Chế độ ăn cho người sỏi mật cần đầy đủ dinh dưỡng, giảm chất béo xấu, bổ sung chất béo tốt để đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa cũng như đề phòng biến chứng do sỏi. Vậy người bị sỏi túi mật không nên ăn gì thì sẽ giúp tránh đau và đầy trướng bụng?
Mục Lục
Chế độ ăn cho người sỏi mật
Tương tự như những cơ thể khỏe mạnh khác, chế độ ăn cho người sỏi mật cũng nên cân đối giữa các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu, cụ thể là:
- Chất béo:
Dầu mỡ luôn là yếu tố đầu tiên được liệt kê trong danh sách người bị sỏi mật ăn kiêng gì. Tuy nhiên việc từ bỏ hoàn toàn chất béo sẽ khiến túi mật không được kích thích để co bóp và đẩy dịch mật xuống đường tiêu hóa. Chế độ ăn cho người sỏi mật cần tiêu thụ chất béo lành mạnh từ cá hồi, dầu oliu, dầu đậu nành, quả bơ hoặc các loại hạt như óc chó, hạnh nhân, vừng…. Đây được xem là những thực phẩm rất tốt cho bệnh nhân sỏi mật vì sẽ hỗ trợ túi mật hoạt động tốt hơn.
- Chất xơ, vitamin C và vitamin tan trong dầu (A, D, E, K):
Bệnh nhân bị sỏi mật nên ăn nhiều các loại rau xanh (khoảng 400 – 500g/ngày), hoa quả tươi có chứa đường fructose dễ hấp thu, ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo nâu, bánh mì đen…. Nhóm thức ăn này không chỉ cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, mà đặc biệt là chứa chất xơ hòa tan giúp đề phòng sỏi cholesterol hoặc bùn mật hình thành trong cơ thể.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa ít béo:
Những loại sữa ít béo, bao gồm sữa tươi tách kem, sữa tách béo, sữa tách bơ (rất giàu cholin) và sữa chua, có tác dụng bổ sung dinh dưỡng khi chăm sóc bệnh nhân sỏi túi mật mà không làm tăng cholesterol. Ngoài ra, sữa đậu nành hoặc sữa gạo cũng được rất nhiều chuyên gia khuyến khích nên có mặt trong chế độ ăn cho người sỏi mật.
- Chất đạm thực vật:
Người bệnh sỏi mật tốt nhất nên bổ sung đạm thực vật từ hạt mè, hạt hướng dương, rau có màu xanh thẫm – một cách thường xuyên để chống thoái hóa mỡ tế bào gan. Ngoài ra có thể dùng đậu nành và một số loại đậu khác, tuy nhiên chúng dễ gây cảm giác đầy bụng, cần phải nấu nhừ. Nếu muốn dùng thịt, chỉ được lựa chọn cá hoặc các loại thịt nạc, thịt gia cầm trắng, song cần loại bỏ da và không tiêu thụ nước luộc thịt vì hai món này chứa nhiều chất béo không tốt.
- Chất đường bột:
Dưỡng chất này có nhiều trong loại thực phẩm quen thuộc hàng ngày là cơm trắng và ngũ cốc. Tuy nhiên đây cũng là nguồn nguyên liệu khiến cơ thể tạo ra cholesterol. Do đó người bệnh sỏi mật chỉ nên bổ sung chất đường bột từ nhóm lương thực còn nguyên vỏ cám như gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì đen.
- Nước:
Mọi người đều cần uống nhiều nước mỗi ngày để giúp đào thải bớt lượng độc tố tồn tại trong cơ thể, đặc biệt là các bệnh nhân đang có sỏi túi mật.
Đối với người bệnh đang có sỏi gây viêm túi mật hoặc sau khi vừa phẫu thuật mật, cần lưu ý chỉ nên ăn cháo, súp hoặc cơm nấu nhão, rau củ hầm mềm và những thức ăn dễ tiêu hóa khác.
Người bị sỏi mật kiêng ăn gì?
