Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngày 16/6 cho biết Gazprom và tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNPC đã ký thỏa thuận kỹ thuật về việc cung cấp khí đốt qua tuyến Viễn Đông.
Một cơ sở lọc dầu của Tập đoàn Gazprom (Nga).
Liên minh châu Âu (EU) kỳ vọng lệnh cấm phần lớn nhập khẩu dầu sẽ làm tổn thương nền kinh tế Nga. Nhưng theo giới chuyên gia, động thái này đồng thời cũng sẽ đẩy giá dầu lên cao, tác động bất lợi tới đà phục hồi còn mong manh của kinh tế toàn cầu và tái định hình hoạt động giao dịch dầu trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, Nga buộc phải tìm hướng thoát hiểm và “lách” qua khe cửa hẹp để không mất đi nguồn thu quý giá từ “vàng đen” hết sức cần thiết cho nền kinh tế đang lao đao bởi các lệnh cấm của phương Tây.
Châu Âu, Mỹ và đa số phần còn lại của thế giới cũng sẽ chịu ảnh hưởng từ lệnh cấm nói trên, vì đà tăng của giá dầu, vốn đã kéo dài nhiều tháng qua, có thể chưa dừng lại khi châu Âu phải tìm mua dầu thay thế ở những nơi xa hơn, khiến chi phí vận chuyển sẽ tăng vì đi đường dài.
Ngày 16/6, Nga cho biết sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán nhằm tăng lượng khí tự nhiên bán cho Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng châu Âu sẽ phải chịu đựng giá năng lượng tăng cao vì lệnh cấm vận dầu mỏ chống Nga.
Phát biểu tại diễn đàn kinh tế quốc tế ở St. Peterburg (Nga), Phó Thủ tướng Alexander Novak cho biết Nga có thể chuyển xuất khẩu năng lượng từ các khách hàng châu Âu để hướng đến các nước như Trung Quốc và Ấn Độ nhằm bù đắp những thiệt hại về doanh số bán dầu cho châu Âu.
Tuy nhiên, ông Novak cũng cho biết thêm rằng cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga – hầu hết hướng đến việc cung cấp cho các nước láng giềng phía Tây – sẽ cần được phát triển để đảm bảo các đường ống và tuyến cung ứng có thể đến các thị trường mới.
“Sức khỏe” tài chính của Nga phụ thuộc rất lớn vào việc xuất khẩu năng lượng trị giá hàng tỷ USD, trong khi một nửa lượng khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) từ Nga, khiến khối này cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi nguồn cung gián đoạn. Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí cấm vận dầu mỏ chống Nga, theo đó có thể giảm 90% lượng dầu Nga xuất sang châu Âu.
Ông Novak đổ lỗi việc giá dầu tăng cao kỷ lục và lạm phát phi mã hiện nay là do “kế hoạch an ninh năng lượng yếu kém” tại Mỹ và châu Âu.
Ông dự báo kế hoạch giảm nhập khẩu dầu mỏ có thể dẫn tới khan hiếm các sản phẩm dầu trên thị trường châu Âu, và châu Âu sẽ phải trả thêm 400 tỷ USD vì giá năng lượng tăng và có thể phải đối mặt với tình trạng khan hiếm các sản phẩm dầu mỏ.
Trong một diễn biến mới nhất, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngày 16/6 cho biết Gazprom và tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNPC đã ký một thỏa thuận kỹ thuật về việc cung cấp khí đốt qua tuyến Viễn Đông. Thỏa thuận nêu rõ các thông số kỹ thuật quan trọng cho đoạn đường ống dẫn khí qua biên giới, cũng như các thông số về khí đốt.
Nguồn: Báo Vietnamplus