Tuổi già sống bám con cái

 

Nỗi buồn tuổi già

Nhiều khi thèm một cây kem nhưng anh tôi không dám mua vì phải để dành tiền thuốc men, sinh hoạt và góp tiền nhà sống chung với con cái lúc tuổi già.

Đọc bài viết “Gánh nặng ‘trẻ nuôi con, già chăm cháu'”, tôi thấy vẫn còn quá nhiều người có tư tưởng sai lầm. Để tôi kể các bạn nghe sự thật của người già ở Mỹ và lý do tại sao họ đều muốn về Việt Nam sống?

Anh tôi qua đây từ năm 1999, có việc làm trong vòng ba tháng (anh là thợ tiện). Ngay từ đầu, tôi đã giải thích cho anh hiểu rằng cần mua thêm tiền hưu (401 nghìn USD) để khi về hưu sẽ có thêm tiền tiêu bên cạnh tiền an sinh xã hội (Social Security) dành cho người từ 62 tuổi trở lên. Nhưng anh đã chẳng mua đồng nào.

Năm 2010, anh về hưu ở tuổi 65. Gọi điện hỏi tôi, anh thắc mắc tại sao tiền an sinh xã hội chỉ được khoảng 800 USD một tháng? Tôi bảo đó là lý do vì sao ngày trước tôi khuyên anh nên mua thêm tiền hưu khi còn đi làm. Lúc đó, tôi thực sự giận dữ, nhưng cố kiềm chế và nói rằng: “Cuộc đời còn lại của anh chỉ gói trọn trong số tiền đó, nên ráng mà tiêu xài tiết kiệm lại (mỗi năm cũng có tăng thêm vài % tùy theo vật giá gia tăng).

nguoi cao tuoi voi con chau

“Sống bám” con cái?

Hiện nay, anh đang sống với vợ chồng con gái, hàng ngày lo dọn dẹp nhà cửa, tắm giặt, cơm nước và đưa đón ba đứa cháu ngoại. Hàng tháng, anh còn phải góp tiền nhà cho vợ chồng con gái. Tiền anh lãnh hàng tháng không đủ thuê một phòng ngủ nếu ra riêng. Chưa kể tiền ăn, điện, nước, gas… nên anh vẫn phải chấp nhận sống nhờ con cái.

Anh kể, nhiều khi thấy một cây kem bán bên đường, thèm thuồng lắm nhưng không dám mua vì phải để dành tiền thuốc men hay những chi phí cần thiết khác. Thực ra, câu chuyện của anh không phải là hiếm ở đây. Đó là lý do tại sao đa số người già ở Mỹ nếu không có gia đình hay thân nhân gần gũi, đều muốn quay về Việt Nam sống. Dù gì, tiền an sinh xã hội, quy ra tiền Việt vẫn giúp họ có thể sống thoải mái trong nước.

Hy vọng những bạn trẻ đọc đến đây hãy bắt đầu thay đổi cách sống và hãy nghĩ và lo cho tương lai về sau khi mình về hưu. Không gì bằng tự chủ, tự quyết định cho bản thân và gia đình mình. Tôi luôn quan niệm, con cái có cuộc sống sống riêng. Chúng không làm phiền chúng tôi và ngược lại, tôi không muốn làm phiền đến chúng.

nguoi cao tuoi trong gia dinh

Sống riêng, vui chung

Chúng tôi không cần sống chung, chỉ cần mỗi khi gia đình gặp gỡ, ai nấy cũng đều vui vẻ là được rồi. Đó là lý do tại sao tôi đặt điều kiện cho hai con tôi khi lập gia đình phải sống riêng. Vợ chúng không phải làm dâu. Tôi cũng không muốn tình cảm người thân bị sứt mẻ nên con dâu chỉ phải lo cho gia đình nhỏ của chúng mà thôi.

Khi hai cậu con trai đã trưởng thành, tôi ngồi xuống nói chuyện thẳng thắn với chúng về tương lai, vợ con: “Thứ nhất, tốt nghiệp đại học xong thì phải tìm việc làm sớm nhất có thể, phải dọn ra ngoài trong vòng sáu tháng. Thứ hai, nếu lập gia đình thì phải ở riêng. Thứ ba, nếu có con thì vợ chồng tự chăm sóc. Thỉnh thoảng, nếu cần có thời gian riêng cho nhau thì ông bà sẵn sàng trông cháu hộ đôi ngày, nhưng tuyệt đối không được tạo thành thói quen”.

Cứ như vậy, đến giờ, đã bảy năm qua, con tôi đã sinh hai bé và những nguyên tắc tôi đặt ra vẫn còn áp dụng. Cả ông bà, con trai, con dâu và các cháu đều vui vẻ, hạnh phúc. Chẳng ai cảm thấy bị áp lực bởi bất cứ điều gì.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.