Bà cụ hạnh phúc nhất Việt Nam: 108 tuổi, có 114 cháu, chắt

 

Cụ Trần Thị Họa, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định vừa đón cái Tết thứ 108 trong đời. Cụ Họa có 114 cháu chắt và hiện đang sống khỏe mạnh, minh mẫn trong ngôi nhà cổ.

cụ Họa

 

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền vừa ký tặng giấy mừng thọ bà cụ Trần Thị Họa (sinh năm 1914, thôn Cấp Tiến 1, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) ở tuổi 108.

Tính đến thời điểm hiện tại, cụ Họa là người cao tuổi nhất của xã Mỹ Phúc.

Cụ Họa vừa đón cái Tết thứ 108 trong đời, sống an lạc, vui vầy, minh mẫn bên 114 người cháu, chắt.

Ông Trần Hữu Sơn, SN 1961, người con áp út của cụ Họa cho biết: cụ có 7 người con. Người con lớn nhất năm nay 81 tuổi; người con út sinh năm 1964, năm nay 58 tuổi. Tất cả các con của cụ cũng đã lên ông, lên bà.

Cụ Họa hiện có tổng 114 cháu và chắt, trong đó, người cháu lớn nhất của cụ sinh năm 1970.

Người chồng của cụ Họa sinh năm 1912 nhưng đã mất khi 83 tuổi.

Ông Sơn cho biết, dù tuổi cao nhưng mẹ mình rất mạnh khỏe, minh mẫn. Trong vườn có quả bưởi, buồng chuối chín, cụ vẫn hái mang ra chợ bán.

“Chúng tôi không cấm cản mẹ mình làm những công việc ấy, để cụ được vận động càng khỏe người hơn. Khi biết tuổi của cụ, người mua trả tiền cao hơn nhiều so với giá trị của nải chuối, quả bưởi… bởi ai cũng yêu quý, mừng tuổi bà cụ sống thọ hơn 100 tuổi” – ông Sơn cho biết.

Dù rất đông con cháu nhưng cụ Họa lại sống một mình trong ngôi nhà cổ 3 gian lợp ngói. Bầu bạn với bà cụ là con chó mực ngoan ngoãn, cuộn tròn ngủ li bì. Dù có người lạ đến, nó vẫn say sưa ngủ.

Dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, bà cụ đẹp lão hiền lành, giản dị và yêu động vật. Cụ chậm rãi đến bên con chó mực đang ngủ say, đánh thức nó dậy như trò chuyện với con người.

Các con, cháu của cụ đều sống trong xóm, liền kề với “báu vật trăm tuổi” của gia đình; họ thường xuyên qua lại trông nom mẹ, bà mình.

Biết nhà có khách, ông Trần Hữu Thủy, con út của cụ từ đâu chạy về tiếp chuyện. Ông cho hay, mẹ mình bị móm hết răng gần 40 năm về trước, cụ phải dùng răng giả.

“Kỳ lạ nhất, vì dùng răng giả lâu năm nên hai hàm răng của bà cụ như răng thật, mẹ tôi không cảm thấy khó chịu về hai hàm răng nhân tạo ấy”.

Sinh ra và lớn lên ở vùng thuần nông, từ bé cho tới lớn, cụ Họa gắn bó với nghề nông. Khi các con trưởng thành, tuổi cao, không làm việc đồng áng, cụ tha thẩn với mảnh vườn, con chó…

“Mẹ tôi rất minh mẫn, nói chuyện bình thường, hỏi gì đáp nấy. Một hai năm gần đây, bà cụ mới hơi quên một chút. Hàng ngày, cụ tha thẩn sang sang nhà hàng xóm, ra xưởng may của con cháu chơi, giúp những việc lặt vặt”.

Nhà cụ Họa có bức tường xây cao hơn 1 mét, các con làm cổng sắt để bảo vệ vườn tược.

“Mấy bận, sợ bà đi chơi nhỡ chẳng may bị ngã, xe cộ, chúng tôi khóa cổng chặt. Thế mà bà cụ vẫn trèo lên cánh cổng, đu người qua tường đi chơi” – ông Thủy chỉ bờ tường có những mảng vữa bị tróc, biểu diễn lại cách thức bà cụ hơn 100 tuổi “trèo cổng, vượt tường” ra ngoài, đầy vẻ thán phục.

Bên chiếc sân nhỏ, trước thềm ngôi nhà cổ 3 gian, anh Sơn, cháu rể của bà cụ đặt hai chậu hoa trà my để trang trí ngôi nhà.

Thời điểm hai cây trà rộ hoa, anh chụp bà cụ hiền lành bên chậu hoa nở rực, đăng lên facebook cá nhân khiến nhiều người trầm trồ. Khi biết tuổi của cụ, mọi người càng kinh ngạc, thán phục.

Sống hơn 1 thế kỷ, chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm, bà cụ nông dân hiền lành, giản dị trong ngôi nhà cổ, bên hai cây trà my và chú chó mực khiến nhiều người ao ước.

“Mẹ tôi không có chế độ gì đặc biệt. Cụ sinh hoạt bình thường như bao người làng. Cụ rất thích ăn rau. Ở tuổi này, mẹ tôi vẫn đi lại mạnh khỏe, không phải dùng đến gậy để chống. Cả gia đình, con cháu đều mong cụ luôn mạnh khỏe, vui vầy bên con cháu”.

Điều duy nhất mà ông Thủy, người con út của cụ cho biết, gia đình chưa làm được, đó là chụp một bức ảnh đại gia đình để làm kỷ niệm.

“114 cháu chắt, 14 người con dâu rể, nếu đông đủ để chụp một bức ảnh kỷ niệm với cụ, chắc sẽ phải chuẩn bị một cái sân thật rộng” – ông Thủy lên kế hoạch và cho biết sẽ sớm thực hiện ngay trong nay mai.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi

Exit mobile version