Sau tròn 3 tháng, cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp, đẩy thế giới vào nguy cơ khủng hoảng và xung đột lan rộng.
Chiến sự Nga – Ukraine hiện đã bắt đầu bước sang tháng thứ 4 và chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy hòa bình có thể sớm lặp lại. Hai bên vẫn chưa thể đồng thuận một giải pháp phù hợp để chấm dứt cuộc khủng hoảng đã khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng, nhiều thành phố bị san phẳng và khiến 6 triệu người dân Ukraine phải rời bỏ nhà cửa đi di tản.
Nhiều dân thường đã vội vã di tản khỏi Ukraine vào ngày 24/2 sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự, trong khi những người chọn ở lại đã quyết định xuống các ga tàu điện ngầm để tránh “bom rơi, đạn lạc” (Ảnh: Reuters).
Cuộc chiến bắt đầu vào ngày 24/2 khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch đặc biệt nhằm “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine”. Thực chất, mâu thuẫn giữa Nga và Ukraine đã kéo dài trong suốt 8 năm qua kể từ sự kiện cuộc đảo chính năm 2014 lật đổ chính quyền cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych. Sau dấu mốc này, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai ở Donbass, Đông Ukraine trong cuộc giao tranh với lực lượng Kiev.
Trong suốt hơn 10 năm, Ukraine đã “nung nấu” quyết tâm gia nhập NATO – động thái khiến Nga lo ngại sẽ làm ảnh hưởng tới an ninh của Moscow. Ngoài ra, trong những năm qua, chính quyền thân phương Tây ở Kiev đã ban hành một số chính sách mà Moscow cáo buộc là “bài Nga”, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của cộng đồng người nói tiếng Nga tại Ukraine.
Với tất cả những mâu thuẫn và bất đồng, 2 quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ đã bước vào cuộc chiến gây rung chuyển thế giới trong 3 tháng qua.
Một ngày sau đó, Ukraine bắt đầu ghi nhận các vụ hỏa lực phóng vào Kiev và khu vực lân cận. Trong khi đó, Ukraine bắt đầu chống đỡ khi lực lượng Nga tiến quân vào các khu vực Bắc, Nam và Đông Ukraine.
Đầu tháng 3, Nga bắt đầu tăng cường hỏa lực nhằm vào các thành phố lớn của Ukraine như Kiev và Kharkov và đặt ra mục tiêu giành quyền kiểm soát trung tâm “đầu não” của Ukraine.
Ngày 2/3, Nga bắt đầu siết vòng vây xung quanh Mariupol, thành phố cảng chiến lược ở biển Azov có thể giúp Nga lập hành lang nối liền đất liền Nga với bán đảo Crimea. Cũng vào thời điểm này, Nga đã tiến vào trung tâm Kherson, Nam Ukraine và giành được thành phố lớn đầu tiên của Ukraine.
Cư dân vội vã tìm chỗ ẩn nấp khi họ di tản khỏi thị trấn Irpin, vùng Kiev ngày 6/3 (Ảnh: Reuters).
Ngày 4/3, Lực lượng Nga giành được quyền kiểm soát Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Mặt khác, NATO đã khước từ lời kêu gọi của Ukraine về việc lập ra khu vực cấm bay, quan ngại rằng động thái này sẽ làm leo thang xung đột với Nga.
Trong suốt tháng 3, tiến độ chiến dịch của Nga có xu hướng chững lại, giảm tốc so với ngày đầu. Nga giải thích rằng họ chỉ nhằm mục tiêu vào mục tiêu quân sự, không nhằm vào dân thường nên diễn tiến có phần chậm lại.
Mặt khác, giới chuyên gia nhận định, Nga cũng phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt của Ukraine tại nhiều khu vực và Moscow gặp phải những bất lợi khi tác chiến trong đô thị. Cùng với đó, phương Tây đã gửi các vũ khí tới Ukraine, trong đó có những khí tài uy lực như tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa phòng không Stinger. Nga chịu tổn thất không nhỏ khi cố gắng tiến sâu vào các khu vực đô thị quan trọng ở Ukraine.
Ngày 25/3, Ukraine bắt đầu phản công và giành lại được một số thị trấn ngoại ô Kiev sau khi Nga phát đi tín hiệu rằng họ đang tập trung chiến dịch quân sự về Donbass, Đông Ukraine.
