Nhìn lại những đại án của năm 2021 (số thứ 2)

 

Năm vừa qua tiếp tục là một năm Đảng, Nhà nước quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Nhiều vụ đại án kinh tế, tham nhũng đã được phát hiện, đấu tranh, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử, hàng loạt cán bộ chủ chốt, nguyên là lãnh đạo cấp cao vi phạm bị xử lý hình sự với những bản án nghiêm khắc.

Tiếp tục làm rõ được các vụ án có hành vi đưa và nhận hối lộ

Nếu như trước đây, để điều tra, truy tố được tội danh đưa và nhận hối lộ, cơ quan điều tra thường gặp khó khăn thì trong những năm gần đây những đại án về đưa và nhận hối lộ đã được làm rõ và đưa hàng loạt đối tượng là cán bộ cấp cao ra truy tố.

Đầu tháng 11/2021, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với ba bị cáo là Phan Văn Anh Vũ, Nguyễn Duy Linh và Hồ Hữu Hòa trong vụ án “đưa hối lộ, nhận hối lộ; môi giới hối lộ”.

Theo đó, qua quá trình xét xử, hội đồng xét xử quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Duy Linh, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo (Bộ Công an), 14 năm tù về tội nhận hối lộ. Tuyên phạt bị cáo Phan Văn Anh Vũ, 7 năm 6 tháng tù về tội đưa hối lộ. Đây là bản án thứ 5 đối với Phan Văn Anh Vũ, tổng hình phạt phải chấp hành của bị cáo này là 30 năm tù.

Trước đó, bị cáo đã nhiều lần bị xét xử về các tội danh khác nhau. Tuyên phạt bị cáo Hồ Hữu Hòa, 2 năm 7 tháng 25 ngày tù, thời hạn chấp hành án phạt tù tính từ ngày 12/3/2019 về tội môi giới hối lộ. Hội đồng xét xử cho biết, bị cáo Hòa đã chấp hành xong hình phạt tù, cho nên tuyên bố trả tự do cho bị cáo tại tòa.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử cũng buộc bị cáo Linh phải nộp lại 5 tỷ đồng (tiền nhận hối lộ) sung công quỹ nhà nước. Về số tiền này, hội đồng xét xử cho biết bị cáo Linh đã nộp lại.

bị cáo Phan Văn Anh Vũ

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ (sinh năm 1975, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng 79, Công ty cổ phần Bắc Nam 79, Công ty TNHH I.V.C, Công ty cổ phần đầu tư Nhất Gia Phúc).

Tại phần tuyên án, hội đồng xét xử nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, gây bất bình trong dư luận nên cần phải có mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo.

Riêng đối với bị cáo Nguyễn Duy Linh là cán bộ cao cấp trong ngành công an, nắm rõ các quy định của pháp luật nhưng vì lý do cá nhân, bị cáo đã có sai phạm nghiêm trọng. Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, tự nguyện nộp 5 tỷ đồng khắc phục hậu quả, cho nên hội đồng xét xử coi đây là tình tiết giảm nhẹ. Bản thân bị cáo cũng là người có nhiều thành tích, đóng góp cho ngành Công an.

Theo bản án, bị cáo Vũ là thuộc cấp của ông Linh ở Tổng cục Tình báo, Bộ Công an. Năm 2017, Vũ biết đang bị điều tra trong vụ án cố ý làm lộ bí mật Nhà nước nên nhờ Hồ Hữu Hòa giới thiệu gặp ông Linh để đưa tiền hối lộ và xin giúp đỡ. Sau đó, nhờ thông tin tiết lộ từ ông Linh, Phan Văn Anh Vũ bỏ trốn sang Singapore nhằm trốn tránh việc bị điều tra.

Thua lỗ hơn 500 tỷ đồng tại Dự án Ethanol Phú Thọ

Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án các bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ). Bị cáo Ðinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị tuyên phạt 11 năm tù về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tổng hợp với bản án trước đó, hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo Ðinh La Thăng là 30 năm tù. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) bị tuyên án 10 năm tù về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và 8 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tổng hợp với các bản án trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh là tù chung thân.

