Người trẻ bôn ba, người già cô đơn

 

Một thực tế xảy ra ở những thành phố phát triển, đó là giới trẻ vì mưu sinh mà chấp nhận cuộc sống tự do phiêu bạt, còn ở một khung cửa khác có những người già đang sống lặng lẽ chờ đợi đứa con trở về.

Việc con cái đi du học hay làm việc ở những thành phố khác đã trở thành chuyện phổ biến ở nhiều nước, may mắn thay nhờ mạng internet và sự phát triển của khoa học công nghệ nhiều người trong chúng ta tin rằng đã có thể rút ngắn mọi “khoảng cách địa lý”.

Không ít bậc cha mẹ bắt đầu thay đổi thói quen thường ngày, thay vì nghe đài, xem ti vi, họ lên mạng mày mò học cách sử dụng email, facebook, viber, skype… họ vượt qua sự e ngại của tuổi tác để tiếp cận với công nghệ số, tất cả chỉ vì để có thể kết nối với con cái thường xuyên hơn.

Điều đó cũng đồng nghĩa khi con cái trưởng thành, mải mê mưu sinh và những thú vui khác thì bố mẹ của họ đang mỗi ngày một già đi và cảm thấy cô đơn. Niềm vui trong ngày của người già đôi khi giản đơn là được nói chuyện cùng con cháu, dù chỉ là thông qua điện thoại.

người già cô độc

Người già cố gắng ‘chơi’ Facebook

Hiện nay, số lượng người cao tuổi tham gia vào mạng xã hội, điển hình như Facebook ngày một nhiều. Ở độ tuổi ngoài 60-70 tuổi, nhiều bậc phụ huynh đã mạnh dạn hơn trong việc tiếp cận với mạng internet.

Họ lên mạng xem phim, đọc báo, chơi điện tử, lướt Facebook, chia sẻ thông tin, bình luận và tán gẫu với bạn bè… Đó là một cách để người cao tuổi bắt nhịp cùng thời đại, tìm lại niềm vui tuổi trẻ và quan trọng là để cảm thấy mình bớt lạc lõng, cô đơn.

Có thể thấy khoảng cách giữa các thế hệ, lối suy nghĩ, quan điểm sống giữa người trẻ và người già có nhiều điểm khác biệt. Từ đó tạo nên những mâu thuẫn, xung đột nhất định trong gia đình và xã hội.

Ngày nay, nhiều bạn trẻ lựa chọn cuộc sống độc lập, họ thậm chí thấy mệt mỏi với sự quan tâm thái quá hay việc quát tháo, cằn nhằn của bố mẹ. Sự phát triển của đời sống kinh tế – xã hội cũng dẫn đến những phân cách trong cuộc sống của cha mẹ và con cái.

Trung Quốc và ảnh hưởng của chính sách ‘một con’

Ở Trung Quốc, có thể thấy chính sách kế hoạch hoá gia đình (áp dụng từ năm 1979-2015) hạn chế mỗi một cặp vợ chồng ở thành thị chỉ được sinh một con là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cô đơn của người già trong xã hội.

Một số lượng lớn thanh niên ở độ tuổi lao động phiêu bạt đến làm việc ở các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu… đã để lại một khoảng trống ở các vùng quê nông thôn. Cuộc sống của người già càng cô độc hơn khi không còn (hoặc không có) bạn đời ở bên cạnh, trong khi con cái lại sinh sống, làm việc ở nơi xa. Họ sống hiu hắt, lặng lẽ và cô quạnh trong những ngôi làng nhỏ.

Tương tự như vậy, tại các thành phố lớn, nơi có điều kiện tốt hơn về kinh tế, việc giới trẻ không sống cùng bố mẹ trở nên khá phổ biến. Những gia đình Trung Quốc hiện đại dù chỉ có một con, họ cũng ủng hộ việc sống độc lập như vậy của con cái.

