Quan chức cấp cao Nga cảnh báo quốc gia láng giềng của Ukraine, Moldova, về một nguy cơ xung đột quân sự giữa Moscow và Chisinau.
Mục Lục
Nga cảnh báo nguy cơ xung đột với nước láng giềng của Ukraine
Quảng trường trung tâm tại Tiraspol, thủ phủ của Transnistria
Theo Reuters, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 1/9 cảnh báo Moldova rằng, nếu nước này đe dọa tới an ninh của lực lượng Moscow đang đóng tại khu vực ly khai Transnistria, điều này có thể kích hoạt một cuộc đối đầu quân sự giữa 2 nước.
Transnistria là vùng đất hẹp nằm giữa sông Dniester và biên giới Moldova – Ukraine, có dân số hơn 500.000 người. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khu vực này đòi ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột quân sự vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7/1992. Quân đội Nga hiện có một căn cứ quân sự ở Transnistria và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình với quân số không quá 1.500 người tại khu vực này.
Nga nói rằng, quân đội nước này hiện diện ở Transnistria nhằm duy trì hòa bình và ổn định, đồng thời cáo buộc Moldova muốn Moscow rút quân.
“Các bên nên hiểu rằng bất cứ hành động nào đe dọa đến an ninh của quân đội chúng tôi ở Transnistria sẽ được coi là một cuộc tấn công vào Nga theo luật quốc tế, như trường hợp ở Nam Ossetia khi lực lượng gìn giữ hòa bình của chúng tôi bị tấn công bởi (chính quyền cựu Tổng thống Gruzia Mikheil) Saakashvili”, ông Lavrov nói.
Vụ việc năm 2008 dẫn tới cuộc chiến 5 ngày giữa Nga và Gruzia. Sau đó, Moscow công nhận độc lập của Nam Ossetia và một vùng ly khai khác của Gruzia là Abkhazia.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2, những đồn đoán về số phận của Transnistria tiếp tục được đưa ra thảo luận. Hồi tháng 4, một chuỗi các vụ nổ xảy ra ở khu vực này làm gia tăng căng thẳng.
Transnistria là vùng ly khai của Moldova
Sau lời cảnh báo của ông Lavrov, Moldova nhấn mạnh rằng họ sẽ theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình liên quan tới Transnistria, đồng thời sẽ triệu tập đại sứ Nga tại thủ đô Chisinau để nêu rõ quan điểm.
Daniel Voda, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Moldova, cho biết quyền của tất cả các nhóm thiểu số – bao gồm cả những người nói tiếng Nga – sẽ được đảm bảo.
“Chisinau vẫn cam kết hướng tới một cuộc đối thoại hòa bình ở Transnistria và kêu gọi Nga rút lực lượng đang đóng quân trên lãnh thổ của chúng tôi. Bất cứ đề xuất nào về một cách tiếp cận khác là không có cơ sở”, ông Voda nhấn mạnh.
Hồi tháng 7, ông Vitaly Ignatyev, lãnh đạo cơ quan đối ngoại vùng ly khai Transnistria tuyên bố rằng, vùng này sẽ theo đuổi mục tiêu độc lập khỏi Moldova và có thể sáp nhập vào Nga.
Cộng hòa Moldova
Moldova, tên chính thức Cộng hòa Moldova (Republica Moldova) là một quốc gia nằm kín trong lục địa ở Đông Âu, giữa România ở phía tây và Ukraina ở phía bắc, đông và nam.
Thời cổ đại, lãnh thổ hiện nay của nước này là một phần của Dacia, sau đó nó rơi vào vùng ảnh hưởng của Đế chế La Mã. Thời Trung Cổ, đa phần lãnh thổ hiện nay của Moldova là một phần của Công quốc Moldavia. Năm 1812, vùng phía đông của công quốc này bị sáp nhập bởi Đế chế Nga và được gọi là Bessarabia. Từ năm 1856 tới năm 1878, hai tỉnh phía nam quay trở lại với Moldavia, và vào năm 1859 chúng thống nhất với Wallachia để trở thành Romania hiện đại.
Ngay khi Đế chế Nga bị giải tán năm 1917, một nhà nước Cộng hoà Dân chủ Moldavia, đầu tiên là tự trị, sau đó là độc lập được thành lập, và gia nhập Romania năm 1918. Năm 1940, Bessarabia sáp nhập vào Liên Xô (với sự đồng ý của Đức quốc xã theo Nghị định thư Phụ lục Bí mật của Hiệp ước Xô-Đức), và bị phân chia giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraina và nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Moldavia mới thành lập.
Sau khi bị giành giật qua lại trong giai đoạn 1941 và 1944 trong Thế chiến II, lãnh thổ của quốc gia Moldova hiện đại sáp nhập vào Liên Xô cho tới khi nó giành lại độc lập ngày 27 tháng 8 năm 1991. Moldova được chấp nhận vào Liên Hợp Quốc tháng 3 năm 1992.
Tháng 9 năm 1990, một chính phủ ly khai được thành lập tại Transnistria, dải lãnh thổ Moldova trên bờ đông sông Dniester. Không quốc gia thành viên Liên hiệp quốc nào công nhận chính quyền này.
Nước này theo chế độ dân chủ nghị viện với một tổng thống là lãnh đạo quốc gia và một thủ tướng là lãnh đạo chính phủ. Moldova là một quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc, Hội đồng châu Âu, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), GUAM, Cộng đồng các quốc gia độc lập, Tổ chức Hợp tác Kinh tế biển Đen (BSEC) và các tổ chức quốc tế khác.
Moldova hiện mong muốn gia nhập Liên minh châu Âu, và đã thực hiện Kế hoạch Hành động ba năm đầu tiên bên trong khuôn khổ Chính sách Láng giềng châu Âu (ENP).
Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.