Đinh lăng – Vị thuốc có nhiều công năng trị bệnh

 

Đinh lăng – một vị thuốc nam, một loại gia vị của người dân chúng ta hầu như ai cũng biết. Nhưng tác dụng dược lý của nó không phải ai cũng thông thạo.

đinh lăng

Giới thiệu

Đinh lăng có tên gọi khác: Cây gỏi cá, sâm nam …

Thuộc họ: Ngũ gia bì Araliaceae.

Bộ phận dùng: Trong các bài thuốc dân gian, ngoài lá, người ta thường dùng thân và đào rễ, rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô để sử dụng. Rễ nhỏ để nguyên, rễ to chỉ dùng vỏ rễ.

Thành phần hóa học: Các nhà khoa học đã tìm thấy trong đinh lăng có các loại alkaloid, glucosid, saponin, flavonoid, tanin, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6, các axit amin (bao gồm lycin, cystein và methionin) và nhiều nguyên tố vi lượng khác. Trong lá đinh lăng còn có saponin triterpen, một genin đã xác định được là axit oleanolic.

Trước đây người dân thường trồng làm cảnh ở góc hè. Khoảng 15 năm gần đây khi người dân bắt đầu biết đến tác dụng của đinh lăng thì phong trào trồng và thu hoạch loại cây này làm thuốc mới nhiều.

Cây đinh lăng dùng làm thuốc thì càng lâu năm càng tốt. Cây có tuổi đời từ 10 năm trở lên quý như nhân sâm. Lá thường dùng ăn gỏi cá chữa đau bụng, giải độc có tôm. Phía bắc thường dùng lá ăn với thịt chó hoặc thịt mèo.

Theo y học cổ truyền lá đinh lăng có tác dụng phát tán phong nhiệt, chữa đau đầu, cảm nắng. Dùng lá sắc đặc uống có tác dụng tiêu nhọt, áp xe vú.

Lá sắc uống có tác dụng điều trị tiểu máu, tiểu buốt dắt do viêm tiết niệu do sỏi.

Thân cây thái lát phơi khô rồi sao vàng hạ thổ dùng điều trị các bệnh lý về xương khớp, điều trị đau lưng mỏi gối, đau nhức các khớp.

Củ cây đinh lăng có giá trị cao, có tác dụng bồi bổ cơ thể phục hồi tốt cho người mới ốm dậy, tốt cho tiêu hóa, làm mát cho cơ thể. Các thầy thuốc Đông y quý củ đinh lăng lâu năm như sâm cao ly.

Củ rễ cây đinh lăng sao vàng hạ thổ tác dụng điều trị viêm đại tràng mạn tính.

Một số đơn thuốc có đinh lăng

Bài 1: Chữa mệt mỏi cơ thể

Củ rễ đinh lăng thái mỏng, phơi khô 5 gam cho vào 100ml nước sôi ngâm 15 phút, uống chia 2 hoặc 3 lần trong ngày.

Bài 2: Thông tia sữa, căng tức bầu vú

Rễ cây đinh lăng 30 – 40 gam, thêm 500 ml nước đun sôi cô cạn còn 250ml. Uống nóng chia 2 đến 3 lần trong ngày, đến khi vú hết đau nhức và sữa chảy ra bình thường.

Bài 3: Chữa vết thương

Dùng lá cây đinh lăng giã nát, đắp vết thương.

Bài 4: Đau đầu, đau nửa đầu

Lá phơi khô sao vàng hạ thổ 100g, sắc với 100ml nước uống trong ngày.

Bài 5: Chữa lỵ đường ruột mạn

Đinh lăng rễ 30 gam sao vàng hạ thổ, rau sam 1 nắm sao vàng hạ thổ, cỏ sữa lá nhỏ 1 nắm sao vàng hạ thổ, búp ổi 7 ngọn với nam, 9 ngọn với nữ, lá trắc bách sao đen 50 gam, cây ba gạc 30 gam, cam thảo đất 30 gam. Sắc với 1 lít nước cô cạn còn 300 ml uống chia 2 lần trước ăn.

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương (Phụ trách khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh)

Lưu ý trước khi dùng

Bạn cần cân nhắc giữa lợi ích của việc sử dụng dược liệu Đinh lăng so với nguy cơ có thể xảy ra trước khi dùng. Tham khảo ý kiến tư vấn của thầy thuốc hay bác sĩ trước khi sử dụng vị thuốc này.

Hi Vọng bài viết đã cho bạn nhiều thông tin bổ ích.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.