Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần một triệu thí sinh đã tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng.
Mục Lục
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2022 thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) sáng 9/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kết quả đạt được, theo thông tin được công bố trên website của Bộ.
“Đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần một triệu thí sinh, đạt 93,1%, tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí cho người dân. Rất là thiết thực”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị sơ kết sáng 9/8.
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, trong Đề án 06, ngành giáo dục có hai nhiệm vụ trọng tâm là kết nối dữ liệu cơ bản hoàn thành, đạt khoảng 80%; hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống đăng ký dự thi cùng với xét tuyển trực tuyến đối với thí sinh lớp 12.
Năm 2022, hệ thống này hướng tới giúp toàn bộ việc khai báo thông tin của thí sinh lớp 12 và thí sinh tự do đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học (nộp các hồ sơ, minh chứng, giấy tờ) được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Thông tin của 1 triệu thí sinh kết nối với cơ sở dữ liệu ngành để các em không phải khai lại và chỉ bổ sung thông tin cần thiết của kỳ thi.
Đăng ký trực tuyến sẽ được mở rộng và phát huy
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nâng cấp và mở rộng nền tảng đăng ký xét tuyển cũng như xử lý nguyện vọng trực tuyến cho trên 900.000 thí sinh có nguyện vọng vào đại học, cao đẳng. Nền tảng này có hơn 900.000 thí sinh tương tác, trên 300 trường đại học, cao đẳng tham gia; với 20 phương thức xét tuyển khác nhau năm 2022; ngoài 400.000 lượt mã ngành.
Trung bình một thí sinh đăng ký khoảng 4 nguyện vọng thì hệ thống đảm nhiệm xử lý gần 4 triệu nguyện vọng. “Hệ thống đăng ký xét tuyển phải xử lý làm sao đảm bảo công bằng, quyền lợi cao nhất cho thí sinh; loại bỏ được lượng thí sinh ảo tại các trường”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay.
Ngoài ra, hệ thống có nhiệm vụ kết nối dữ liệu học tập của học sinh ở phổ thông, dữ liệu học bạ cùng kết quả thi tốt nghiệp THPT để phục vụ xét tuyển.
Hiện, trong việc đăng ký xét tuyển, trên 50% thí sinh, tương ứng với khoảng 450.000 thí sinh cùng 2 triệu nguyện vọng, đã được đăng ký với tất cả phương thức xét tuyển khác nhau.
Bên cạnh đó, dữ liệu từ phổ thông lên đại học đã được kết nối liên thông, kết quả nhất quán theo mã định danh điện tử ở tất cả cấp học. Cơ sở dữ liệu về điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ và các dữ liệu khác đã sẵn sàng để phục vụ cho các trường xét tuyển.
Phần mềm cũng đã chuẩn bị nền tảng thanh toán lệ phí sơ tuyển qua 15 kênh khác nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh xét tuyển bằng phương thức khác nhau ở các vùng khác nhau.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nắm được đầy đủ thông tin, dữ liệu thi, tuyển sinh trên toàn quốc, kết nối thông suốt dữ liệu ngành, phục vụ hiệu quả chức năng quản lý nhà nước.
“Bên cạnh thuận tiện, giảm công sức và chi phí, giảm sai sót trong quá trình đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển, còn là sự thay đổi nhận thức và tạo ra niềm tin, từng bước nâng cao năng lực số cho học sinh, giáo viên”, thứ trưởng Sơn nói.
Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.