Hơn 2000 ca mắc trên ngày, Hà Nội huy động 4000 nhân viên y tế

 

Sở Y tế Hà Nội tối 3/1 thông tin trong 24 giờ qua TP ghi nhận 2.106 ca mắc COVID-19 mới. Trong hơn 31.000 F0 đang điều trị có hơn 21.000 F0 đang cách ly tại nhà. Hà Nội thiết lập Tổng đài 1022, huy động khoảng 4.000 bác sĩ và tình nguyện viên chăm sóc F0 điều trị tại nhà.

Diễn biến dịch bệnh phức tạp ở Hà Nội, hơn 2000 ca mắc mới trên ngày

Hà Nội ghi nhận hơn 2000 ca mắc mới trên ngày

Hai ngày qua, Hà Nội ghi nhận hơn 2000 ca mắc mới trên ngày

Sở Y tế Hà Nội tối 3/1 thông tin trong 24 giờ qua TP ghi nhận 2.106 ca COVID-19 mới trong đó có 366 ca mắc tại cộng đồng; 1.454 ca mắc tại khu cách ly và 286 ca mắc tại khu phong tỏa.

Một số quận huyện ghi nhận nhiều ca mắc mới trong ngày như: Hoàng Mai (218); Thanh Xuân (148); Thanh Trì (130); Đống Đa (128); Nam Từ Liêm (125).

Hơn 2.100 ca COVID-19 mới phân bố tại 367 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó 366 ca mắc trong cộng đồng ghi nhận tại 146 xã, phường thuộc 26/30 quận, huyện.

Một số quận, huyện nhiều ca mắc tại cộng đồng như: Thanh Xuân (54); Thanh Trì (41); Long Biên (31).

Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 54.831 ca trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 17.944 ca, số ca mắc là đối tượng đã được cách ly  là 36.887 ca.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết Hà Nội đang theo dõi, điều trị cho hơn 31.000 F0,  trong đó có hơn 21.000 trường hợp nhẹ và không triệu chứng được điều trị tại nhà.

Hơn 4000 nhân viên y tế luôn đồng hành cùng các F0 điều trị tại nhà

Trong đại dịch phức tạp, việc đáp ứng y tế không tránh khỏi có nơi, có lúc quá tải, nhưng thành phố đã kịp thời lắng nghe, tiếp thu và đưa ra giải pháp để chăm sóc, tư vấn và điều trị cho F0 tại nhà. Ngoài hệ thống y tế của thành phố, các bệnh viện trung ương trên địa bàn và y tế tư nhân, Hà Nội đã huy động các y bác sĩ nghỉ hưu, tình nguyện viên là sinh viên trường y.

Hà Nội cũng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả mạng lưới hơn 4.000 y bác sĩ đồng hành, tư vấn cho F0 điều trị tại nhà. Giám đốc Sở Y tế cho biết đã có hàng nghìn cuộc gọi đến Tổng đài 1022 mỗi ngày cho thấy sự tin tưởng của người bệnh. Dù điều trị tại nhà nhưng các F0 vẫn luôn nhận được sự quan tâm của hệ thống y tế.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà kêu gọi người bệnh “Khi F0 nhận được cuộc gọi từ số 0241022 hãy nhấc máy và hợp tác để được tư vấn, chăm sóc sức khỏe từ xa”.

Mạng lưới thầy thuốc đồng hành cùng đội ngũ tình nguyện sẽ tham gia cấp phát thuốc đến tận tay người bệnh, để đảm bảo các F0 điều trị tại nhà thật an toàn và hiệu quả. Có ba túi thuốc: Túi thuốc A gồm những loại vitamin, hạ sốt (paracetamol, vitamin C); túi thuốc B có tác dụng chống viêm chống đông… (dexamethason hoặc methylprednisolone, rivaroxaban); túi thuốc C gồm thuốc kháng virus như molnupiravir…

“Người dân mong muốn được phát thuốc kháng virus sớm để ổn định tình trạng bệnh nên chúng tôi đang nỗ lực cùng Bộ Y tế đưa những chương trình sử dụng thuốc kháng virus đến với người dân sớm nhất”, bà Hà nói.

Hà Nội cũng khuyến khích người dân tự test nhanh kháng nguyên tại nhà để phát hiện bệnh. Khi người dân tự xét nghiệm tại nhà có kết quả dương tính sẽ được xác nhận lại kết quả dưới sự giám sát của nhân viên y tế tuyến cơ sở. Thành phố đã có quy trình xác nhận người dân nhiễm nCoV ngay tại cộng đồng.

Việc Hà Nội liên tiếp dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới trong ngày, Giám đốc Sở Y tế cho rằng “thành phố không bị động, không bất ngờ” mà đã đưa ra kịch bản 100.000 ca mắc bệnh, trung bình mỗi quận, huyện khoảng 3.000 ca mắc để từ đó tính toán phương án chăm sóc sức khỏe, điều trị của người mắc Covid-19.

Hiện nay tỷ lệ tiêm phủ mũi 2 vaccine phòng Covid-19 của Hà Nội đã trên 95%. Tỷ lệ bệnh nhân nặng và nguy kịch là 1,5%, tử vong là 0,26% trên tổng số ca mắc Covid-19. Bà Hà khẳng định đây là cơ sở quan trọng để thành phố kiên định với giải pháp phòng, chống dịch đã và đang áp dụng, trong đó có việc thay đổi cách tiếp cận, chuyển đổi tư duy từ không Covid (zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong, giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng và bệnh nhân chuyển tầng.

Thành phố đang tích cực triển khai mũi 3 theo số lượng phân bổ vaccine của Bộ Y tế, dự kiến hoàn thành mũi 3 cho người dân vào cuối tháng 1/2022. Với học sinh, lứa tuổi từ 12 đến 17 tuổi đang được tiêm phủ mũi 2. Thành phố đang kiến nghị Bộ Y tế để tiêm cho các cháu từ 5 tuổi trở lên.

“Chúng tôi kêu gọi lực lượng y tế làm việc không ngừng nghỉ kể cả kịp lễ Tết, tận dụng thời gian vàng để tiêm mũi 3 sớm nhất, giảm nguy cơ chuyển nặng cho người không may mắc bệnh”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng cho người cao tuổi