Các nhà kinh tế Mỹ từng cho rằng mức lạm phát 8,5% trong tháng 3 đã là đỉnh trong 40 năm qua. Nhưng ngày 10-6, mức lạm phát trong tháng 5 được công bố đã tăng lên 8,6% – mức cao nhất kể từ tháng 12-1981.
Mục Lục
Giá xăng ở Mỹ lại lập mốc mới
Giá xăng trung bình trên toàn quốc ở Mỹ trong ngày 11-6 là 5 USD/gallon, tăng 0,6 USD so với một tháng trước – Ảnh: NEW YORK TIMES
Theo báo New York Times, giá xăng ở Mỹ ngày 11-6 đã tăng lên mốc mới khi giá xăng thông thường trung bình trên toàn quốc là 5 USD/gallon (1 gallon = 3,785 lít).
Mức giá này tăng 60 cent (0,6 USD) so với tháng trước. Tại một số bang như California, giá xăng thậm chí vượt 6 USD/gallon. Một năm trước, giá xăng là 3,08 USD/gallon.
Giá xăng vào mùa hè ở đây gần như luôn đắt hơn bình thường vì nhu cầu tăng cao. Ngoài ra, năm nay giá dầu và nhiên liệu tinh chế đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm. Các chuyên gia năng lượng ước tính giá xăng cứ tăng thêm mỗi cent thì người Mỹ sẽ lại tiêu tốn thêm 4 triệu USD mỗi ngày.
Nước Mỹ đang trải qua giai đoạn kinh tế khó khăn, khi các hộ gia đình đều đang cảm nhận được sức ép ngày càng tăng của lạm phát. Mức tăng hằng tháng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cao hơn đáng kể so với mức 8,3% trong tháng 4. Các số liệu mới nhất cho thấy chi phí sinh hoạt đã tăng nhiều mặt, trong đó đáng kể nhất là các chỉ số về nhà ở, xăng dầu và thực phẩm.
FED sẽ tăng lãi suất?
Theo thống kê năm 2020, nước Mỹ có gần 270 triệu chiếc xe hơi có động cơ trên tổng số khoảng 325 triệu dân. Do đó, khi giá xăng tăng vọt, cuộc sống của hầu hết người dân bị ảnh hưởng. So với 1 năm trước, giá xăng đã tăng 1,9 USD/gallon. Đây có thể coi là thời điểm tồi tệ nhất với người đi xe hơi khi họ đang lên kế hoạch nghỉ hè.
Một cách đơn giản, giá dầu tăng đã thúc đẩy giá xăng tăng. Trong ba tháng qua, giá một thùng dầu thô Brent đã tăng từ khoảng 87 USD lên hơn 120 USD. Nguyên nhân do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung ứng đứt gãy vì xung đột tại Ukraine.
Tin tức lạm phát đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ ngập trong sắc đỏ. Các chỉ số S&P 500 và Dow Jones đã giảm hơn 2% và Nasdaq giảm hơn 3,5%. Trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn ngắn, dù an toàn nhưng cũng nhạy cảm nhất với những thay đổi chính sách tiền tệ, đã bị bán tháo. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm tăng trên 3% – mức cao nhất kể từ năm 2008.
Trong tháng 5, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất chuẩn thêm nửa điểm phần trăm để kiềm chế lạm phát, song đây vẫn được coi là phản ứng quá chậm với tỉ lệ lạm phát gia tăng trong năm ngoái.
Các nhà kinh tế ước đoán FED có thể tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen bày tỏ tin tưởng những biện pháp trên sẽ thành công. Bà kỳ vọng giúp nền kinh tế “hạ cánh mềm”, mặc dù mới tuần trước bà Yellen thừa nhận đã mắc sai lầm vào năm 2021 khi nói rằng lạm phát, chỉ mới giảm từ mức cao gần 40 năm gần đây, chỉ là một “rủi ro nhỏ”.
Khó tránh suy thoái
Đi kèm với lạm phát cao còn là nguy cơ suy thoái kinh tế do các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng kiềm chế lạm phát bằng cách siết chặt các chính sách tiền tệ. Do đó, họ có nguy cơ đẩy tăng trưởng xuống trong lúc kìm bớt tăng trưởng tín dụng.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass tuần qua cho rằng các vấn đề như xung đột ở Ukraine, phong tỏa phòng dịch COVID-19 ở Trung Quốc, cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng và nguy cơ lạm phát đình trệ đang ảnh hưởng đến tăng trưởng. Đối với nhiều quốc gia, suy thoái sẽ khó tránh khỏi.
Suy thoái kinh tế ở Mỹ cũng sẽ tác động tới nhiều chính sách của quốc gia này trong thời gian tới. Tỉ lệ lạm phát đã làm giảm niềm tin của người dân với chính quyền của Tổng thống Biden. Điều này được cho là sẽ gây ảnh hưởng lớn tới khả năng kiểm soát lưỡng viện của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 tới.
Theo một cuộc thăm dò mới của báo Wall Street Journal và tổ chức NORC tại Đại học Chicago, khoảng 83% số người Mỹ được hỏi cho rằng tình trạng nền kinh tế kém hoặc không quá tốt. Đó là mức độ không hài lòng cao nhất trong 50 năm qua, kể từ khi NORC bắt đầu thực hiện thăm dò này năm 1972.
Dù chính quyền Tổng thống Biden đã thành công trong việc cố gắng giảm bớt tỉ lệ thất nghiệp, nhưng tỉ lệ lạm phát đã làm lu mờ thành công khi tâm lý tiêu dùng giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 6. Bất chấp sự bi quan của người Mỹ đối với nguy cơ kinh tế suy thoái, báo cáo việc làm mới nhất của Hoa Kỳ cho thấy 390.000 việc làm tăng thêm trong tháng 5, vượt xa kỳ vọng từ các chuyên gia.
Ông Biden cố gắng đẩy trách nhiệm lạm phát cao ra bên ngoài. Mới nhất, ông Biden đổ lỗi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin là nguyên nhân khiến giá năng lượng tăng cao khi liên kết tình trạng tăng giá xăng với cuộc chiến tại Ukraine. Nhưng cần nhắc lại Mỹ là quốc gia sản xuất nhiều dầu mỏ lớn nhất thế giới vào năm 2021 với hơn 11 triệu thùng dầu, nhiều hơn 1 triệu thùng so với Nga.
Và dù ông Biden cho rằng chống lạm phát là ưu tiên cao nhất, nhưng chính lúc này ông cũng đang đối mặt với các cáo buộc phớt lờ cảnh báo của các chuyên gia về lạm phát và gần đây là tình trạng thiếu sữa bột trẻ em trầm trọng ở Mỹ. Ông Biden còn chưa tới 6 tháng để trấn an dân Mỹ trước cuộc bầu cử giữa kỳ.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ
Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.