Biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm

 

Biến đổi khí hậu khiến các loài động vật bị buộc phải thay đổi nơi sống và điều này đã làm đảo lộn mạng lưới virus ở các loài động vật có vú, tạo ra những điểm nóng dịch bệnh có thể gây ra các đại dịch trong tương lai.

biến đổi khí hậu

Băng ở Kangerlussuaq, Greenland. Vào tháng 8 năm 2021, nơi đây đã có mưa, và là cơn mưa đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử ở nơi có nhiệt độ hiếm khi trên mức đóng băng.

Hiện tượng lây nhiễm chéo

Đến nay ít nhất 10.000 loại virus có thể lây nhiễm cho con người đang trú ngụ ở các loài động vật hoang dã và hầu hết có thể truyền giữa động vật mà chưa được phát hiện. Thường thì các bệnh do chúng gây ra sẽ không lây sang con người. Nhưng trong vài trường hợp, một virus sẽ lây lan từ loài này sang loài khác, một hiện tượng được gọi là “nhiễm chéo”. Khi các bệnh truyền nhiễm mới lây giữa các vật chủ là động vật, rồi lây sang con người, hậu quả sẽ rất thảm khốc.

Hiện tượng nhiễm chéo chính là thủ phạm đằng sau một số căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Cuối năm 2002, virus corona gây bệnh SARS đã truyền từ loài dơi sang người thông qua một vật chủ trung gian là cầy hương.

Một thập kỷ sau, vào năm 2013, một bé trai 18 tháng tuổi ở Guinea chơi gần một cây thân rỗng, trong đó có những con dơi mang một căn bệnh bí hiểm, sau này được xác định là virus Ebola. Cậu bé nhiễm và đã tử vong, trong khi đợt bùng phát dịch sau đó đã cướp đi sinh mạng của hơn 11.000 người. Và trong khi chúng ta có thể không bao giờ biết chính xác nguồn gốc của bệnh COVID-19, các nhà khoa học vẫn tin rằng bệnh này có thể cũng đến từ con dơi.

Theo một nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Nature tuần trước, khả năng nhiễm chéo như trong các trường hợp nói trên có thể ngày càng gia tăng mạnh mẽ khi khí hậu Trái Đất nóng lên, có thể lây nhiễm hàng nghìn loại virus mới cho con người.

Vì sự nóng lên toàn cầu buộc các động vật phải di chuyển nơi sinh sống để tìm đồ ăn và nơi có điều kiện thời tiết lạnh hơn. Các tác giả nghiên cứu dự báo sẽ có ít nhất 15.000 đợt lây truyền virus mới giữa các loài vào năm 2070 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 2 độ C, mức giới hạn trần mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã đặt ra. Sự xáo trộn toàn cầu có thể gây những hậu quả đáng báo động với con người.

Châu Phi và Đông Nam Á là những nơi có nguy cơ xuất hiện bệnh dịch

Việc dự báo biến đổi khí hậu sẽ tạo các cơ hội mới cho sự lây lan dịch bệnh như thế nào không hề đơn giản. Nhưng theo ông Colin Carlson, đồng tác giả nghiên cứu trên và là nhà sinh vật học về biến đổi toàn cầu tại Đại học Georgetown, dù việc dự báo khá phức tạp, nhưng giả thiết cơ bản của nghiên cứu trên khá rõ:

“Trong hơn một thập kỷ, tôi đã nghĩ về cách thức mọi thứ thay đổi trong môi trường khí hậu biến đổi. Các loài động vật di chuyển đến nơi ở mới như thế nào? Các virus chuyển động ra sao? Khi nghĩ về quá trình này, rõ ràng là nếu các loài đến nơi ở mới, chúng sẽ có thể gặp phải các loại virus mới”.

Ông Carlson và đồng nghiệp Greg Albery, một chuyên gia sinh thái dịch tễ tại Đại học Georgetown và tham gia nghiên cứu, đã dành 3 năm thử nghiệm giả thiết trên. Năm 2019, các tác giả nghiên cứu đã bắt đầu phân tích các dữ liệu về virus có thể lây lan giữa các loài động vật. Sau đó, họ lập bản đồ về các nơi ở của hơn 3.000 loài động vật có vú, dự báo về quy mô địa lý mà các loài này sẽ di chuyển theo các kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét các khu vực có sự chồng chéo về quy mô này, tức là nơi mà các loài chưa bao giờ sống chung với nhau, tương tác với nhau. Cuối cùng, họ tạo ra một mô hình giả định trên máy tính, để thấy các điểm nóng tiềm ẩn cho virus chuyển tới, nhất là các khu vực có các điều kiện lây nhiễm chéo lý tưởng.

Kết quả cho thấy sự gặp gỡ giữa các loài này sẽ xảy ra khắp nơi trên thế giới. Nhưng đáng ngạc nhiên là đa phần sẽ xảy ra tại các vùng miền núi nhiệt đới ở châu Phi và Đông Nam Á, hơn là ở các nơi có khí hậu lạnh hơn như Bắc Cực như các nhà khoa học đã nghĩ lúc đầu. Vì các khu vực mà các loài có xu hướng chuyển đến để trú ẩn là nơi có núi cao, nên khi các loài từ các vùng đất thấp đa dạng sinh thái khác nhau đều di cư đến địa hình cao hơn, chúng khó tránh khỏi việc phải sống chung và tương tác.

Điều ít ngạc nhiên hơn mà mô hình giả định trên cho thấy là loài dơi sẽ là động lực chính truyền virus mới. Chính khả năng bay trên trời khiến chúng có thể mang bệnh đến cho các động vật có vú. Ông Carlson cho biết: “Chúng ta nói về loài dơi cụ thể vì chúng chính là vật chủ chứa nhiều virus nguy hiểm. Nhưng có những điểm khác dễ thấy tại sao lại là dơi: vì chúng biết bay, chúng có thể mang virus đến các miền đất mới”.

Trong số các phát hiện đáng lo ngại của nghiên cứu trên, các điểm nóng hoạt động của virus sẽ thường chồng chéo nhau giữa các khu vực có mật độ dân cư cao như các thành phố. Các nhà khoa học lưu ý đến các trung tâm dân cư ở vùng châu Phi xích đạo, Nam Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á là những khu vực rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, ông Carlson cũng nhấn mạnh một đại dịch có thể xảy ra tại địa điểm này trên bản đồ và cũng có thể xảy ra tại địa điểm khác.

Chúng ta thường nghĩ hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu sẽ chỉ xảy ra trong một tương lai xa, nhưng trong trường hợp này, các tác giả nghiên cứu gợi ý rằng tương lai có thể đã ở rất gần. Ông Carlson nói: “Chúng ta thường nghe về các nghiên cứu nói rằng tác động của biến đổi khí hậu là vấn đề trong tương lai và có thể tránh được nếu làm đúng cách. Nhưng chúng ta đang chịu tác động đặc biệt này của biến đổi khí hậu và không có cách nào để thay đổi.”

Các nhà khoa học ban đầu dự báo các cuộc “gặp gỡ” giữa các loài di cư sẽ xảy ra sớm nhất vào cuối thế kỷ 21, nhưng nghiên cứu trên thực tế, họ nhận ra rằng điều này sẽ xảy ra ngay từ năm 2011-2040. Nói cách khác, việc thế giới đã nóng thêm 1 độ C so với thời tiền công nghiệp chính là cơ hội để các loài mới tiếp xúc với nhau và việc lây nhiễm chéo là tất yếu.

Việc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu sẽ không giải quyết được vấn đề lây nhiễm chéo.

Một điều đáng ngạc nhiên gây lo ngại khác là việc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu sẽ không giải quyết được vấn đề này. Trên thực tế, những ý định ngăn chặn biến đổi khí hậu và làm chậm lại quá trình nóng lên toàn cầu đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các loài di chuyển từ nơi này sang nơi khác.

Theo chuyên gia Carlson, trong một kịch bản toàn cầu nóng lên một cách cực đoan, hành tinh nóng lên nhanh đến mức các loài sẽ diệt chủng rất nhanh trước khi có cơ hội lây truyền virus cho loài khác. Ngược lại, việc nóng lên từ từ sẽ giúp các loài có nhiều thời gian hơn để thích nghi và di cư đến nơi ở mới. Ông Carlson nhấn mạnh: “Tiến trình này không chắc sẽ chấm dứt nếu chúng ta giảm khí thải và đây là vấn đề đáng quan tâm.”

Chuyên gia trên cảnh báo rằng việc các nước thất bại trong mục tiêu kiềm chế tình trạng biến đổi khí hậu và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ gây ra thảm họa tồi tệ hơn. “Nếu chúng ta không ngay lập tức giảm khí thải, nếu chúng ta không chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chúng ta đang nói đến cái chết của nền văn minh nhân loại”.

Việc ngăn chặn tình trạng lây nhiễm chéo giữa các loài dường như là không thể. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng đầu tư vào các hệ thống giám sát bệnh ở động vật hoang dã có thể giúp tăng cảnh báo khi bệnh lây chéo giữa các loài. Hơn nữa, với các nguồn lực về y tế, con người có thể xử lý được các đợt bùng phát bệnh trước khi chúng biến thành đại dịch.

Nguồn: Báo Dân Tộc và Miền Núi

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi

Exit mobile version