Cây hương thảo có tên nước ngoài là Rosemary. Tại Việt Nam, Hương thảo được trồng nhiều nhất ở Đà Lạt, nơi có khí hậu ôn hòa thích hợp cho loài cây này phát triển. Vậy khi trồng và chăm sóc cây hương thảo tại nơi khí hậu nắng nóng như Sài Gòn chúng ta cần lưu ý những gì? Cùng tham khảo hướng dẫn chăm sóc cây hương thảo dưới đây nhé!
Mục Lục
Các điều kiện sinh thái của cây hương thảo
- Khí hậu: Hương thảo là loại cây ôn đới nhưng có thể chống chịu được với khí hậu nhiệt đới. Trong điều kiện nắng nóng nên đặt cây ở những nơi có bóng râm, nơi có nhiều ẩm độ: dưới gốc cây to, lưới lan có nắng 70%,…
- Nhiệt độ: Cây có biên độ nhiệt khá rộng. Tuy nhiên, nhiệt độ thích hợp nhất cho cây phát triển là 20 – 30oC.
- Ánh sáng: Cây ưa sáng, cần đảm chiếu sáng ít nhất là 4h/ngày. Sử dụng ánh nắng buổi sáng là tốt nhất. Nếu đặt chỗ nắng nóng nhiều lá sẽ bị cháy, teo dần, cây chậm phát triển và chết. Cây cũng cần nhiều nắng để có thể cho nhiều tinh dầu hơn,thơm hơn.
- Ẩm độ: cây ưa ẩm vừa phải, nếu quá ẩm ướt nhất là vào mùa mưa cây có khả năng thối lá, thối rễ.
- Đất trồng: Cây hương thảo thích hợp trồng trên đất sét có mùn pha cát; khả năng thoát nước tốt. Nên trộn thêm vôi vào đất trồng để tạo môi trường kiềm, cây phát triển tốt và thơm hơn.
- Tưới nước: Cây đặt ngoài trời hay ban công thì tưới trên lá bằng bình phun từ 8-9h sáng, nước vừa ướt chậu. Nếu trời nắng gắt tưới thêm lần nữa vào buổi chiều. Cần lưu ý chậu cây hương thảo sau khi tưới phải thoát nước hết, không ứ nước lại trong chậu. Dùng nguồn nước sạch để tưới cây hương thảo.
- Phân bón: Bón phân chuồng hoai, định kỳ 2 tháng bón 1 lần, mỗi lần bón vào gốc khoảng 200 gram.
- Thay chậu, cắt tỉa: Mỗi năm thay đất cho cây 1 lần. Nếu cây phát triển nhanh, cần thay chậu có diện tích rộng hơn để cây có đủ dinh dưỡng để phát triển. Thường xuyên cắt tỉa giúp cây phát triển tốt hơn, giúp tạo hình cây theo ý muốn.
Sâu hại thường gặp trên cây hương thảo
Cây hương thảo thường gặp 1 số loại côn trùng gây hại trong quá trình trồng và chăm sóc cây hương thảo sau đây:
- Bọ trĩ hay nhện đỏ: Khi phát hiện cây xuất hiện bọ trĩ hay nhện đỏ, cần phun các loại khoáng đầu trâu; liệu trình 3 ngày phun 1 lần, phun 3 lần trong một liệu trình diệt bọ.
- Sâu ăn lá, sâu cuốn lá: Khí hậu nóng ẩm, đặc biệt là mùa mưa nắng xen kẽ kết hợp ẩm độ cao, sâu cuốn lá phát sinh rất nhiều.
- Rệp sáp: Rệp sáp thường phát sinh nhiều trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao, chúng gây hại chủ yếu trên thân và tán lá. Khi thấy rệp sáp xuất hiện, xử lý bằng thuốc Suprathion, Marshal, Mospilan 3EC, Rago 650EC . Pha đúng liều và phun ướt đều hai mặt lá của cây.
Chú ý một số nguyên nhân làm cây bị chết
- Trồng trên giá thể có quá nhiều xơ dừa; đất tribat; tưới quá nhiều lá đen và rụng, rễ bị thối và chết.
- Cây hương thảo bị khô, bị bỏ tưới nước trong thời gian quá lâu.
- Độ ẩm gốc cây và ẩm độ không khí quá cao.
- Đặt cây trong phòng kín, thiếu ánh sáng kết hợp với việc tưới lên lá, ngọn.
- Bón phân bón gốc quá nhiều, bón sát gốc, bón vào trưa nắng; tưới phân bón lá quá đậm đặc, tưới vào trưa nắng.
- Khi đặt cây ngoài trời, tiết trời quá nóng như hiện nay (trên 40oC);nên bề mặt đất bị khô nhưng lại vội tưới quá nhiều nước cho cây trong ngày. Điều này sẽ làm cây bị thối rễ và chết.
Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.