Thiếu lao động vì COVID-19: Doanh nghiệp phải xoay sở đủ đường

 

Các doanh nghiệp muốn khôi phục sản xuất kinh doanh nhanh nhất có thể để giảm thiểu thiệt hại do COVID-19. Thế nhưng, những nỗ lực này lại đang gặp trở ngại vì thiếu lao động.

Khó tuyển dụng lao động mới trong khi số lượng lao động đang làm việc lại mắc COVID-19 tăng nhanh đang là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất.

Trưng dụng cả F0 không có biểu hiện đi làm

Theo chia sẻ của một công ty dệt may có 4.000 lao động ở Đà Nẵng,  hơn 99% lao động trở lại sau Tết và 100% lao động tiêm ngừa 3 mũi vaccine nhưng từ ngày làm việc thứ 8 thì số lượng F0, F1 tại tăng nhanh khiến cho công ty rơi vào tình trạng thiếu lao động liên tục.

“F0 cách ly 7-10 ngày thậm chí 14 ngày, F1 liên quan cũng phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khiến cho chúng tôi thiếu lao động sản xuất. Đến ngày 4/3, có xưởng 28% lao động phải nghỉ việc vì COVID-19. Trong khi doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng sản xuất đến quý 3, việc thiếu lao động sản xuất ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của doanh nghiệp,” lãnh đạo công ty chia sẻ.

Từ thực tế số lượng lao động nhiễm COVID-19 tăng nhanh, lãnh đạo doanh nghiệp này phải lên phương án để các trường hợp lao động đã tiêm vaccine 3 mũi và khi mắc COVID-19 nhưng không có biểu hiện có thể tự nguyện đi làm.

Doanh nghiệp sẽ khoanh vùng, tổ chức khu vực riêng biệt khi làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi để hạn chế tiếp xúc, lây lan. Những trường hợp không có biểu hiện có thể đi làm phải đăng ký thông tin với trung tâm y tế quận để trong quá trình làm việc có gì bất thường thì liên hệ với trạm y tế để can thiệp kịp thời.

“Hiện nay, do quá thiếu lao động, công ty đã phải trưng dụng một số lao động F0 không có biểu hiện đi làm ở khu tách biệt, nhưng đây chỉ là một số kỹ thuật cao điều khiến máy móc không thể tìm người thay thế, còn với các chuyền may tiếp xúc gần nhau và phạm vi tiếp xúc lớn, chúng tôi không thể bố trí cho F0 đi làm đại trà được vì còn liên quan đến các quy định của pháp luật,” lãnh đạo công ty cho hay.

Số lượng lao động nhiễm COVID-19 tăng nhanh khiến cho các doanh nghiệp ở phía Bắc cũng rất khó tuyển mới lao động. Công ty trách nhiệm hữu hạn may Tinh Lợi tại Hải Dương đang phải tuyển tụng 6.000-8.000 lao động để giải quyết vấn đề thiếu lao động thế nhưng số lượng lao động tuyển được lại rất ít.

Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn may Tinh Lợi cho biết lao động các tỉnh vẫn còn rất e dè dịch nên không quay lại khu công nghiệp làm việc, họ cũng ngại đi lại để tìm việc làm mới. Công ty đã phải đi tuyển tại các tỉnh lân cận nhưng mỗi lần cũng chỉ tuyển được 20-30 lao động, số lượng không bù đắp được sự thiếu hụt.

Doanh nghiệp “lên núi” tìm lao động

 

thiếu lao động, doanh nghiệp tổ chức tuyển dụng onine liên tỉnh

Các công ty phải tổ chức phỏng vấn tuyển dụng trực tuyến,

tham gia các phiên giao dịch việc làm liên tỉnh để có thể tăng cơ hội tìm kiếm lao động.

Không chỉ tại những nơi số lượng lao động nhiễm COVID-19 tăng nhanh đang thiếu lao đông nghiêm trọng, những địa phương phía Nam kiểm soát dịch tốt hơn cũng chật vật tuyển dụng lao động. Thậm chí, quá khó để tìm lao động tại các khu công nghiệp sôi động, các công ty phải “lên núi” để chiêu mộ lao động.

Ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty trách nhiệm hữu hạn Pousung Việt Nam (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cho biết sau Tết, lao động ở các địa phương khác ít quay trở lại các khu công nghiệp nên các công ty phải giành giật với nhau khi tuyển dụng.

“Công ty tôi thiếu 6.000 lao động, đã tuyển gần 1.000 người nhưng số còn lại rất khó tuyển dụng. Vì thế, công ty dự định tổ chức đi xa như lên Đắk Lắk, Gia Lai… những nơi ít việc làm để tăng thêm cơ hội tuyển dụng được lao động,” ông Trường nói.

Quá thiếu lao động, công ty của ông Trường cũng đưa ra nhiều chế độ ưu đãi cho người lao động như công nhân không có tay nghề thì sau 1 năm làm việc được thưởng 2 triệu đồng, công nhân có tay nghề được 2,4 triệu đồng. Ngay cả người giới thiệu công nhân mới cũng được 1 triệu đồng, người giới thiệu công nhân có tay nghề đc 1,2 triệu đồng.

Lao động có kinh nghiệm từ 1-3 năm vào được hưởng lương bậc 2, 4 năm trở lên thì hưởng lương bậc 3. Điều này có nghĩa là khi người lao động có kinh nghiệm 4 năm trở lên vào làm trong công ty sẽ hưởng lương như người lao động đang làm 3 năm ở công ty. Đây là những đãi ngộ rất tốt đối với lao động trong bối cảnh cầu lao động đang cao hơn cung tại các khu công nghiệp lớn.

Tại Bình Dương, nhu cầu tuyển dụng lao động cũng đang lớn hơn bao giờ hết. Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết nếu như trong điều kiện bình thường, Bình Dương sẽ thiếu khoảng 40.000-50.000 lao động nhưng hiện nay con số này đã tăng lên 90.000 lao động. Nguyên nhân là do lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc chỉ đạt 95-96%, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Do nhu cầu tuyển lao động để phục hồi sản xuất lớn, doanh nghiệp đã “mở rộng cửa” để đón người lao động, thế nhưng việc tuyển dụng được lao động đảm bảo yêu cầu sản xuất cũng không phải dễ. Bởi lẽ, việc chuyển dịch cơ cấu lao động vốn không phải là câu chuyện xảy ra trong ngày một, ngày hai.

Ông Trường chia sẻ, khi doanh nghiệp tuyển lao động quá trẻ thì họ lại thường chỉ có nhu cầu làm việc ngắn hạn và kén chọn hơn công việc. Bên cạnh đó, tuyển lao động trình độ quá thấp thì khi làm việc thấy máy móc hiện đại họ lại chạy sang công ty khác có việc làm giản đơn hơn…. Điều này cho thấy không chỉ số lượng mà chất lượng lao động cũng là vấn đề đau đầu đối với doanh nghiệp.

Khó khăn trong sự chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang chính thức cũng là vấn đề nan giải đối với Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có số lượng rất lớn lao động làm việc trong các ngành thương mại, dịch vụ.

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng hiện nay các ngành nghề tại Thành phố Hồ Chí Minh khôi phục lại không đều. Thương mại, dịch vụ là lĩnh vực rất sôi đông trước dịch, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh đến giờ vẫn chưa khôi phục ổn định. Thế nhưng, việc chuyển đổi lực lượng lao động ở khu vực này sang khu vực lao động sản xuất công nghiệp lại chưa thể thực hiện được.

Theo ông Trung, Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với vấn đề mất cân bằng về thị trường lao động khi nơi thì thừa, nơi thì thiếu lao động. Vấn đề này lại không thể giải quyết được chỉ trong vòng một tháng mà cần một vài tháng, thậm chí 2-3 năm, bởi chuyển đổi đổi cơ cấu lao động vốn là vấn đề rất khó.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp “khát” lao động và sự thiếu hụt này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ phục hồi sản xuất kinh doanh thì việc triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động đang cấp bách hơn bao giờ hết. Các chính sách hỗ trợ trực tiếp thu hút người lao động như vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ về nhà ở, đào tạo… cần được sớm triển khai để thu hút người lao động sớm quay lại thị trường lao động, gỡ khó kịp thời cho doanh nghiệp.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi