nhau như ho, chảy nước mũi, đau họng, sốt, đau đầu và mệt mỏi. Cả hai đều lây lan qua các giọt bắn và trong không khí khi người nhiễm virus thở, nói, ho hay hắt hơi.

Các tác giả cho biết nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của việc xét nghiệm các bệnh ngoài COVID-19 để mọi người có thể được điều trị đúng cách.

Những quốc gia nào đã ghi nhận ca nhiễm Flurona?

Israel đã xác nhận một trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với cả virus SARS-CoV-2 và virus cúm cùng lúc vào cuối tháng 12/2021. Đây là một phụ nữ đang mang thai và chưa tiêm vaccine COVID-19.  Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nhẹ của bệnh, và không có gì khác biệt khi cả cúm và COVID-19 đều tấn công vào đường hô hấp trên. Người này đã được xuất viện vào hôm 31/12/2021. Omicron đã làm bùng phát các ca mắc COVID-19 mới ở Israel. Quốc gia này cũng đang chứng kiến làn sóng bệnh cúm gia tăng vào mùa đông này, sau một năm dường như không ghi nhận ca nhiễm cúm nào.

Các trường hợp lây nhiễm kép cũng đã được ghi nhận ở Tây Ban Nha. Mỹ là quốc gia có ca lây nhiễm kép sớm nhất vào tháng 2/2020. Ba bang ở Brazil cũng ghi nhận các trường hợp Flurona.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi