Đạp xe thể dục “đua với tử thần” vào đường cao tốc ở Hà Nội

 

Đường Võ Nguyên Giáp (Hà Nội) tiếp diễn tình trạng nhóm người bất chấp đạp xe thể dục vào làn ô tô gây bức xúc.

Đạp xe thể dục vào làn đường ô tô

5h sáng 11/7, anh Lê Tùng Anh điều khiển xe ô tô trên đường Võ Nguyên Giáp hướng sân bay Nội Bài, bắt gặp đoàn người đạp xe thể dục. Được biết, đây là đường dành riêng cho xe ô tô, tốc độ từ 60-90km/h, cấm các loại xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện, xe mô tô, xe gắn máy.

“Họ đã đi vào đường cấm, lại còn đi vào làn tốc độ cao nhất – 90km/h, rất nguy hiểm”, anh Tùng Anh nói.

Người đàn ông cho biết, nhiều năm qua, đại lộ Thăng Long (hướng đi Hòa Lạc) và đường Võ Nguyên Giáp (hướng Nội Bài) là hai tuyến đường thường xuyên xuất hiện những tốp người đạp xe thể dục. Không riêng anh, rất nhiều người từng chứng kiến tình trạng này và phản ánh lên các hội nhóm để cảnh báo các tài xế ô tô.

Đạp xe thể dục "đua với tử thần" vào đường cao tốc ở Hà Nội

Đoàn người nối đuôi nhau đạp xe vào làn ô tô trên đường Võ Nguyên Giáp sáng 11/7

Theo anh Tùng Anh, các “cua rơ” thường viện lý do đạp xe vào sáng sớm, khoảng 5-6h, để tránh gây mất an toàn giao thông cho người khác.

“Nhưng đây không thể là cái cớ để họ vi phạm luật giao thông và coi thường pháp luật. Tài xế ô tô như chúng tôi rất khổ tâm nếu như không may xảy ra tai nạn”, anh bức xúc.

Anh cho rằng, một trong những nguyên nhân các đoàn đạp xe thường chọn đại lộ hay cao tốc để luyện tập, là vì đường rộng, không ùn tắc, không bon chen, trong bối cảnh Việt Nam hiện chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp.

Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, ra quân xử phạt nhưng “đâu lại vào đấy”. “Tôi hi vọng tình trạng này sẽ sớm được xử lý dứt điểm”, anh Tùng Anh nói.

Đoàn xe đi vào Đại lộ Thăng Long năm 2015

Mức xử phạt nhẹ nên không ăn thua?

Đường Võ Nguyên Giáp có 6 làn dành riêng cho ô tô, tốc độ tối đa 80-90km/h. Các loại phương tiện thô sơ chỉ được di chuyển ở đường gom hai bên. Đầu đường đã có biển cấm nhưng một số người dân vẫn cố tình đạp xe từ 5h30 đến 7h.

Trong khi đó, đại lộ Thăng Long là tuyến cao tốc nối trung tâm Hà Nội với Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc, dành cho ô tô với tốc độ rất cao. Người điều khiển xe máy, xe đạp chỉ được phép đi vào đường gom 2 bên.

Hồi tháng 5/2021, Đội CSGT số 15, Phòng CSGT Công an Hà Nội đã chốt chặn, xử phạt nhóm đông người đạp xe thể dục trên đường Võ Nguyên Giáp. Nhiều trường hợp quay đầu bỏ chạy hoặc vác xe đạp trèo qua dải phân cách khi thấy lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, đến nay, tình trạng đoàn người đạp xe thể dục sáng sớm vào làn đường cấm, đường cao tốc hay các cây cầu như Nhật Tân, Vĩnh Tuy,… vẫn tiếp diễn.

Đoàn người đạp xe vào Đại lộ Thăng Long tháng 5/2022

Trao đổi với PV Dân Trí, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, đoàn người đạp xe vào làn đường cấm hay đường cao tốc là hành vi đe dọa an toàn giao thông khu vực và vi phạm luật giao thông đường bộ.

Theo luật sự, đạp xe nâng cao sức khỏe là hoạt động khuyến khích nhưng phải chọn địa điểm an toàn và thích hợp. Nếu biến đường cao tốc thành “đường tập” thì việc đạp xe vô tình trở thành một “bộ môn thể thao mạo hiểm”.

Đối với hành vi trên, tùy theo tính chất, mức độ, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 8 Nghị định 100/2019, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/ NĐ-CP, người đạp xe vào đường cấm, đường cao tốc mà không phải người thực hiện quản lý, bảo trì đường cao tốc, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 400.000 – 600.000 đồng.

Nếu có căn cứ chứng minh rằng người thực hiện hành vi này gây ra thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về giao thông đường bộ” tại Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và phải bồi thường thiệt hại nếu có.

“Mức xử phạt hành chính nhẹ, chưa đủ sức răn đe khiến tình trạng này tiếp diễn nhiều năm qua. Cơ quan chức năng cần xem xét tăng mức phạt, đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát để xử lý triệt để”, luật sư Trần Xuân Tiền nói.

Ông cũng đề xuất chính quyền địa phương nâng cao cơ sở hạ tầng, tạo “sân chơi” cho những người yêu đạp xe hoạt động.

Làn đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Lan

Trước đó, trao đổi với PV Dân Trí, TS Nguyễn Xuân Thủy, Chuyên gia nghiên cứu giao thông nhận định, đường sá và kết cấu hạ tầng Việt Nam hiện nay chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân đạp xe.

Mặt cắt đường còn hẹp, chỉ từ 7-11m, khiến xe đạp không thể “bon chen”. Ngoài ra, Việt Nam chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp như các quốc gia khác trên thế giới, trong khi đó mật độ xe máy rất lớn.

“Do chưa có tuyến đường riêng, xe đạp lẫn lộn với các phương tiện, nhất là xe máy, đe dọa an toàn giao thông”, TS Nguyễn Xuân Thủy khuyến nghị trong tương lai nếu mở rộng mặt đường lên 20-30m, có thể xây dựng làn đường riêng với giải phân cách cứng dành riêng cho xe đạp.

Hơn nữa, mạng lưới xe đạp công cộng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM chưa thực sự phát triển; ứng dụng giao thông thông minh phục vụ gọi xe, trông giữ xe đạp chưa có.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.

Exit mobile version