Giá lương thực và ngũ cốc tăng dẫn tới giá một số các loại thực phẩm cơ bản, vốn thường xuyên có mặt trên bàn ăn của người tiêu dùng nhiều nước, cũng tăng theo.
Nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực toàn cầu
Mục Lục
Tác động của căng thẳng Nga – Ukraine đang rõ rệt hơn từng ngày
Lần đầu tiên trong 30 năm, những doanh nghiệp bán bánh mỳ tại Ai Cập cân nhắc việc tăng giá loại thực phẩm thiết yếu này. Ai Cập là quốc gia nhập khẩu nhiều lúa mỳ nhất thế giới. Năm ngoái, nước này nhập khẩu 5,5 triệu tấn lúa mỳ và bạn hàng tin cậy nhất chính là Nga và Ukraine. Vì thế, căng thẳng leo thang tại Đông Âu đang tác động trực tiếp tới giá của chiếc bánh mỳ tại Ai Cập.
Ông Robert Halver, chuyên gia phân tích thị trường tại Baader Bank, cho biết:
“Tác động của căng thẳng Nga – Ukraine đang rõ rệt hơn từng ngày, không phải chỉ ở mỗi các trạm xăng hay hoá đơn tiền điện sưởi ấm hàng tháng đâu. Cái quan trọng hơn cả là thức ăn. Thức ăn sẽ đắt hơn. Lúa mỳ chẳng hạn. Việc trồng trọt và thu hoạch lúa mỳ tại Ukraine đáng lẽ giờ này đang diễn ra nhưng thực tế đương nhiên là không thể được vì đang có chiến sự. Điều này có nghĩa là trong tương lai, chúng ta sẽ phải chi trả nhiều tiền hơn hẳn cho những loại thực phẩm cơ bản và điều này sẽ góp phần đẩy lạm phát lên cao hơn”.
Đây sẽ là tin không mấy tốt đẹp đối với nhiều người dân khu vực Trung Đông và châu Phi, đặc biệt là những người dân vốn đã sống trong lằn ranh nghèo khổ.
Giá nhiên liệu tăng ảnh hưởng đến giá lương thực
Khí đốt có vai trò quan trọng đối với nông nghiệp. Ngoài việc là nhiên liệu cho vận tải lương thực, khí đốt còn được dùng để tạo ra nguyên liệu phân bón. Công ty Yara International có trụ sở tại Na Uy, chuyên sản xuất phân bón hoá học, nhưng mới đây đã phải cắt giảm 45% công suất phân ure và amoniac tại châu Âu do giá nhiên liệu khí đốt tăng cao.
Bà Johanna Mendelson Forman, Giảng viên trường American University, nói: “Bạn chẳng thể trồng lúa mỳ, lúa mạch hay đậu nành mà thiếu phân bón được. Chúng ta từng hưởng thụ việc toàn cầu hóa khi giao dịch mọi nhu yếu phẩm cần thiết với nhiều bạn hàng trên thế giới. Thế nhưng giờ đây mọi chuyện sẽ khác, tất cả mọi người, kể cả những nước giàu, sẽ cảm nhận được khủng hoảng lương thực dần gia tăng như thế nào từ giá của các mặt hàng nhu yếu phẩm trên kệ”.
Tình hình lương thực thế giới đang phải đối mặt với không chỉ một trở ngại mang tên Nga – Ukraine mà còn nhiều khó khăn khác. Hạn hán ở Nam Mỹ, cộng với sự trì trệ của chuỗi cung ứng sau 2 năm nằm im vì dịch bệnh và bây giờ là căng thẳng địa chính trị. Tất cả những điều đó khiến chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu rất có thể rơi vào khủng hoảng.
Giá phân bón đang tăng nhanh nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực
Ngày 14/3, ông trùm ngành khai thác than đá và sản xuất phân bón của Nga Andrei Melnichenko cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực toàn cầu vì giá phân bón đang tăng nhanh vượt khả năng chi trả của người nông dân.
Giá cả tăng mạnh sau khi Nga và Belarus, những nhà sản xuất phân bón lớn trên thế giới, chịu các lệnh trừng phạt và cô lập kinh tế của phương Tây liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine. Các biện pháp trừng phạt cũng nhắm đến nhiều doanh nhân của Nga, trong đó có cả ông Melnichenko, nhiều tài sản của Nga ở nước ngoài bị đóng băng và nhiều tập đoàn của nước này cũng bị chặn tham gia mạng lưới kinh tế quốc tế.
Thông qua người phát ngôn, ông Melnichenko, 50 tuổi, người Nga sinh ra tại Belarus, cho rằng, ngành nông nghiệp và thực phẩm là một trong những “nạn nhân” của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đồng thời kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình.
Công ty EuroChem của ông Melnichenko là một trong 5 nhà sản xuất phân bón lớn nhất thế giới. Theo ông Melnichenko, chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã gián đoạn vì đại dịch COVID-19 nay tiếp tục chịu thêm sức ép vì các biện pháp trừng phạt.
Doanh nhân này cũng cảnh báo, lạm phát giá thực phẩm tại châu Âu sẽ tăng cao hơn và các nước nghèo nhất sẽ có thể thiếu nguồn cung thực phẩm. Người đại diện của ông Melnichenko cũng cho biết doanh nhân người Nga phản đối các lệnh trừng phạt thiếu căn cứ của phương Tây và sẽ kiến nghị về những biện pháp trừng phạt này.
Hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, việc các nước phương Tây cản trở hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga, nước đóng góp 13% sản lượng phân bón toàn thế giới, sẽ khiến giá cả thực phẩm toàn cầu tăng do giá phân bón cao hơn. Hồi đầu tháng này, Bộ Thương mại và công nghiệp Nga đã yêu cầu các công ty phân bón trên cả nước tạm thời dừng xuất khẩu trong tháng 3 này.
Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi