Chuyến tàu kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2022 sắp qua đi. Vậy đâu là những kỳ vọng cho bức tranh kinh tế nửa cuối năm nay.
Mục Lục
Hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu
Trái với kỳ vọng của nhiều chuyên gia về sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, kinh tế toàn cầu đang đứng trước nhiều tác động lớn đến từ cú sốc kép là đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine. Hiếm có khi nào dự báo tăng trưởng toàn cầu lại được điều chỉnh nhiều lần theo chiều đi xuống trong 6 tháng qua.
Các tổ chức quốc tế và định chế tài chính lớn đều hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 0,8 – 1,5 điểm % khi so sánh với những dự báo đầu năm. IMF sẽ có báo cáo cập nhật điều chỉnh giảm tăng trưởng GDP thế giới trong tháng tới.
Một trong những nguyên nhân chính khiến tăng trưởng sụt giảm trên quy mô toàn cầu đó là lạm phát đang lan rộng. Sâu xa là do giá năng lượng liên tục phá những kỷ lục mới.
Dầu Brent khởi đầu năm 2022 ở gần 79 USD/thùng. Nhưng khi xung đột Nga – Ukraine chính thức nổ ra vào ngày 24/2 được ví là sự kiện “thiên nga đen” trong năm nay, giá dầu đã tiến sát 100 USD. Thị trường sau đó bắt đầu tăng thẳng đứng, có thời điểm tăng 18% chỉ trong vài phút, lên 139 – 140 USD/thùng sau thông tin Mỹ sắp cấm nhập khẩu dầu Nga. Đây là mức giá cao nhất 14 năm. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng từ 50 – 70% tuỳ thời điểm.
Khi ví tiền để đổ một bình xăng của người tiêu dùng tăng quá nhanh bởi lạm phát thì nhu cầu mua sắm sẽ giảm, guồng máy sản xuất đi xuống, tăng trưởng ắt hẳn phải suy giảm.
Nguy cơ suy thoái của nền kinh tế số 1 thế giới
Nền kinh tế Mỹ đang trong cuộc suy thoái thực tế
Khảo sát mới nhất được các tờ báo uy tín như Thời báo phố Wall, Reuters… tiến hành với các nhà kinh tế học cho thấy, khả năng suy thoái của Mỹ – nền kinh tế số 1 thế giới đã tăng lên mức 40 – 44% trong 12 tháng tới. Đây là mức thường chỉ thấy khi nền kinh tế trên bờ vực hoặc đang trong các cuộc suy thoái thực tế.
Quan điểm của FED hồi tháng 3 rằng, kinh tế Mỹ năm nay có thể tăng tới 3,2 – 3,3% thì nay đã có thành viên của FED ủng hộ mức tăng GDP chỉ còn khoảng 1 – 1,1%, tức mức giảm tới 3 lần.
Trong khi đó, lạm phát được dự báo sẽ tăng rất xa với mục tiêu đặt ra. Nếu như tháng 3, cao nhất cũng chỉ kỳ vọng là 5%, nay mức này lại là mức trung bình thấp được dự báo cho lạm phát.
Ngoài ra, hiện thất nghiệp Mỹ đang ở mức 3,6%. Kỳ vọng sẽ tăng lên 4,1% hết năm nay.
GDP quý I/2022 của Mỹ cũng đã tăng trưởng âm, với những thông tin ở trên rõ ràng nguy cơ nước Mỹ rơi vào suy thoái đang dần hiện hữu. Tất nhiên khi nền kinh tế lớn nhất toàn cầu giảm tốc về tăng trưởng, cầu hàng hoá sẽ sụt giảm khi đó chuỗi cung ứng toàn cầu ắt sẽ bị ảnh hưởng.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ tuần qua, lần đầu tiên Chủ tịch FED Jerome Powell cũng đã thừa nhận khả năng nền kinh tế Mỹ có thể bước vào suy thoái khi siết chặt nhanh chính sách tiền tệ. Tờ Thời báo New York chua chát bình: “Sẽ rất đớn đau”. Hoặc kinh tế giảm tốc hoặc giá cả tiếp tục mất kiểu soát.
FED tăng lãi suất ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu
Đánh giá về tác động của FED đối với việc tăng mạnh lãi suất với kinh tế toàn cầu, ông Patrick Lee – Tổng giám đốc khu vực phụ trách Singapore và các thị trường ASEAN của ngân hàng Standard Chartered cho hay, việc tăng lãi suất của FED chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, đặc biệt ở Mỹ và châu Âu.
“Đồng USD mạnh đặc biệt ảnh hưởng đến những ai đang có khoản nợ bằng đồng USD. Những công ty, những quốc gia nào không nắm giữ quá nhiều khoản nợ bằng đồng USD nhiều khả năng sẽ xoay sở tốt hơn. Mặt khác, những quốc gia xuất khẩu sang Mỹ hay các quốc gia khác sẽ hưởng lợi từ đồng USD mạnh”, ông Patrick Lee cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Patrick Lee tăng trưởng đang chậm lại, nguy cơ suy thoái hiện hữu và điều này sẽ kìm hãm đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Dự báo Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong năm tới 2023.
Ông Patrick Lee cho biết, với đà tăng của lãi suất sẽ thấy sự chuyển dịch cơ cấu giữa các ngành, điều này sẽ ảnh hưởng tới quyết định đầu tư. Nhóm những cổ phiếu phòng thủ như điện, thực phẩm hay những sản phẩm thiết yếu khác như năng lượng, viễn thông… sẽ hưởng lợi.
Ngược lại những công ty bán các sản phẩm xa xỉ, không thiết yếu sẽ bị ảnh hưởng bởi lãi suất cao.
Dù có những bất ổn, căng thẳng địa chính trị song ông Patrick Lee và các tổ chức tài chính có cái nhìn rất lạc quan với kinh tế Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung bởi một số lý do.
“Thứ nhất, chúng tôi chứng kiến một xu hướng dịch chuyển dây chuyền sản xuất và đầu tư tới Việt Nam và Đông Nam Á. Dòng vốn ngoại FDI vẫn rất dồi dào và có thể hỗ trợ nền kinh tế. Hơn nữa khu vực Đông Nam Á có một lượng lao động trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng đông. Điều này sẽ thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu những yếu tố này trong khu vực”, ông Patrick Lee đánh giá.
Liên tiếp những báo cáo thời gian gần đây cho thấy, Việt Nam đang là điểm sáng hiện nay. Mức dự báo tăng trưởng GDP trung bình được các tổ chức quốc tế đưa ra là khoảng 6,5%. Với việc thuộc top 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất thế giới, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 tăng đến hơn 70% đang cho thấy sức hút của đất nước hình chữ S.
Bên cạnh đó, việc dòng vốn FDI cam kết tiếp tục tăng vào Việt Nam, một môi trường chính trị ổn định và dự trữ ngoại hối cao kỷ lục… là những lợi thế không thể bỏ qua với nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, như chuyên gia của Standard Chartered và các tổ chức quốc tế lớn đánh giá, Việt Nam vẫn cần cẩn trọng trước những áp lực từ lạm phát bên ngoài và nguy cơ suy thoái toàn cầu đang gia tăng nếu cuộc xung đột Nga – Ukraine và chính sách phong tỏa để phòng dịch COVID-19 của Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết.
Nguồn: VTV
Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.