Cảng Hy Lạp bất ngờ trở thành trung tâm cạnh tranh quyền lực

 

Cảng Alexandroupoli ở Hy Lạp đang trở thành trung tâm vận chuyển vũ khí của Mỹ, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine định hình lại sân khấu địa chính trị trong khu vực.

Cảng Hy Lạp bất ngờ trở thành trung tâm cạnh tranh quyền lực

Cảng Hy Lạp bất ngờ trở thành trung tâm cạnh tranh quyền lực

Thiết bị quân sự của Mỹ tại cảng Alexandroupoli trước khi được triển khai đến các nước châu Âu vào năm ngoái

Theo New York Times, dòng chảy vũ khí quân sự của Mỹ qua cảng Alexandroupoli, ở đông bắc Hy Lạp, đã khiến Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận. Giờ đây, các công ty có quan hệ với Nga và Mỹ đang cạnh tranh để giành quyền kiểm soát cảng này.

Thực tế nhìn bề ngoài, cảng Alexandroupoli không phải là của một điểm nóng địa chính trị: một bến tàu ở một thành phố nhỏ ven biển Hy Lạp, hầu như không được sử dụng cách đây vài năm và chỉ thấy mòng biển xuất hiện ở đây là chủ yếu.

Nhưng cảng Alexandroupoli đã đóng vai trò trung tâm trong chiến lược gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Âu, với việc Lầu Năm Góc vận chuyển những kho vũ khí khổng lồ qua đây nhằm kiềm chế Nga.

Dòng chảy đó đã khiến không chỉ Nga mà còn cả nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ nổi giận, cho thấy rằng cuộc xung đột ở Ukraine đang định hình lại các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao của châu Âu.

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều là thành viên NATO, nhưng lại có mối xung đột kéo dài, liên quan đến đảo Síp và các tranh chấp lãnh thổ khác ở Địa Trung Hải. Thổ Nhĩ Kỳ coi mối quan hệ sâu sắc hơn giữa Hy Lạp và Mỹ là một mối đe dọa tiềm tàng.

Chính phủ Hy Lạp, hầu hết các nước láng giềng ở Balkan và người dân ở đây đều hoan nghênh Washington gia tăng hoạt động quân sự. Họ hy vọng Mỹ sẽ kích thích nền kinh tế khu vực và đảm bảo an ninh trong bối cảnh căng thẳng leo thang đáng lo ngại.

“Chúng tôi là một đất nước nhỏ bé”, Kapelas, 53 tuổi, chủ quán cà phê Alexandroupoli cho biết. “Thật tốt khi có một cường quốc đứng ra bảo vệ chúng tôi”.

Nỗ lực tăng cổ phần chiến lược tại cảng Alexandroupoli đang bùng nổ giữa các bên. Bốn nhóm công ty đang cạnh tranh mua cổ phần kiểm soát, gồm hai công ty Mỹ và hai công ty có quan hệ với Nga.

Các hoạt động quân sự của Mỹ ở Hy Lạp đã gia tăng rất nhiều kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2, và các quan chức hàng đầu của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ coi đó là mối đe dọa an ninh quốc gia.

“Họ được thành lập để chống lại ai?”, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đặt câu hỏi hồi tháng 6, đề cập đến các cơ sở của Mỹ ở Hy Lạp. “Câu trả lời mà họ đưa ra là chống lại Nga. Chúng tôi không tin vậy”.

Trong khi hầu hết các quốc gia NATO đều đứng về phía Ukraine, ông Erdogan – luôn sẵn sàng vạch ra một hướng đi khác – coi Thổ Nhĩ Kỳ là một bên hòa giải.

Vào tháng 5, Bộ Ngoại giao Hy Lạp tuyên bố các chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm phạm vùng không phận của nước này ở Alexandroupoli, chỉ cách biên giới khoảng 11 km. Vụ việc khiến dân địa phương lo ngại về tuyên bố chủ quyền của Ankara đối với các khu vực của Athens.

Lợi ích xung đột phức tạp tại Alexandroupoli làm nổi bật tình hình ở Ukraine đang chuyển trọng tâm chiến lược của châu Âu sang khu vực Biển Đen.

“Biển Đen đã trở lại trong chương trình nghị sự toàn cầu theo cách chưa từng có. An ninh ở Biển Đen là trọng tâm của vấn đề liên quan đến việc làm thế nào để đối phó và kiềm chế Nga”, ông Ilian Vassilev, cựu Đại sứ Bulgaria tại Moscow nói.

Cảng Hy Lạp bất ngờ trở thành trung tâm cạnh tranh quyền lực

Cảng Alexandroupoli của Hy Lạp

Hy Lạp và Nga chia sẻ mối quan hệ lịch sử, kinh tế và văn hóa sâu sắc quanh tôn giáo Cơ đốc chính thống chung. Các cuộc thăm dò cho thấy người Hy Lạp là một trong số ít những người châu Âu muốn duy trì quan hệ kinh tế với Nga. Nhưng cuộc xung đột ở Ukraine đã làm căng thẳng những mối quan hệ đó, nhất là vấn đề người tị nạn.