Trong số 10 bị cáo còn lại trong vụ án, có chín bị cáo chịu mức án từ 24 tháng đến 17 năm tù (một số bị cáo tổng hợp với bản án trước đó), một bị cáo chịu mức án 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

đại án Ethanol Phú Thọ

Ông Đinh La Thăng tiếp tục nhận thêm 11 năm tù trong vụ thua lỗ tại dự án Ethanol Phú Thọ.

Tại buổi tuyên án, Hội đồng xét xử nhận định, các bị cáo trong vụ án đã vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng Nhà máy Ethanol Phú Thọ, khiến dự án bị dừng thi công giữa chừng dù chưa có bất cứ hạng mục nào hoàn thành, gây thiệt hại hơn 543 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB).

Trong đó, bị cáo Ðinh La Thăng với vai trò người đứng đầu PVN, Trưởng Ban Chỉ đạo dự án nhiên liệu sinh học, mặc dù biết PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm, thậm chí tình hình tài chính đang thua lỗ nhưng vẫn dùng ảnh hưởng của mình chỉ định thầu cho công ty này. Bị cáo còn chủ trì các cuộc họp, chỉ đạo, gây sức ép để các bị cáo khác hoàn tất hồ sơ chỉ định thầu cho liên danh của PVC.

Về phía mình, Trịnh Xuân Thanh với vai trò đứng đầu PVC biết rõ liên danh của công ty mình không đủ năng lực nhưng vẫn tiếp nhận sự chỉ đạo của bị cáo Thăng dẫn tới những sai phạm nghiêm trọng. Hội đồng xét xử cũng xác định, điểm mấu chốt trong vụ án này ở chỗ, ban đầu dự án được tổ chức đấu thầu rộng rãi, nhưng trên cơ sở chỉ đạo của bị cáo Thăng và một số bị cáo, dự án cuối cùng lại được chỉ định thầu cho liên danh của PVC.

Ðáng chú ý, hồ sơ yêu cầu được lập không đúng quy định pháp luật dẫn tới không lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực.

Thất thoát hơn 830 tỷ đồng tại dự án Gang Thép

Là một trong những “đại án” kinh tế có số tiền thiệt hại lớn, năm 2021, 19 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đã được đưa ra xét xử nghiêm minh.

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng giám đốc TISCO 9 năm 6 tháng tù; Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc TISCO 8 năm 6 tháng tù; Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNS 6 năm tù; Đậu Văn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc VNS 3 năm tù, cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 18 tháng tù, cho hưởng án treo đến 8 năm tù về các tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. áo trạng vụ án xác định, 2007, TISCO làm chủ đầu tư dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư dự kiến 3.843 tỷ đồng. VNS giữ vai trò chỉ đạo, kiểm soát, đơn vị trúng thầu là Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Đại án Gang Thép

Hơn 830 tỷ đồng đã thất thoát vì những hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Tháng 7/2007, Trần Trọng Mừng đã ký hợp đồng EPC với đại diện của MCC. Giá trị hợp đồng hơn 160 triệu USD, là giá trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng được ấn định là 30 tháng. Tuy nhiên, sau hơn 11 tháng khởi công xây dựng, MCC tự ý dừng hợp đồng, rút hết người về nước trong khi chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa triển khai thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu nhưng lại có nhiều văn bản gửi TISCO đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. Không những thế, MCC còn có văn bản đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC với tổng chi phí tăng thêm là hơn 138 triệu USD không có cơ sở.

Với chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bị cáo Trần Trọng Mừng và Mai Văn Tinh cùng một số bị cáo trong vụ án đã không xem xét, chỉ đạo dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu và tổ chức đấu thầu lại theo quy định để bảo đảm hiệu quả và tiến độ của Dự án, mà lại chỉ đạo thực hiện các hành vi phạm pháp luật về đầu tư, vi phạm Hợp đồng EPC để tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Các vi phạm này chính là nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh tăng lãi vay, tăng chi phí đầu tư, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo được xác định đã gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước hơn 830 tỷ đồng.

Mời bạn đọc đón xem số tiếp theo của loạt bài “Nhìn lại những đại án của năm 2021”

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.