Các động tác chuyển động mạnh trong quá trình đạp xe khiến vùng xương chậu cọ xát nhiều với yên xe dễ làm giảm phần nhạy cảm ở bộ phận sinh dục.
Chị Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi), 28 tuổi, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội nhiều năm qua đã tham gia câu lạc bộ xe đạp để rèn luyện sức khỏe. Đều đặn mỗi ngày, sau khi đi làm về chị thường dành 2 tiếng để đạp xe. Tuy nhiên, dạo gần đây mỗi lần tập xong, chị lại cảm thấy ê ẩm “cô bé”.
Gần đây thấy mọi người bảo đạp xe nhiều có thể ảnh hưởng không tốt “chỗ ấy”, tăng nguy cơ vô sinh nên chị Hoa cảm thấy lo lắng và tìm đến bác sĩ.
Mục Lục
Nguy cơ giảm ham muốn, suy yếu tinh binh
Chị Hoa là một trường hợp được ThS BS Phan Chí Thành – Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo – Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương thăm khám trong thời gian gần đây.
Theo chuyên gia này, đạp xe là môn thể thao rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, với những loại yên xe đạp nhỏ nếu đạp với cường độ cao, lâu dài sẽ dẫn đến hiện tượng đè toàn bộ vào vùng tầng sinh môn ở phía dưới của nữ giới và nam giới.
BS Thành phân tích: “Nghiên cứu cho thấy có những trường hợp sự chèn ép lâu của yên xe đạp gây tổn thương dây thần kinh thẹn ở ngay phía dưới. Thần kinh thẹn là nơi cung cấp thần kinh cho toàn bộ hệ thống cơ quan sinh dục của nam và nữ giới. Do đó, đã có những trường hợp tổn thương dây thần kinh thẹn sau khi vận động viên đạp xe kéo dài và gây mất cảm giác khi quan hệ tình dục”.
Cụ thể đối với nam giới, khi đạp xe, khu vực hai đùi, háng và bộ phận sinh dục luôn trong tư thế khép lại. Các động tác chuyển động của chân sẽ tác động vào khu vực này của nam giới khiến đẩy hai tinh hoàn vào thế bị cọ xát liên tục. Việc này tăng nhiệt độ lên cao và làm xộc xệch dây dẫn tinh. Đó chính là yếu tố nguy cơ dẫn đến chất lượng tinh trùng kém ở nam giới.
Ở nữ giới, theo BS Thành, bộ phận chịu tác động nhiều nhất khi đạp xe là vùng xương chậu. Khu vực này bao gồm cả bộ phận sinh dục và hậu môn.
“Các động tác chuyển động mạnh trong quá trình đạp xe khiến vùng xương chậu cọ xát nhiều với yên xe dễ làm giảm phần nhạy cảm ở bộ phận sinh dục của nữ giới. Trường hợp nặng có thể dẫn đến giảm cảm giác ham muốn của phụ nữ”, BS Thành nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị bác sĩ này cũng lưu ý rằng, các tác hại của việc đạp xe nêu trên đều do đạp xe quá nhiều hoặc đạp xe không đúng cách là chủ yếu.
Lưu ý để đạp xe an toàn
Để giảm các tác hại đến “cô bé”, “cậu bé” sau mỗi lần đạp xe, BS Thành khuyến cáo mọi người nên lưu ý những điều sau đây:
– Không ngồi trên xe quá lâu, chọn loại yên xe có thiết kế yên ngồi mềm, bằng phẳng đủ diện tích tiếp xúc với vùng chậu, hông.
– Kiểu dáng, kích thước xe phù hợp với cơ thể, tránh để tình trạng xe quá cao hoặc quá thấp khiến bộ phận sinh dục bị cọ xát, tì ép nhiều.
– Trang phục phù hợp khi đạp xe, không chọn trang phục quá nóng, chật chội, bó sát người.
– Trường hợp người đi xe đạp có dấu hiệu bất thường nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.
Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.