Chấm dứt chuyện “giải cứu nông sản” bằng 7 yếu lược của chuyên gia

 

Ông Đặng Kim Sơn – chuyên gia chính sách nông nghiệp, Viện Nghiên cứu Thị trường và Thể chế nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) – cho rằng, giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa, nông sản theo hướng ngắn hạn nào cũng đều gây đau đớn. Về dài hạn, chúng ta cần có một chính sách bài bản, chỉn chu và có tính hệ thống

Ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu, dân ta lại “Giải cứu nông sản”

Giải cứu nông sản tại các tuyến phố ở Hà NộiHình ảnh giải cứu nông sản tại các tuyến phố của Hà Nội

Tình trạng ùn ứ hàng hóa, nông sản ở cửa khẩu không phải diễn ra mỗi năm nay mà dường như năm nào cũng xuất hiện. Nguyên nhân là ở đâu?

– Nguyên nhân của tình trạng ùn ứ hàng hóa, ùn ứ nông sản hiện nay thì chúng ta đều biết. Sau thời gian chuỗi vận chuyển bị chậm lại vì dịch Covid-19, đến nay, tình hình được cải thiện nên lượng hàng hóa tăng vọt.

Hơn nữa, đây cũng là dịp cuối năm, lượng hàng hóa của chúng ta tập trung nhiều lên cửa khẩu, sang thị trường Trung Quốc. Trong khi phía Trung Quốc lại tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý phòng dịch biên giới với chiến lược ngăn chặn hoàn toàn dịch Covid-19 dẫn đến tốc độ thông quan chậm.

Tuy nhiên, xét về mặt dài hạn, nguyên nhân này đã lặp đi lặp lại vì nhiều nông sản của chúng ta quá phụ thuộc vào một thị trường, ở đây là thị trường Trung Quốc.

Thứ hai là sản phẩm nông sản có kỹ thuật giải vụ kém nên tập trung vào từng thời điểm. Thứ ba là khâu chế biến nông sản yếu kém, kho bãi không đủ để lưu trữ, kéo dài thời gian tiêu thụ sản phẩm. Thứ tư là việc vận chuyển nông sản chủ yếu dựa vào xe container đưa lên cửa khẩu, biên giới, trong khi các kênh vận chuyển khác ít được khai thác.

Cuối cùng là cách thức điều hành, xử lý dịch bệnh của chúng ta còn thiếu chủ động. Chúng ta để người lái xe, chủ hàng tự đối đầu với các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc, qua đó làm tăng thêm tình trạng căng thẳng vào cao điểm.

Tóm lại, nguyên nhân ở đây có cả dài hạn và ngắn hạn.

Tình trạng này đã lặp đi lặp lại nhiều lần, tại sao bà con nông dân không nhìn nhận ra hay có điều gì khúc mắc?

– Khó mà trách người nông dân không biết điều tiết nông sản vì xưa nay họ chỉ biết sản xuất theo mùa vụ nông nghiệp và theo nhu cầu của thị trường.

Vào các dịp lễ tết, nguồn cầu tăng lên nên người dân thường tập trung sản xuất vào thời gian này. Hơn nữa, thời gian vừa qua, do tình hình dịch bệnh kéo dài làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa nên khi chúng ta mở cửa cho thị trường lưu thông một cách thuận tiện thì các nông sản ùn ứ từ trước sẽ dồn đến cửa khẩu.

Vậy để giúp người nông dân xử lý vấn đề trên, chúng ta cần làm gì, thưa ông?

– Để giúp xử lý vấn đề của người nông dân cần có sự phối hợp của nhiều bên như người chế biến, người kinh doanh, nhà khoa học, người vận chuyển, bên kiểm soát dịch bệnh. Tức là chúng ta có cả trách nhiệm của người nông dân, doanh nghiệp và tất nhiên, sau đó là Nhà nước.

Nhà nước cần có chiến lược phát triển, tránh để tập trung vào một thị trường, cần đầu tư phát triển đa dạng kênh vận tải, tổ chức phòng dịch hợp lý ở các cửa khẩu chính. Nhà nước ở địa phương với việc xây dựng các vùng chuyên canh cho phép rải vụ, có tiêu chuẩn phù hợp thị trường.

Các doanh nghiệp cần bán nông sản bằng đường chính ngạch đến thị trường cuối cùng, tránh qua trung gian. Còn nông dân cần rải vụ, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và thực hiện việc truy xuất nguồn gốc nông sản.

Theo ông, để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài, lỗi trên thuộc về ai?

– Tôi không muốn nói đến câu chuyện lỗi tại ai. Còn lỗi tại ai… thì tự hiểu được.

Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu với 45 – 47 tỷ USD/năm. Chúng ta cần có kế hoạch bài bản, cần sự điều phối thống nhất và một chương trình xử lý đến nơi đến chốn và dài hạn vấn đề vướng mắc. Còn cứ để cho tình trạng tương tự diễn đi diễn lại kéo dài là không thể chấp nhận được.

Chuyên gia Đặng Kim Sơn đưa ra 7 điểm cần lưu tâm

Nhiều năm qua, tình trạng ùn tắc hàng hóa cứ đến hẹn lại lên và chúng ta không thể chạy theo xử lý mãi. Nếu muốn chấm dứt nhức nhối trên, theo ông, chúng ta cần làm gì ngay?

