Học sinh Việt Nam có thế mạnh ở khả năng vận dụng, giải các bài tập Toán khó nhưng lại làm không tốt tại mức độ nhận biết, đọc hiểu.
Mục Lục
Học sinh Việt Nam đạt kết quả ấn tưởng theo PISA
Tại hội thảo công bố Báo cáo phân tích ngành Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020, được tổ chức sáng 8/8, GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đã chia sẻ kết quả khảo sát, phân tích chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam.
Ông Vinh cho biết Việt Nam đã đạt những kết quả ấn tượng theo chương trình đánh giá PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế) của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế). Tại PISA 2012 và 2015, điểm trung bình của học sinh Việt Nam vượt trội so với học sinh OECD ở tất cả môn, trừ đọc hiểu (2015). Trong đó, năm 2015 các em thể hiện sự vượt trội với môn Khoa học, khi xếp thứ 8 trên 70 quốc gia. Thứ hạng môn Toán và Đọc hiểu lần lượt đạt 22 và 32.
Học sinh Việt Nam bài khó làm, bài dễ bỏ
Theo ông Vinh, khi phân tích kết quả Toán của Việt Nam tại PISA 2018, ông và nhóm tác giả của báo cáo nhận thấy học sinh phổ thông Việt Nam nổi trội ở khả năng vận dụng, giải được các bài yêu cầu tính ứng dụng, thực tiễn. Đây là những bài tập khó. Tuy nhiên, với những bài ở mức độ đọc hiểu, nhận biết, các em lại làm không tốt. “Nôm na là bài khó làm được, bài dễ thì không”, ông Vinh nói.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên
GS Vinh cho biết một trong những lý do dẫn đến thực trạng này là học sinh Việt Nam đã quen với các dạng câu hỏi ứng dụng, nghiêng về kỹ thuật. Các kỳ thi trong nước thường thiết kế câu hỏi tập trung ở dạng vận dụng, ứng dụng thực tiễn, số lượng câu hỏi về đọc hiểu, lý thuyết không nhiều nên học sinh ít thực hành hơn.
Về tổng thể, số lượng học sinh Việt Nam tham dự PISA nằm trong nhóm điểm thấp rất ít. Ông Vinh giải thích, điều này nghĩa là học sinh có nền tốt, ít em yếu. Dù vậy, học sinh Việt Nam cũng ít góp mặt ở nhóm có thành tích cao mà chỉ tập trung ở mức giữa.
Nhóm tác giả của báo cáo đặt ra vấn đề liệu mức độ yêu cầu của chương trình học đang bị bó hẹp, “và chúng ta có nên mở rộng phổ chuẩn để cải thiện thành tích?”. Các tác giả lưu ý, “bó hẹp” không có nghĩa là thấp mà cần mở rộng khái niệm “đạt”, không nên chỉ hướng học sinh vào một mức nhất định (mức giữa) mà còn cần tạo điều kiện cho những em có khả năng vượt trội bật lên.
GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Khoa học Giáo dục Việt Nam, tại Lễ công bố Báo cáo phân tích ngành Giáo dục Việt Nam Giai đoạn 2011-2020 tại Hà Nội, sáng 8/8
Nhận định chung về chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam, ông Vinh cho biết giáo dục tiểu học thành công trong việc trang bị cho học sinh lớp 5 các kỹ năng đọc, viết và làm Toán cơ bản. Cụ thể, trong năm học 2013-2014, 70-84% học sinh lớp 5 đạt chuẩn tối thiểu môn Toán (Trắc nghiệm) và Tiếng Việt.
Tuy nhiên, học sinh THCS và THPT không duy trì được tỷ lệ này và gặp nhiều hạn chế trong kết quả học Toán và Tiếng Anh. Cũng tại năm học 2013-2014, chỉ 45% học sinh lớp 9 tại Việt Nam đạt chuẩn môn Toán, con số này với môn Tiếng Anh là 53%. Đến lớp 12 (năm học 2014-2015), tỷ lệ đạt chuẩn Toán cao hơn, đạt 52% nhưng tiếng Anh chỉ 40%.
Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.