Trong suốt hơn một tháng, các cuộc đàm phán đã diễn ra giữa Nga và Ukraine nhưng 2 bên vẫn không thể tìm được tiếng nói chung về rất nhiều vấn đề, trong đó có số phận của bán đảo Crimea hay tương lai của vùng ly khai ở Donbass. Ukraine và Nga đã không tổ chức các cuộc hội đàm trực tiếp kể từ ngày 29/3 cho tới nay và giới chức 2 nước xác nhận đàm phán đã bị đình trệ.
Hiện trường một trung tâm mua sắm ở Kiev bị đánh bom hôm 21/3 (Ảnh: Reuters).
Ngày 14/4, soái hạm của Hạm đội Biển Đen Nga, Moskva bị chìm. Nga nói con tàu gặp hỏa hoạn nên kho vũ khí bị nổ, trong khi Ukraine tuyên bố bắn tên lửa vào con tàu.
Tới ngày 19/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố chiến dịch quân sự tại Ukraine đã bước vào giai đoạn mới sau khi Moscow rút lực lượng khỏi Kiev. Ông Lavrov cho biết mục tiêu của Nga trong giai đoạn hai của chiến dịch quân sự tại Ukraine là giải phóng Donetsk và Lugansk, hai vùng lãnh thổ ly khai tại Donbass, Đông Ukraine.
Chiến sự đã trở nên ác liệt hơn rất nhiều trong hơn một tháng qua sau khi phương Tây bắt đầu đưa vũ khí hạng nặng tới cho Ukraine. Nga cáo buộc rằng phương Tây đang muốn thực hiện một cuộc “chiến tranh ủy nhiệm” và khiến Ukraine “chống Nga tới người Ukraine cuối cùng”.
Ảnh chụp ngày 29/4 cho thấy các tòa nhà dân cư bị phá hủy ở thị trấn Irpin, ngoại ô Kyiv, Ukraine (Ảnh: Reuters).
Với việc được bổ sung vũ khí phương Tây, Ukraine vào khoảng đầu tháng 5 bắt đầu tổ chức phản công tại Kharkov và đã giành lại được một số khu vực. Thậm chí, ở một số điểm, lực lượng Ukraine còn tiến sát được tới gần biên giới với Nga. Trong khi đó, Nga tăng cường cường độ chiến dịch quân sự ở Đông Ukraine với mục tiêu kiểm soát được Donbass.
Ngày 20/5, Nga thông báo rằng những quân nhân Ukraine cuối cùng cố thủ trong nhà máy luyện kim Azovstal ở Mariupol đã ra hàng sau nhiều tuần bị lực lượng Moscow vây chặt. Như vậy, sau vài tháng tiến hành chiến dịch ở Mariupol, lực lượng Nga đã kiểm soát hoàn toàn thành phố chiến lược giáp biển Azov. Hiện số phận của hơn 2.000 quân nhân Ukraine vẫn chưa rõ ràng khi Ukraine muốn thực hiện trao đổi tù binh, trong khi một số quan chức Nga muốn đưa những binh sĩ Ukraine ra tòa án xét xử.
Cuộc chiến Nga-Ukraine không chỉ có tác động tới 2 nước, mà ảnh hưởng tới toàn thế giới. Nó đánh dấu một bước ngoặt lớn làm thay đổi tình hình an ninh châu Âu, khiến các quốc gia vốn theo đường lối trung lập như Phần Lan, Thụy Điển muốn gia nhập NATO.
Chiến sự cũng khiến nền kinh tế thế giới “chao đảo” khi giá nhiên liệu tăng phi mã trong bối cảnh các nước đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19. Nó gây ra nguy cơ về nạn đói toàn cầu khi cả Nga và Ukraine chiếm 30% xuất khẩu lúa mì trên toàn thế giới.
Sau hàng chục năm thiết lập trật tự an ninh để đảm bảo hòa bình, châu Âu tới nay lại đối mặt với việc trật tự này bị phá bỏ, cộng với những khó khăn về kinh tế, lạm phát do nguồn cung đứt gãy và mất an ninh năng lượng, và cả cuộc khủng hoảng di cư đang chờ đợi phía trước.
Thậm chí, nhiều quan chức và chuyên gia cảnh báo rằng, chiến sự Nga – Ukraine có nguy cơ lan rộng ra và kéo theo kịch bản Thế chiến III với hàng loạt rủi ro và nguy hiểm.
Nguồn: Báo Dân Trí
Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.