– Như tôi đã đề cập, vấn đề trên nảy sinh từ nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực. Để giải quyết cần có một kế hoạch căn cơ và vững bền.

Thứ nhất, về thị trường, chúng ta không thể tập trung vào một thị trường. Câu chuyện xe container ùn tắc, nằm dài ở cửa khẩu, biên giới đã diễn ra nhiều năm nay, chứng tỏ, chúng ta đang quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Do đó, các hiệp định thương mại mà chúng ta ký kết với đối tác quốc tế thì phải làm đa dạng hóa lên.

Thứ hai, vẫn là thị trường, chúng ta phải biết được nhu cầu, thị hiếu, tiêu chuẩn kỹ thuật của từng thị trường. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ chuẩn bị được hàng hóa, nông sản ra sao, đóng gói thế nào hay việc đảm bảo kỹ thuật ngay từ đầu thì khi đưa hàng đi xuất khẩu, thông quan sẽ nhanh chóng, thuận tiện, hạn chế việc ách tắc.

Thứ ba, về chính sách. Chúng ta phải nắm rõ được họ đưa ra chính sách gì để đáp ứng và thực hiện cho chuẩn chỉ. Ví dụ, phía Trung Quốc đang đưa ra chính sách chuyển từ thị trường tiểu ngạch, buôn bán qua đường mòn lối mở sang tiêu thụ ở thị trường chính ngạch.

Điều này, phía Trung Quốc đã thông báo từ lâu, nhưng cách chúng ta phổ biến với bà con nông dân, thống nhất với doanh nghiệp ở nơi sản xuất chưa hiệu quả hoặc không được diễn giải rõ để người dân biết cách điều chỉnh hoạt động.

Thứ tư là kênh tiêu thụ, từ xưa đến nay, việc tiêu thụ nông sản của chúng ta chủ yếu diễn ra bằng đường bộ với các xe container vận chuyển, chở hàng hóa lên biên giới. Mỗi lần trục trặc, chúng ta mới lo xử lý tình huống ngay lúc đó, mà chưa rút kinh nghiệm để giải quyết vấn đề một cách hoàn chỉnh.

Vấn đề ở đây là chúng ta có thể mở rộng kênh tiêu thụ khác được không, theo tôi, chắc chắn là được.

Ví dụ, chúng ta đã có tuyến đường sắt đi thẳng qua Trung Quốc, sang châu Âu. Tuy nhiên, muốn làm được thế, chúng ta phải xây dựng hệ thống đường sắt bài bản. Đấy là tôi chưa nói đến việc vận chuyển các loại hàng hóa đặc biệt như thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh thì đường sắt cần đáp ứng tiêu chuẩn gì.

Hiện tại, tuyến đường sắt tốc độ cao nối thủ đô Vientiane (Lào) và thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã khai trương chỉ sau 5 năm xây dựng, sau đó sẽ nối đến Thái Lan. Việc cạnh tranh nông sản trong vùng sang Trung Quốc sẽ thay đổi.

Tương tự với phát triển vận chuyển đường thủy, đường hàng không, chúng ta đều phải nghiên cứu để tập trung đầu tư.

Thứ năm về cách buôn bán. Sau nhiều năm cố gắng, người nông dân vẫn buôn bán nông sản chủ yếu thông qua trung gian, bán qua đại lý nên bị cắt đứt với thị trường về thông tin, tiêu chuẩn, về giá cả.

Đã đến lúc, chúng ta phải buôn bán nông sản từ đầu đến cuối trực tiếp qua hình thức thương mại điện tử, liên kết, liên doanh. Muốn vậy phải phát triển mạnh các hợp tác xã để thay thế hệ thống thương lái và đại lý.

Tại thị trường Trung Quốc, chúng ta không chỉ đưa hàng qua các thành phố ở ven biên giới như Quảng Tây, Vân Nam mà phải liên hệ với các thị trường cao cấp chính tận Thâm Quyến, Bắc Kinh, Thượng Hải… Còn ở những nước khác, chúng ta phải bán tận vào thị trường cuối cùng của họ thì chúng ta mới có thương hiệu, có tên tuổi.

Thứ sáu về vùng sản xuất. Chúng ta muốn vươn tới các thị trường cao cấp, chỉ ký kết các hiệp định thương mại không là chưa đủ. Đã đến lúc, chúng ta phải xây dựng các vùng chuyên canh lớn cho các mặt hàng nông sản chiến lược như cà phê, lúa gạo, thủy sản, rau quả.

Sản xuất nông sản nhắm vào thị trường nào thì ở ngay vùng chuyên canh ấy phải bảo đảm tiêu chuẩn, đáp ứng đúng với thị hiếu và tiêu chuẩn của thị trường ấy kèm theo truy xuất nguồn gốc, hàng hóa phải có mã vạch mã số. Để khi bán, chúng ta biết được hàng đi từ đâu, ai sản xuất, ai chế biến, đã đến thị trường nào.

Thứ bảy tại biên giới Trung Quốc, chúng ta cần chuyển hoàn toàn việc buôn bán nông sản tiểu ngạch sang buôn bán chính ngạch.

Người Cao Tuổi TV – không gian riêng cho người cao tuổi

Exit mobile version