Số ca mắc và tử vong do ung thư tăng mạnh: vì sao?

 

GS.TS Mai Trọng Khoa chỉ ra 3 điểm đáng chú ý về bức tranh ung thư tại nước ta: tăng số mắc, số tử vong do ung thư và xu hướng trẻ hóa bệnh. Ung thư gan hiện là bệnh ung thư phổ biến nhất.

Chia sẻ bên lề Hội nghị Khoa học thường niên lần thứ 23 của Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, GS.TS Mai Trọng Khoa, Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết số ca mắc mới ung thư mỗi năm tại nước ta có xu hướng tăng lên. Tính chung cả hai giới, ung thư gan đứng hàng đầu, trong khi đó ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới.

“Tỷ lệ mắc gia tăng ở nhiều nước nhưng có điểm rất đặc biệt là với một số loại ung thư, tỷ lệ tử vong hàng năm ở một số nước không những không tăng mà còn giảm. Tại Việt Nam, số ca mắc mới tăng lên và số ca tử vong hàng năm cũng tăng lên. Đây là con số chúng ta cần lưu ý”, GS Khoa chia sẻ.

Theo ông, khi tỷ lệ giữa số mắc và tử vong cao thì điều đó thực sự đáng báo động và Việt Nam đang ở ngưỡng báo động đó. Đây thực sự là gánh nặng, thách thức cho Việt Nam trong công tác phòng chống ung thư, thậm chí gánh nặng về kinh tế.

Ngoài ra, ung thư cũng đang có xu hướng trẻ hóa. Theo quy luật tự nhiên, tuổi càng cao tỷ lệ mắc bệnh càng lớn. Nhưng có những loại ung thư trước đây thường gặp ở người lớn tuổi trung niên nhưng nay tuổi mắc càng hạ, thậm chí là trẻ em. Đây là điểm cần đặc biệt quan tâm. Ví dụ ung thư dạ dày hiện nay gặp cả ở người trẻ, thậm chí học sinh phổ thông.

Vì sao ngày càng có nhiều người Việt mắc ung thư?

Số ca mắc và tử vong do ung thư tăng mạnh: vì sao?

“Một điểm cần lưu ý nữa là mặc dù chúng ta có nhiều chương trình phòng chống ung thư quốc gia, có nhiều nỗ lực, cố gắng nhưng tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong hàng năm vẫn tăng cao. Nguyên nhân không phải có một mà do nhiều nguyên nhân tổ hợp lại”, GS Khoa phân tích.

Cụ thể:

Thứ nhất, yếu tố khách quan là dân số tăng lên về cơ học, khi một quần thể tăng lên thì nhiều bệnh sẽ tăng lên, bệnh tim mạch, đái tháo đường…., không riêng gì ung thư.

Thứ 2, tuổi thọ tăng lên, tuổi càng cao (già hóa dân số) số người mắc bệnh càng cao.

Thứ 3, ý thức, kiến thức của người dân tăng lên. Chất lượng cuộc sống được cải thiện, người dân quan tâm sức khỏe nhiều hơn. Họ chủ động đi khám, tự khám hoặc có chương trình thăm khám phát hiện các bệnh, trong đó có tầm soát ung thư. Nhờ đó, nhiều người phát hiện bệnh sớm.

Thứ 4, do khoa học công nghệ phát triển. Trước đây, chúng ta không có máy móc, xét nghiệm để phát hiện ung thư thì nay nhiều máy móc, thiết bị, kỹ thuật công nghệ cao giúp phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm, khối u còn rất nhỏ. Vì thế, thay vì trước kia không phát hiện được bệnh thì nay phát hiện được, dẫn đến số ca mắc tăng lên.

Thứ 5, còn phải kể đến yếu tố môi trường, song môi trường chỉ là một yếu tố không phải là tất cả. Nếu chỉ nói riêng môi trường là nguyên nhân thì không đủ. Có những quốc gia phát triển, môi trường được đảm bảo tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh vẫn tăng. Nhưng môi trường kém (ô nhiễm nước, không khí…) là một trong những yếu tố quan trọng gây ung thư.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến thói quen ăn uống.

Quan trọng nhất là chẩn đoán

“Với bệnh ung thư, quan trọng nhất là chẩn đoán, trước kia chỉ nhìn sờ gõ nghe bằng tay, nay dùng kỹ thuật công nghệ cao. Điện quang và y học hạt nhân đóng vai trò chủ đạo, đóng góp rất nhiều trong chẩn đoán. Các kỹ thuật hiện đại chẩn đoán phát hiện ung thư là sự kết hợp giữa điện quang và y học hạt nhân”, GS Khoa cho biết.

Việt Nam có hầu hết tất cả thiết bị về điện quang và y học hạt nhân hàng đầu trên thế giới. Kỹ thuật PET/CT, PET/MRI… ra đời giúp phát hiện ung thư sớm rất hiệu quả.

Số ca mắc và tử vong do ung thư tăng mạnh: vì sao?

GS.TS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam.

GS.TS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam cũng cho biết thêm hiện nay với các thiết bị chẩn đoán hiện đại, chúng ta có thể chẩn đoán sớm và sâu nhiều bệnh. Ví dụ như ung thư gan, tiền liệt tuyến, vú, khi lâm sàng chưa phát hiện ra bệnh nhưng chẩn đoán hình ảnh đã có thể thấy. Việc chẩn đoán sớm sẽ giúp việc điều trị sớm và hiệu quả hơn.

“Lấy ví dụ với bệnh ung thư gan, nhờ áp dụng các kỹ thuật điện quang như nút mạch mà nhiều bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn sớm có thể sống thêm 10-20 năm. Ngoài ra, sự phát triển của điện quang và y học hạt nhân còn giúp chẩn đoán sớm, can thiệp ngay các trường hợp chảy máu não, đột quỵ giúp cứu sống hàng nghìn bệnh nhân”, GS Thông nhấn mạnh.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.