Cô Trần Hồng – một giảng viên ở Thượng Hải từng tâm sự với người viết: “Vợ chồng tôi đã xác định nghỉ hưu sẽ đi du lịch khắp nơi, còn khi nào con trai lấy vợ, cũng mua nhà cho sống riêng, hai thế hệ ở cùng nhau đều không thấy thoải mái”.

Đó là một quan điểm sống thay đổi của người cao tuổi, thay vì suốt ngày lo lắng chăm sóc con cháu, thay vì nhiều thế hệ cùng chung sống trong một ngôi nhà tứ hợp viện, họ lựa chọn sống tách biệt để giữ hòa khí.

Lão hóa thành công và không thành công

Trường hợp khác ở Đan Mạch, một quốc gia có phúc lợi xã hội cao, những năm gần đây sự cô đơn đã được coi là mối đe doạ lớn nhất đối với cuộc sống hạnh phúc của người cao tuổi ở nước này.

Henrik Hvenegaard Mikkelsen (trong bài nghiên cứu Unthinkable Solitude: Successful Aging in Denmark Through the Lacanian Real) đã chỉ ra việc “sống một mình” là trạng thái bất lợi trong cuộc sống của người cao tuổi, đáng lo ngại hơn thực trạng này đang phát triển từ dạng người già “cô đơn” đến sống “tách biệt khỏi xã hội”.

Khái niệm “lão hoá thành công” dùng để chỉ người cao tuổi vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, như sinh hoạt cộng đồng, chơi thể thao, đi dạo, đi du lịch hay tụ tập trò chuyện cùng bạn bè.

Trong khi đó, lại có những người cao tuổi theo xu hướng sống một mình lặng lẽ, họ thậm chí không rời khỏi nhà, hạn chế giao tiếp xã hội.

Hình ảnh những người già cô đơn, lặng lẽ như vậy được xếp vào nhóm “tách biệt khỏi xã hội”. Đây không phải là hiện tượng đơn lẻ ở Đan Mạch – nơi có tỷ lệ người cao tuổi sống một mình khá cao.

Để hóa giải vấn đề xã hội này, tại Đan Mạch có những tổ chức thực hiện việc thuyết phục người già rời khỏi nhà và “tái hoà nhập xã hội”, hoặc những người hỗ trợ (được gọi là “helper”) còn tình nguyện đến nhà trò chuyện để người cao tuổi bớt cô độc.

Người già có thật sự cô đơn?

Đối mặt với sự cô đơn của người già, nhiều nước phát triển trên thế giới ngày một quan tâm hơn đến các chiến lược quản lý dân số già hóa của đất nước, khi mà viễn cảnh và lo lắng về cuộc sống tiêu cực của người già cô đơn đang trở nên khá phổ biến.

Về mặt xã hội, sống một mình được coi là trạng thái tiêu cực, nhưng đôi khi người già không còn nhận ra là mình cô đơn, họ hài lòng với cuộc sống lặng lẽ như vậy.

Sự phát triển của cách mạng công nghệ khiến việc kết nối với xã hội trở nên đơn giản và gần gũi, “sống ảo” hẳn cũng rất vui, nhưng việc sử dụng các thiết bị điện tử quá lâu sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người già như giảm thị giác, chóng mặt, mệt mỏi, lười vận động…

Chính vì vậy, một trong những lời khuyên dành cho thế hệ trẻ là hãy quan tâm chăm sóc và trò chuyện với bố mẹ, ông bà của bạn nhiều hơn. Bởi, trong khi bạn bận rộn với trăm nghìn công việc thì cũng sẽ có người nhàn rỗi, lặng lẽ chờ đợi cả ngày mong bóng con về.

Bởi, chỉ mất vài giây để nói rằng bạn yêu một ai đó nhưng sẽ phải mất cả đời để chứng minh được bạn yêu họ nhường nào.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.

Exit mobile version