Trà hoa vàng – cùng tìm hiểu nữ hoàng trà (số thứ nhất)

 

Trà hoa vàng từ lâu đã được mệnh danh là nữ hoàng của các loại trà bởi hương vị thơm ngon, bổ dưỡng. Không chỉ có vẻ ngoài cuốn hút, loài cây này còn là thảo dược quý trong Đông y với nhiều công dụng như thanh nhiệt, giải độc, tốt cho tim mạch, phòng ngừa ung thư hiệu quả,…. Để tìm hiểu rõ hơn trà hoa vàng có tác dụng gì, cách dùng như thế nào… hãy cùng chúng tôi khám phá trong bài viết dưới đây.

trà hoa vàng

Thông tin về cây trà hoa vàng

Từ nhiều năm trước đây, trà hoa vàng đã là một thức uống xa xỉ, chỉ những bậc đế vương, quý tộc mới có cơ hội thưởng thức. Ngày nay, chúng được trồng phổ biến hơn với công dụng làm cảnh, khai thác dược liệu. Cùng tìm hiểu thêm những thông tin tổng quan của loài cây này ngay sau đây:

  • Tên gọi khác: Kim hoa trà, trà trường thọ, trà rừng, chè hoa vàng,…
  • Tên khoa học: Camellia Chrysantha
  • Thuộc họ: Chè (Theaceae)

Đặc điểm thực vật

Nhờ có vẻ đẹp cuốn hút, trà hoa vàng từ lâu đã trở nên nổi tiếng trong dân gian. Không khó để bạn có thể phân biệt loài cây này với các loại trà khác dựa vào những đặc điểm nổi bật sau đây:

  • Thuộc loài cây bụi, thân gỗ nhỏ, mỗi cây trà trưởng thành thường có chiều cao khoảng từ 2 – 5m. Vỏ ngoài thân nhẵn, màu xanh hoặc đôi khi màu vàng xám nhạt, cành thưa thớt.
  • Lá cây mọc đơn, so le nhau, màu xanh mướt, dày dặn. Mỗi phiến lá có hình trứng, thuôn về đầu, dài chừng 10 – 14cm, rộng khoảng 5 – 6cm, hai mặt lá nhẵn, mép có răng cưa nhỏ. Nếu để ý kỹ sẽ thấy khoảng 10 cặp gân lá mọc đối nhau, cuống lá dài 6 – 7mm.
  • Đến khoảng tháng 11 hàng năm là thời điểm cây ra hoa. Hoa trà hoa vàng mọc đơn độc ở đầu cành trên những nách lá, nụ hoa to. Khi nở, mỗi bông có khoảng 8 – 10 cánh hoa tròn trịa, màu vàng tươi bắt mắt, đường kính rơi vào chừng 5 – 6cm. Hoa có lá bắc dài, màu xanh đậm, 3 – 4 vòi nhụy chỉ dính nhau một phần. Thời gian hoa nở thường kéo dài rất lâu, phải đến tháng 3 mới tàn lụi.
  • Quả cây thuộc dạng quả nang, to chừng 3cm, vỏ dày và chứa nhiều hạt nhỏ bên trong.

Trà hoa vàng có bao nhiêu loại?

Tuỳ vào vị trí gieo trồng và phân bổ dược liệu mà chúng ta có thể chia trà hoa vàng thành 3 loại sau đây:

  • Trà hoa vàng Ba Chẽ – Quảng Ninh.
  • Trà hoa vàng Quế Phong – Nghệ An.
  • Trà hoa vàng Đà Lạt – Lâm Đồng.

Sự đa dạng về giống trà sẽ giúp người dùng có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, trong số các giống trà kể trên thì trà hoa vàng Ba Chẽ – Quảng Ninh được đánh giá cao về chất lượng hơn hẳn. Theo các chuyên gia thẩm định về trà, thì gống trà này có thành phần dược tính tương đối cao và hương vị thơm ngon.

Mặt khác, giống trà Ba Chẽ – Quảng Ninh còn mang đến giá trị cao, thường được trưng bày và góp mặt tại các triển lãm, hội chợ, nhận được nhiều sự quan tâm từ người dùng. Chính bởi vậy mà không ít gia đình tại khu vực này đã tận dụng khí nhưỡng để trồng trà hoa vàng làm giàu.

Khu vực phân bố chủ yếu

Từ nhiều năm trước đây, kim hoa trà mọc hoang nhiều ở các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc. Song, do khai thác quá mức, diện tích đất thu hẹp nên số lượng cây phát triển ngày càng ít. Hiện nay, loài cây này được tìm thấy ở các tỉnh như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Hòa Bình,… Ngoài ra, chúng cũng phát triển tốt tại một số vùng thuộc Trung Quốc.

Ngày nay, người dân ở nhiều địa phương đã tiến hành trồng trà hoa vàng làm giàu tại các khu vườn với mục đích sử dụng và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong số các vùng thảo dược, chất lượng trà tốt nhất phải kể đến trà hoa vàng Quế Phong (Nghệ An), trà hoa vàng Đà Lạt, Quảng Ninh,…

Bên cạnh đó, người dùng cũng hoàn toàn có thể mua giống trà hoa vàng để tự trồng tại nhà vừa làm cảnh, vừa khai thác dược liệu. Cây trà hoa vàng giống nên mua tại các cơ sở ươm giống cây trồng uy tín, tránh bị nhầm lẫn với những loại trà khác.

Thu hoạch và bào chế trà hoa vàng

Theo các nghiên cứu khoa học của nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, lá, búp non và hoa của trà đều có công dụng tốt cho sức khỏe. Trong đó, hoa được sử dụng làm dược liệu phổ biến hơn cả.

Theo người dân địa phương trồng trà hoa vàng Quảng Ninh, đối với lá, búp non có thể thu hái quanh năm, nên hái những lá bánh tẻ, không quá già, không bị hư hại. Còn đối với hoa nên hái vào mùa xuân khi nụ hoa đã phát triển hoàn toàn hoặc chớm nở. Khi ngắt cần nhẹ nhàng ngắt cả phần cuống hoa, bảo quản cẩn thận tránh hoa bị dập nát.

Dược liệu sau khi hái về có thể sử dụng dưới dạng tươi hoặc khô đều được. Tuy nhiên, để bảo quản trong thời gian dài nên sấy hoặc phơi khô là tốt nhất. Khi phơi có thể để trực tiếp dưới nắng, hoặc sấy dưới nhiệt độ khoảng 50 – 60 độ C đến khi khô hoàn toàn.

Trà hoa vàng sấy khô thu được cần bảo quản trong túi, lọ kín, để nơi khô ráo, tránh ẩm mốc, mối mọt.

trà hoa vàng sấy khô

Tác dụng của Trà hoa vàng

Mời bạn đọc đón xem số tiếp theo để biết thêm thông tin về Tác dụng, cách dùng, lưu ý khi sử dụng Trà hoa vàng.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.