Karavoltsos, một người phục vụ quán rượu ở Alexandroupoli, cho biết: “Chúng tôi biết về nỗi đau của những người tị nạn. Trong đầu tôi không có câu hỏi nào về việc chúng ta nên đứng về phía nào”.

Hy Lạp là một trong những nước đầu tiên gửi viện trợ quân sự cho Ukraine, khiến Điện Kremlin đưa nước này vào danh sách các quốc gia “không thân thiện”.

Nỗi sợ hãi về Thổ Nhĩ Kỳ và sự đoàn kết với Ukraine đã đẩy Athens xích lại gần Washington, đồng thời cho phép Mỹ mở rộng quyền tiếp cận quân sự ở một số địa điểm.

Số lượng thiết bị quân sự tăng chóng mặt

Số lượng thiết bị quân sự mà Mỹ chuyển qua Alexandroupoli đã tăng gần 14 lần vào năm ngoái, nhưng khi căng thẳng với Nga gia tăng, con số này tăng lên 3.100 thiết bị, từ các loại thiết bị từ xe tăng đến đạn dược.

Cảng Hy Lạp bất ngờ trở thành trung tâm cạnh tranh quyền lực

Alexandroupoli là một cảng nhỏ và là trung tâm du lịch trước khi quân đội Mỹ bắt đầu chú ý đến đây

Các quan chức Mỹ cho biết số thiết bị này chỉ dành cho các đơn vị quân đội Mỹ đóng quân ở Đông và Bắc Âu, không phải cho Ukraine.

Hoạt động quân sự tăng vọt là thay đổi mạnh mẽ đối với một cảng nhỏ hầu như không hoạt động trong gần một thập kỷ như Alexandroupoli, vốn bị một sà lan chìm cản trở hoạt động và Hải quân Mỹ đã di dời sà lan năm 2019.

Không khí uể oải của cảng Alexandroupoli thay đổi cứ vài tháng một lần, khi các tàu chiến Mỹ cập cảng để bốc dỡ xe tăng, xe tải và pháo. Sự xuất hiện của hàng trăm người Mỹ dẫn đến tình trạng thiếu nhiều hàng hóa thiết yếu.

Giữa những đợt bùng nổ hoạt động đó, hầu như không có mấy dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng mới của thành phố Alexandroupoli.

Trên lối đi dạo trên bãi biển gần cảng, các cặp đôi đẩy xe và những người đi phượt trong ngày, chủ yếu đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, chụp ảnh selfie dưới ngọn hải đăng của thành phố.

Vận chuyển dân dụng vẫn ở mức tối thiểu vì thiếu cần trục lớn, nhưng Lầu Năm Góc đang lắp đặt các thiết bị hạng nặng để vận chuyển nhiều hàng hơn.

Ông Andre Cameron, người giám sát hậu cần quân sự của Mỹ tại cảng Alexandroupoli, cho biết: “Những gì chúng tôi đã làm là biến cảng thành một trung tâm hoạt động quân sự năng động. Trước đây chưa từng có điều gì như vậy”.

Các quan chức địa phương hy vọng việc nâng cấp quân sự tại cảng sẽ thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp khác, biến Alexandroupoli thành một trung tâm thương mại cho Bulgaria, Romania lân cận và thậm chí là cả Ukraine bị phong tỏa.

Tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của cảng này đã làm nổi bật mối quan hệ của Nga với hai tập đoàn kinh doanh Hy Lạp đang cạnh tranh để tiếp quản nó.

Sự chú ý của Mỹ đối với cảng này ngày càng tăng khi Thượng nghị sĩ Robert Menendez của New Jersey, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, có chuyến thăm bất ngờ tới Alexandroupoli.

Hy Lạp đã và đang dần dần tư nhân hóa các tài sản chiến lược kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ bắt đầu vào năm 2009. Cảng Thessaloniki đã thuộc về ông Ivan Savvidis, một nhà tài phiệt người Nga gốc Hy Lạp. Trong khi đó, cảng Piraeus, lớn nhất của Hy Lạp thuộc một công ty nhà nước của Trung Quốc.

Sự thay đổi của tập đoàn Copelouzos đối với các đối tác Mỹ phản ánh thực tế kinh tế đang thay đổi của Hy Lạp, khi nền kinh tế Nga bị trừng phạt và ít có cơ hội hơn. Cách tiếp cận thực dụng này lặp lại ở Alexandroupoli.

Các quan chức và doanh nhân địa phương hy vọng, cuộc chiến ở Ukraine và căng thẳng trong khu vực sẽ biến cảng này thành một tuyến đường cung cấp thay thế đi qua eo biển do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát đến Biển Đen.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.