Chỉ số minh bạch ngân sách Việt Nam đứng thứ 68/120 nước

 

Chỉ số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam tăng 9 bậc so với 2019, xếp hạng thứ 68 trên 120 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Theo kết quả Khảo sát ngân sách mở toàn cầu năm 2021 (OBS2021) vừa được Tổ chức hợp tác ngân sách quốc tế (IBP) công bố, điểm số công khai minh bạch ngân sách của Việt Nam được cải thiện so với các kỳ đánh giá trước.

Việt Nam hiện xếp thứ 68 trên tổng 120 nước, tăng 9 bậc so với năm 2019 và tăng 23 bậc so với năm 2017. So với các nước trong khu vực, Việt Nam đứng trên Campuchia và Myanmar nhưng vẫn đang xếp sau nhiều nước như Indonesia, Phillipines, Thái Lan và Malaysia.

Chỉ số minh bạch ngân sách nhà nước

Việt Nam xếp thứ 68 về điểm số minh bạch ngân sách, xếp trên Campuchia, Myanmar nhưng vẫn đứng sau nhiều nước khác trong khu vực. Nguồn: IBP

3 trụ cột chính để IBP đánh giá tổng thể mức độ công khai ngân sách một quốc gia bao gồm minh bạch ngân sách, giám sát ngân sách và sự tham gia của người dân. “Mức độ tham gia của công chúng” đánh giá cơ hội để công chúng tham gia vào các giai đoạn khác nhau của quy trình lập ngân sách.

Top các nước minh bạch ngân sách nhất là Georgia, Nam Phi, Thụy Điển. Còn nhóm giám sách ngân sách tốt nhất là Đức, Na Uy, Hàn Quốc. Còn tại Hàn Quốc, Anh, New Zealand, mức độ tham gia của người dân vào vấn đề ngân sách được đánh giá cao nhất.

Với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ nằm trong top 20 nước minh bạch ngân sách (68 điểm), top 10 nước giám sát ngân sách tốt (83 điểm), chỉ số tham gia công dân (22 điểm); Trung Quốc có điểm số minh bạch ngân sách thuộc các nước kém nhất (20 điểm), mức độ tham gia công chúng cũng ở hạng thấp nhất (0 điểm), giám sát ngân sách (28 điểm).

Năm 2021, trụ cột về minh bạch ngân sách của Việt Nam đạt mức 44 trên 100 điểm – xếp ở nửa cuối của bảng xếp hạng và đang ở mức độ “thông tin có sẵn giới hạn”. Trụ cột giám sát ngân sách đạt 80 trên 100 điểm – ở top đầu các nước có điểm tốt nhất, trụ cột về sự tham gia của công chúng được đánh giá 17 trên 100 điểm – cao hơn trung bình toàn cầu là 14 điểm.

IBP ghi nhận năm Việt Nam có sự cải thiện về Báo cáo ngân sách cho công dân và cung cấp thông tin ước tính, dự toán ngân sách trong nhiều năm. Tuy nhiên, để nâng cao vị thế và cải thiện sự minh bạch ngân sách, Việt Nam nên cập nhật thêm báo cáo ngân sách giữa năm bao gồm các dự đoán tình hình kinh tế vĩ mô kèm theo dự toán tiến độ đạt thu ngân sách cả năm…

Khảo sát ngân sách mở (OBS) là sáng kiến nhằm thúc đẩy công khai minh bạch ngân sách, do IBP phối hợp với các tổ chức xã hội độc lập (ở Việt Nam là Trung tâm Phát triển và Hội nhập – CDI), thực hiện tại hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, chu kỳ đánh giá hai năm 1 lần kể từ năm 2006.

Từ năm 2020, Bộ Tài chính bắt đầu vận hành Cổng công khai ngân sách nhà nước giúp công khai thông tin, dữ liệu ngân sách. Cổng này nhật các dữ liệu dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm của trung ương, bộ ngành địa phương. Tuy nhiên, việc cập nhật của các bộ ngành địa phương vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cam kết công khai ngân sách nhà nước tốt hơn, hướng dẫn kiểm tra, giám sát các địa phương, các Bộ hoặc ngành thực hiện nghiêm túc việc công khai theo quy định.

Nguồn: Vnexpress

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.