Mất an ninh lương thực nghiêm trọng do đại dịch, xung đột và biến đổi khí hậu

 

Số lượng người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiệm trọng đã tăng gấp đôi kể từ năm 2019 do những tác động từ đại dịch COVID-19, xung đột và biến đổi khí hậu.

Theo hãng tin Reuters, Giám đốc khu vực của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) Corinne Fleischer ngày 24/8 cho biết trước khủng hoảng COVI-19, 135 triệu người đã phải hứng chịu nạn đói nghiêm trọng. Chỉ trong 3 năm, con số đó đã tăng hơn gấp đôi và dự báo tiếp tục tăng vì biến đổi khí hậu và chiến tranh.

Tác động từ những thách thức về môi trường là một yếu tố gây mất ổn định có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm lương thực và kéo theo xung đột cũng như di cư hàng loạt xảy ra.

Giám đốc Fleischer cho biết: “Thế giới không đủ khả năng để giải quyết vấn đề này. Lượng người di cư trên toàn thế giới đã tăng gấp 10 lần do biến đổi khí hậu và xung đột. Tất cả yếu tố có mối liên hệ với nhau. Vì vậy, chúng tôi thực sự lo lắng về tác động kép của đại dịch COVID, biến đổi khí hậu và xung đột ở Ukraine”. Bà Fleischer chỉ ra hai khu vực Trung Đông và Bắc Phi đang chịu những hậu quả nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng Ukraine, do phụ thuộc vào nhập khẩu và tuyến vận tải qua Biển Đen.

“Yemen nhập khẩu 90% lương thực, thực phẩm. 30% lô hàng vận chuyển qua Biển Đen”, bà Fleischer nói.

Người dân Yemen nhận lương thực viện trợ nhân đạo tại Taiz

Người dân Yemen nhận lương thực viện trợ nhân đạo tại Taiz. Ảnh: Reuters

WFP hiện chỉ viện trợ cho 13 triệu trong số 16 triệu người đang cần hỗ trợ lương thực, nhưng sự hỗ trợ của họ chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu hàng ngày do thiếu ngân sách.

Các khoản viện trợ đã tăng trung bình 45% kể từ khi COVID-19, trong khi các nhà tài trợ phương Tây phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Ngay cả đối với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ như Iraq – được hưởng lợi từ việc giá dầu tăng sau khi xung đột bùng nổ, người dân vẫn đứng trước nguy cơ đối mặt với thực trạng mất an ninh lương thực. Iraq cần khoảng 5,2 triệu tấn lúa mì nhưng hiện mới chỉ sản xuất được 2,3 triệu tấn. Họ phải nhập khẩu phần còn lại với chi phí cao hơn.

Hạn hán nghiêm trọng và khủng hoảng nước tái diễn cũng góp phần đẩy sinh kế của các hộ nông dân nhỏ trên khắp Iraq vào tình thế nguy hiểm.

Nguồn: Báo Tin tức

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.