Cá thác lác có tác dụng gì?

 

Cá thác lác hay cá thát lát là một trong những thực phẩm đặc sản được nhiều người ưa thích. Thịt cá thác lác thơm dẻo chắc ngon bổ. Chế biến cá thác lác đúng cách không chỉ có tác dụng tăng cường các dinh dưỡng còn được xem như bài thuốc quý chữa nhiều bệnh khác nhau.

1. Đặc điểm sinh học của cá thác lác

cá thác lác

Cá thác lác thường có thân dẹt

  • Về hình dáng bên ngoài, cá thác lác có thân rất dẹt, nhỏ, đuôi nhỏ, toàn thân phủ vây nhỏ. Miệng lớn, rạch miệng kéo dài đến tận trước ổ mắt. Lưng cá màu nâu xám hoặc nâu tím, bụng màu trắng bạc. Vây cá cùng màu nhưng màu nhạt hơn. Cá nặng trung bình khoảng từ 100 – 200g, trọng lượng tối đa khoảng 400g, chiều dài trung bình từ 40cm, tối đa từ 60 – 65cm.
  • Về đặc điểm sinh sản của cá thác lác, cá thường đẻ trứng vào tầm tháng 5 – 7 hàng năm. Trứng cá loại này bám vào cây cỏ thuỷ sinh thành từng cụm nhỏ dưới mặt nước. Cá mái đẻ rất nhiều từ 1.200 – 3.000 trứng. Cá mẹ thường khuấy động nước tạo điều kiện cho trứng hô hấp. Cá non có kích thước dưới 5cm và có những lằn đậm trên toàn thân. Cá sinh sản tương đối nhanh.
  • Về thức ăn thì các thác lác ăn tạp, thực phẩm chính là động vật thuỷ sinh nhỏ, rễ các cây thuỷ sinh, cá bột và giáp xác. Cá thường kiếm ăn vào buổi đêm hay lúc chiều tối.
  • Về giá trị dinh dưỡng cá thác lác được xếp vào loại cá béo. 100g phần ăn được chứa: 11,3g chất béo. Trứng và thịt cá cung cấp lượng axit béo omega khá cao.

Cá loại này được xem là loài cá nước ngọt tốt cho sức khoẻ, nhất là về phương diện tim mạch.

2. Tác dụng của cá thác lác

Theo y học cổ truyền dân tộc, cá thác lác có vị ngọt, tính bình, không độc có tác dụng bổ khí huyết, ích thận tráng dương, trừ phong thấp, giảm đau, nhuận trường… Với những tác dụng kể trên, cá loại này chữa bệnh với những người tỳ hư bụng đầy, sinh lý yếu, ăn ngủ kém và các chứng liên quan tỳ thận khí đều hư.

  • Chữa chóng mặt, ăn ngủ kém. Dùng bài Canh thác lác nấu với nấm: Thịt cá thát lát băm nhỏ nấu vừa đủ bát canh ăn cùng với nấm hương, măng khô, gừng, hành và gia vị.
  • Chữa đau dạ dày (tỳ vị hư). Dùng bài Canh cá thác lác bắp cải: Cá thác lác băm nhỏ nấu canh cùng bắp cải, hành ngò gia vị vừa đủ.
  • Chữa tỳ thận hư mà sinh lý yếu. Dùng bài Canh thác lác hoa thiên lý: Cá thác lác băm nhỏ nấu với hoa thiên lý, hành, gừng, gia vị vừa.
  • Chữa tỳ ăn ngủ kém, suy nhược, chậm lên cân. Dùng bài Cá thát lát nấu hạt sen: Chuẩn bị cá thát lát, hạt sen, nấm đông cô, hành, gừng gia vị vừa đủ. Thịt cá thát lát băm nhuyễn nhồi cá và hạt sen vào phần bụng nấm sau gia vị vừa đủ nấu canh ăn.
  • Chữa tỳ hư sinh đàm thấp huyết áp cao. Dùng bài Cá thát lát om rau cần: Cá thát lát, rau cần, hành tím, gia vị vừa đủ nấu om.
  • Chữa vàng da, viêm gan do thấp nhiệt. Dùng bài Canh khổ qua nhồi cá thát lát: Cá thát lát băm nhỏ cùng với hành gia vị nhồi vào phần ruột trái khổ qua vừa đủ nấu canh ăn.
  • Chữa thừa cân, béo phì, hay mệt mỏi. Dùng bài Canh chua cá thát lát: Cá thát lát nấu với cà chua, dọc mùng, hoa chuối, giá đỗ, rau ngổ, hành lá, ớt sừng, mắm, gia vị nêm vừa đủ nấu ăn.
  • Chữa sản phụ huyết hư ăn kém, thiếu sữa. Dùng bài Cá thát lát kho nghệ: Cá thát lát, nghệ, mắm, tiêu gia vị vừa đủ kho ăn.

Cá thác lác là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Việc chế biến cá thác lác đúng cách không chỉ bổ sung chất dinh dưỡng mà còn là bài thuốc quý chữa nhiều bệnh khác nhau.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi