Nhiều Công viên ở Hà Nội đang bị bỏ hoang

 

Ở Hà Nội đang tồn tại một nghịch lý đó là cả chục công viên bị bỏ hoang, xuống cấp trong khi người dân lại thiếu không gian xanh, không gian công cộng.

Không gian xanh, mặt nước trong lành của những công viên, vườn hoa trong lòng thành phố đó là những không gian vô giá, được xem là một nguồn phúc lợi xã hội có giá trị rất lớn của người dân đô thị. Thế nhưng ở Hà Nội đang tồn tại một nghịch lý, đó là cả chục công viên bị bỏ hoang, xuống cấp và để mặc cho cỏ dại mọc cả chục năm qua.

Khối sắt thép hoen gỉ, hệ thống máng trượt nước, hồ tạo sóng, sông lười, bể vầy… tất cả những thiết bị nhập khẩu nước ngoài này đều bị bỏ hoang 13 năm nay nên đã xuống cấp và mục nát. Công viên nước Tuổi trẻ 1,2 ha được đầu tư cả nghìn tỷ đồng từ năm 2002, chỉ sau 3 năm hoạt động thì đóng cửa, nhiều diện tích quy hoạch cây xanh bị “xẻ thịt” thành những công trình kiên cố để kinh doanh nhà hàng, cà phê, bãi trông xe… sai mục đích.

Công viên nước Tuổi trẻ

Cuối tháng 4, TP. Hà Nội công bố kết luận thanh tra sai phạm tại Công viên Tuổi Trẻ và xác định Sở Xây dựng đã cấp phép hai công trình khu công viên nước, khu nhà nổi và UBND quận Hai Bà Trưng cấp phép hai công trình Cung Xuân, nhà thi đấu tennis khi chủ đầu tư chưa được giao đất.

Quá trình xây dựng, chủ đầu tư xây sai phép một số hạng mục nhưng các đơn vị quản lý không phát hiện kịp thời để có biện pháp ngăn chặn. Kết luận về sai phạm đã có nhưng hướng xử lý và biện pháp nào để khôi phục lại công viên cho người dân thì chưa thấy văn bản nào nhắc tới.

Còn tại công viên Khu đô thị Việt Hưng, hàng rào sắt quanh hồ sụt lún nghiêng ngả, nhiều hạng mục xuống cấp, bong tróc. Rác thải bủa vây khắp nơi, cây hoang cỏ dại mọc cao thay thế cho những vị trí trước đây là vườn hoa.

Hà Nội có khoảng 70 vườn hoa và công viên trong số đó có tới hàng chục vườn hoa, công viên bị bỏ hoang trong khi đó, khu vực nội đô lịch sử, nơi tập trung dân cư đông đúc nhưng đất được dùng làm không gian xanh công cộng chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất. Một số công viên lớn như Thủ Lệ, Thống Nhất, Indira Gandhi, Tuổi trẻ… lại chưa được chú trọng đầu tư, sửa chữa thường xuyên nên dần xuống cấp, không thu hút người dân.

Hiện chỉ số tỷ lệ cây xanh/người của các thành phố hiện đại trên thế giới phổ biến từ 20 – 25 m2/người. Trong đó, nhiều quốc gia đạt tỷ lệ cao như Singapore 30,3 m2/người, Seoul (Hàn Quốc) 41 m2/người, Berlin (Đức) 50 m2/người, Moscow (Nga) là 44 m2/người, Paris (Pháp) 25 m2/người trong khi đó, Hà Nội chỉ đạt khoảng 2m2/người.

Tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học diễn ra nhanh khiến TP Hà Nội ngày càng ngột ngạt. Với 8,5 triệu dân và mỗi năm thành phố tăng dân số cơ học thêm khoảng 200.000 người nhưng diện tích công viên không những chẳng tăng thêm mà còn có nguy cơ hao hụt đi.

Nguồn: vtv.vn

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi
Exit mobile version