Gan nhiễm mỡ: bước đầu tiên dẫn đến ung thư

 

Triệu chứng của gan nhiễm mỡ thường không rõ ràng. Người bị gan nhiễm mỡ thường xuất hiện một số biểu hiện như: bụng ấm ách, khó chịu, chán ăn.

Gan nhiễm mỡ là gì?

Gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo trong gan vượt quá 5% trọng lượng của gan. Người ta có thể chia gan nhiễm mỡ thành hai loại dựa vào nguyên nhân gây bệnh đó là gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu.

Người bị gan nhiễm mỡ hầu như không có triệu chứng gì. Chỉ có một vài bệnh nhân cảm thấy hơi mệt mỏi và suy nhược, hoặc có cảm giác hơi tưng tức ở vùng dưới sườn bên phải. Do vậy, bệnh thường được phát hiện một cách tình cờ sau một xét nghiệm máu thường quy (thấy men gan tăng) hoặc sau khi được siêu âm.

Vì vậy, để phát hiện sớm, nên siêu âm tầm soát bệnh 3 tháng/lần. Những trường hợp gan nhiễm mỡ không kèm viêm gan thường có một giai đoạn lâm sàng lành tính 10-15 năm. Còn ở những người có kèm viêm gan, có đến 25% sẽ tiến triển đến xơ gan trong cùng thời gian đó. Các triệu chứng cảnh báo là chán ăn, ăn không ngon; mệt mỏi kéo dài và buồn nôn, đầy bụng.

Theo các chuyên gia, gan nhiễm mỡ dù xuất phát từ bất cứ nguyên nhân nào cũng là giai đoạn đầu của một chuỗi bệnh lý gan nguy hiểm khác, mà nhiều bệnh trong số đó nếu xuất hiện sẽ khó có khả năng điều trị, phục hồi.

gan nhiễm mỡ

Các bệnh lý này bao gồm: gan nhiễm mỡ do béo phì, tăng mỡ máu kéo dài dễ gây viêm gan mạn tính và xơ gan; gan nhiễm mỡ do bia rượu có trên 50% sẽ bị xơ hóa, 25% sẽ tiến triển đến xơ gan và 14% sẽ bị ung thư gan.

Ung thư gan

Ung thư gan nguyên phát là bệnh lý ác tính của gan xảy ra khi tế bào bình thường của gan trở nên bất thường về hình thái và chức năng. Các tế bào ung thư phát triển gây ảnh hưởng đến mô bình thường liền kề và có thể lây lan sang các vùng khác của gan cũng như các cơ quan bên ngoài gan.

Tại Việt Nam, gần 20 năm qua, ung thư gan cũng gia tăng rất nhanh. Năm 2000 chỉ có 5.700 ca ung thư mới mắc, tăng lên 9.400 ca năm 2010, đến năm 2018 ung thư gan mới mắc ở hai giới là 25.335 ca, trong đó nam giới chiếm 19.500 ca.

Ung thư gan nguyên phát gồm 3 loại chính: ung thư biểu mô tế bào gan (phát triển từ tế bào gan), ung thư biểu mô đường mật (phát triển từ đường mật trong gan) và u nguyên bào gan (Hepatoblastoma). Trong đó ung thư biểu mô tế bào gan là hay gặp nhất.

Khoa học hiện đại có rất nhiều phương pháp điều trị để giúp một bệnh nhân ung thư gan có thể sống sót. Nhưng điểm quan trọng cần làm là phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thời gian trung bình để tăng gấp đôi thể tích khối u gan là 112 ngày. Nói cách khác, chỉ mất khoảng 4 tháng để ung thư gan tăng gấp đôi kích thước.

Vì các khối u ác tính ở gan có thể được chữa trị hiệu quả bằng cách cắt bỏ trước khi chúng vượt quá 3cm, các chuyên gia khuyến cáo: Những người bị xơ gan nên đi khám gan 3 – 6 tháng/lần. Nếu không mắc xơ gan, chúng ta cũng nên khám gan định kỳ 6 – 12 tháng/lần.

Theo tần suất thăm khám này, ngay cả khi phát hiện ra ung thư gan, nó vẫn nằm trong phạm vi có thể kiểm soát được.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.