Thủ tướng: “Tiền để đấy không tiêu được” là “rất xót ruột và sốt ruột”

 

Trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng trong bối cảnh có nhiều thách thức, tình trạng “tiền để đấy không tiêu được” là “rất xót ruột và sốt ruột”.

Giải ngân chậm vẫn là căn bệnh kéo dài

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 3/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhưng tình hình vẫn chưa chuyển biến mạnh, giải ngân chậm vẫn là căn bệnh kéo dài nhiều năm nay.

Đặc biệt, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, tình trạng “tiền để đấy không tiêu được” là “rất xót ruột và sốt ruột”.

thủ tướng phạm minh chính

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, những nơi làm tốt cũng phải chia sẻ kinh nghiệm, bài học.

Thủ tướng chia sẻ trăn trở với lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Đâu là vấn đề thuộc về thể chế, thẩm quyền thuộc về ai? Nếu thuộc về Chính phủ thì Chính phủ phải làm, thuộc về các bộ thì các bộ phải làm. Theo người đứng đầu Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố là những người nắm rõ nhất việc này. “Chúng ta nắm giữ các nguồn lực mà nhìn thấy ách tắc thì chắc chắn phải sốt ruột, lo lắng, trăn trở, trừ những người vô cảm”, Thủ tướng bày tỏ.

Theo các báo cáo và ý kiến tại phiên họp, có khoảng 21 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc về đầu tư công, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có phân thành 3 nhóm chính: Nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách (trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, ngân sách nhà nước và công sản, xây dựng, đấu thầu và đầu tư công); nhóm nội dung liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; nhóm khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Tại buổi họp, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố, bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao khẳng định, bài học quan trọng nhất là đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải và phát huy trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức công việc, giám sát, kiểm tra, đôn đốc. Trên phạm vi toàn quốc, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã cắt giảm khoảng 5.000 dự án so với nhiệm kỳ trước, chỉ còn dưới 5.000 dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết, so với khoảng 600 dự án đầu tư công trong nhiệm kỳ trước, số lượng các dự án trong nhiệm kỳ này của tỉnh chỉ bằng khoảng 1/8, trong đó năm 2021 khởi công mới 9 dự án và năm 2022 khoảng 12 dự án.

Cả nhiệm kỳ này, Quảng Ninh sẽ tập trung vào 10 dự án trọng điểm, có tính chất động lực phát triển với tổng vốn khoảng 40.000 tỷ đồng, như cao tốc Vân Đồn – Móng Cái 7.000 tỷ đồng, con đường mới ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng xuyên qua thị xã Quảng Yên, TP Uông Bí với thị xã Đông Triều khoảng 9.000 tỷ đồng… Đến nay, Quảng Ninh đã giải ngân được khoảng 58% trong tổng vốn hơn 11.000 tỷ đồng của năm 2022.

Theo các báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 7 mới đạt 34,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết, tỉnh tập trung cho các dự án lớn mang tính trọng điểm, như tuyến đường kết nối Bắc Giang – Thái Nguyên – Vĩnh Phúc – Tuyên Quang tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 4.000 tỷ đồng và giai đoạn 2 khoảng 2.000 tỷ đồng. Hiện Thái Nguyên đã giải ngân được khoảng 59% trong tổng vốn hơn 5.000 tỷ đồng của năm 2022.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ý kiến tại phiên họp cho rằng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2022, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh vốn giữa các bộ ngành, địa phương; các bộ ngành, địa phương tự điều chỉnh vốn trong nội bộ. Các bộ ngành, địa phương chưa làm tốt thì phải khiêm tốn, cầu thị, học hỏi, tham khảo các mô hình, cách làm của những nơi làm tốt như thành lập các tổ công tác, đôn đốc, giao ban hằng tháng…

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị quyết về nội dung này.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.