Hội nghị Tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lí cho người nghèo và đối tượng yếu thế tại Việt Nam

 

Ngày 13/4, Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Phan Văn Hùng tham dự Hội nghị “Tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lí cho người nghèo và nhóm yếu thế” do Bộ Tư pháp phối hợp với Liên minh châu Âu, UNDP tại Việt Nam tổ chức.

Hội nghị dưới sự điều hành của ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Giorgio Aliberti, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu cùng bà Sitara Syed, Phó Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam. Trên 100 đại biểu đến từ nhiều tổ chức quốc tế, đại diện đại sứ quán Nga, Australia…; đại diện các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Bình… tham dự.

Hội nghị tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lí cho người nghèo và nhóm yếu thế

Phó Chủ tịch Phan Văn Hùng (thứ 2 trái qua) trao đổi với đại diện Tổ chức Oxfam Việt Nam bên lề Hội nghị

Luật Trợ giúp pháp lí năm 2017 có nhiều đổi mới, trong đó mở rộng ra 14 nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lí, hầu hết là người nghèo, yếu thế trong xã hội mà NCT là một trong những nhóm được ưu tiên hỗ trợ. Theo đại diện Bộ Tư pháp, từ năm 2016-2020, cả nước thực hiện được gần 310.100 vụ việc, trong đó có 92.100 vụ việc tham gia tố tụng; 211.800 vụ việc tư vấn pháp luật và số vụ việc tham gia tố tụng liên quan tới pháp luật tăng dần theo các năm.

Hội nghị “Tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lí cho người nghèo và nhóm yếu thế”

Nhà nước cam kết thực hiện các chính sách an sinh quan trọng trong xóa đói giảm nghèo về pháp luật cho những người không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lí trên thị trường, các chức năng này thực hiện thông qua:

  1. Thành lập hệ thống các tổ trợ giúp pháp lí của Nhà nước bảo đảm sự chủ động trong việc đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lí của người dân;
  2. Bảo đảm kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lí;
  3. Hỗ trợ, khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho hoạt động trợ giúp pháp lí.

Quang cảnh Hội nghị “Tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lí cho người nghèo và nhóm yếu thế”

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Phan Văn Hùng trao đổi và kiến nghị với Bộ Tư pháp những vấn đề sau: Theo báo cáo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, số NCT hiện nay là 11,4 triệu người (chiếm 11,9% dân số). Theo dự báo, tỉ lệ NCT sẽ tăng lên 16,66% vào năm 2029 và lên 26,1% vào năm 2049; dự báo đến năm 2030 nước ta cứ 6 người dân thì có hơn 1 NCT.

Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ 2011. Đảng và Chính phủ đã ban hành Luật NCT năm 2009 và trong Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc, hạn chế, trong đó có việc hỗ trợ, trợ giúp NCT các vấn đề liên quan tới quyền NCT, pháp luật, trợ giúp pháp lí.

Để NCT không bị bỏ lại phía sau, Phó Chủ tịch đề nghị Bộ Tư pháp, các bên liên quan, các tổ chức phi chính phủ tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền về pháp luật, xây dựng hệ thống tư vấn, trợ giúp pháp lí thân thiện, phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã hội như Hội NCT, Liên đoàn Luật sư, MTTQ Việt Nam… để người dân, đặc biệt là NCT, người nghèo dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu.

Đồng thời, Phó Chủ tịch đề nghị cần tổ chức các hội nghị tập huấn kiến thức về pháp luật và trợ giúp pháp lí cho NCT, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, qua đó đông đảo người dân sẽ biết tới dịch vụ trợ giúp pháp lí và đến các trung tâm khi có nhu cầu.

Nguồn: Trang web Hội Người cao tuổi Việt Nam

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.

Exit mobile version