Trả lời cho câu hỏi “Sỏi túi mật không nên ăn gì?”, các bác sĩ cho rằng những cơn đau do sỏi mật, nhất là sỏi túi mật, chủ yếu xuất hiện sau một bữa ăn nhiều dầu mỡ. Nguyên nhân là do quá trình lưu thông của dịch mật xuống đường ruột để hấp thụ loại chất này đã bị sỏi làm cản trở. Vì vậy các chuyên gia khuyến cáo người bị sỏi mật không nên ăn quá 200mg cholesterol/ngày.
Trong chăm sóc bệnh nhân sỏi túi mật nên tránh cho người bệnh ăn những thực phẩm được liệt kê sau đây:
- Các loại thịt đỏ, nội tạng động vật và lòng đỏ trứng:
Đây là nhóm thực phẩm chứa khá nhiều cholesterol, tiêu thụ với số lượng nhiều sẽ gây khó tiêu, đau bụng, ảnh hưởng tới chức năng gan mật, kích thích túi mật co bóp quá mạnh và thậm chí là làm tăng kích thước sỏi.
- Tinh bột tinh chế:
Những loại thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột tinh chế, nhiều chất béo và calo mà bệnh nhân sỏi mật cần hạn chế là các món tráng miệng, đồ ăn nhẹ như bánh quy, socola….
- Sữa béo:
Trái ngược với sữa ít béo, các loại sữa nguyên kem, bơ, kem, và phô mai cũng nằm trong danh sách sỏi túi mật không nên ăn gì mà người bệnh cần hạn chế tối đa.
- Thức uống kích thích:
Một số loại đồ uống như rượu, bia, hay thậm chí là cà phê, trà và soda cũng chỉ nên dùng với lượng vừa phải trong chế độ ăn cho người sỏi mật. Nhóm thức uống kích thích sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến gan, khiến gan dễ nhiễm mỡ và u xơ gan, dẫn tới chức năng tiết mật của gan cũng suy yếu.
- Đồ ăn chiên xào, thức ăn nhanh:
Bệnh nhân sỏi mật thường xuyên gặp phải các triệu chứng như đau tức hạ sườn phải, chậm tiêu, đầy trướng bụng và buồn nôn sau khi ăn nhiều chất béo. Vì vậy đây cũng là những thực phẩm cần tránh tiêu thụ khi mắc sỏi mật.
Đặc biệt, bệnh nhân ở trong giai đoạn sỏi đang gây viêm túi mật thì cần kiêng tuyệt đối chất béo từ động vật. Những trường hợp sau khi đã cắt túi mật cũng phải hạn chế tối đa chất béo, nhằm tránh gia tăng gánh nặng cho hoạt động của hệ thống gan mật.
Lời khuyên khi chế biến món ăn cho bệnh nhân sỏi túi mật
Bên cạnh nắm được người bệnh sỏi mật ăn kiêng gì và những loại thực phẩm nên dùng, cách chế biến cũng đóng một vai trò rất quan trọng khi chăm sóc bệnh nhân sỏi túi mật. Việc nấu nướng không đúng cách có thể vô tình khiến cholesterol và chất béo xấu gia tăng trong chế độ ăn cho người sỏi mật, làm nặng thêm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Có thể tham khảo và áp dụng một số lời khuyên khi chế biến bữa ăn sau đây:
- Hạn chế chiên xào, nếu có nên dùng giấy thấm dầu để giảm dầu bị ngấm nhiều vào món ăn;
- Ưu tiên nấu ăn bằng phương pháp nướng, hấp, và luộc;
- Hớt bọt chất béo khi nấu món hầm;
- Tránh đổ dầu quá tay và hạn chế muối (dưới 6g/ngày) khi nêm nếm.
Tóm lại, một chế độ ăn cho người sỏi mật tốt nhất là cân bằng dinh dưỡng hợp lý đi kèm với cắt giảm lượng chất béo không tốt. Bên cạnh tham khảo sỏi mật ăn kiêng gì cũng như lựa chọn thực đơn lành mạnh, người bệnh cũng nên dành thời gian vận động thể dục thường xuyên từ 30 – 45 phút mỗi ngày.
Xây dựng thói quen sống khỏe có tác dụng hạn chế tình trạng dịch mật ứ trệ cũng như tránh tác động gây gia tăng kích thước sỏi, từ đó hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội soi tiêu hóa – Khoa Khám bệnh & Nội khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Người Cao Tuổi TV – không gian riêng dành cho người cao tuổi.