Hỏi: Tôi là công nhân mỏ, do sức khỏe không tốt nên xin nghỉ hưu trước tuổi (50 tuổi), tôi nghỉ hưu trước tuổi có bị trừ tỉ lệ % lương hưu không?
Lương Văn Tuấn
(Phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh)
Trả lời: Về vấn đề này, theo quy định của Luật BHXH, khi nghỉ hưu trước tuổi, người lao động sẽ bị giảm tỉ lệ hưởng lương hưu theo số năm nghỉ trước. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp pháp luật cho phép người lao động nghỉ hưu trước tuổi mà không bị giảm trừ.
Điều 54 Luật BHXH 2014 quy định: Người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ sẽ được hưởng lương hưu. Và theo quy định tại khoản 2, Điều 56 Luật BHXH 2014, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau: 18 năm đối với lao động nam; 15 năm đối với lao động nữ. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2% cho đến mức tối đa bằng 75%.
Tuy nhiên, người lao động cũng sẽ bị trừ tỉ lệ hưởng lương hưu với mức 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, ngoại trừ 5 trường hợp sau đây (tính đến thời điểm hiện tại):
Lao động nam từ đủ 55 – 60 tuổi, nữ từ đủ 50 – 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên (điểm b, khoản 1, Điều 54 Luật BHXH 2014).
Người lao động từ đủ 50 – 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò (điểm c, khoản 1, Điều 54 Luật BHXH 2014).
Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (điểm d, khoản 1, Điều 54 Luật BHXH 2014).
Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế đủ 50 – 55 tuổi đối với nam, đủ 45 – 50 tuổi đối với nữ, có 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên (khoản 1, khoản 3, Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP).
Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế đủ 55 – 60 tuổi đối với nam, đủ 50 – 55 tuổi đối với nữ và có 20 năm đóng BHXH trở lên (khoản 2, khoản 4, Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 113/2018/NĐ-CP).
Nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vẫn được hưởng lương hưu tính theo số năm đã đóng BHXH của mình mà không bị trừ tỉ lệ do nghỉ hưu trước tuổi.
Vậy ông căn cứ cụ thể vào các quy định trên và liên hệ BHXH quận, huyện nơi cư trú để xác định cách tính lương hưu khi ông chính thức nghỉ hưu.
Bài viết được đăng trên chuyên mục hỏi đáp pháp lý cho người cao tuổi của trang web http://hoinguoicaotuoi.vn của Trung Ương Hội NCT Việt Nam. Hi vọng bài viết cung cấp thêm thông tin về lĩnh BHXH cho người về hưu.
Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi