Nhu cầu sử dụng viện dưỡng lão tăng

 

Người cao tuổi ở Việt Nam ngày càng gia tăng, trong số này người không có vợ hoặc chồng hoặc không muốn sống cùng với con cháu cũng tăng theo, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ xã hội, viện dưỡng lão ngày một lớn.

Ông Nguyễn Văn Lâm, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, chia sẻ rằng dù đến nay quan niệm tứ đại đồng đường, con cái lớn lên phải nuôi cha mẹ già vẫn còn chủ đạo trong văn hóa Việt Nam nhưng nhu cầu được chăm sóc tại các trung tâm dưỡng lão ở TP.HCM đang tăng lên là tất yếu, theo nhịp phát triển của xã hội.

Vì thế cần phải quan tâm ngay để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân thành lập trung tâm khi dân số người cao tuổi tăng nhanh.

các cụ sinh hoạt tại viện dưỡng lão
Các cụ sinh hoạt tại một viện dưỡng lão tại Hà Nội – Ảnh: DƯƠNG LIỄU

Chỗ dựa tuổi xế chiều

Một ngày cuối tháng 5, Viện dưỡng lão Bình Mỹ (cơ sở Nguyễn Tuân, quận Gò Vấp) yên bình khi những đôi bạn già ngồi gãi lưng, xoa tay cho nhau. Ở một góc của sảnh lớn, các cụ đang ngồi chăm chú xem tivi và trò chuyện “thời sự”.

Ở một góc khác, có vài người thân đến thăm các cụ. Họ đem theo nhiều món ăn nấu tại nhà, bọc gói cẩn thận, những cái ôm và những nụ cười khi con cháu thấy được các cụ vui khỏe.

Cụ T., 80 tuổi, được chú ý bởi cụ thường ngồi thẫn và ít giao tiếp xung quanh. Nhân viên chăm sóc cho hay cụ mắc bệnh Alzheimer (sa sút trí nhớ), gia đình đều đang sinh sống ở nước ngoài.

“Cụ rất ít nói chuyện với người khác và hay nổi nóng, khó chịu. Nhưng mỗi khi đưa cụ đi tắm, chúng tôi nắm lấy tay và bảo con tắm cho bố nha là cụ đều vui vẻ nghe theo”, nhân viên này chia sẻ.

Ở khu vực tập vật lý trị liệu, cụ bà L.T.M. (70 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) đang cố gắng dùng chân tập đạp xe. Nhìn cụ vui tươi và khỏe khoắn, không ai nghĩ cách đây một tháng, cụ chỉ có thể nằm một chỗ khi lưng và chân đau.

“Tôi chập chững đi được rồi, cũng mừng lắm. Ở đây các cụ ngang tuổi nhau nên có sự đồng cảm, nói chuyện với nhau vui lắm”, cụ M. tâm tình và bày tỏ hài lòng khi được các bác sĩ chăm sóc chu đáo. Tại viện dưỡng lão này, mỗi ngày các cụ đều phải trải qua 14 sinh hoạt được sắp xếp bài bản, khoa học. “Các nhân viên chăm sóc bằng cái tâm, tôi rất biết ơn điều đó”, cụ L.T.M. tâm sự.

Mỗi người đến với “ngôi nhà tình thân” này đều mang cho mình những câu chuyện riêng. Có cụ đã mất 5 người con, chỉ còn một người ở nước ngoài.

Có cụ từng sống 60 năm ở nước ngoài, mong muốn được sống những ngày cuối đời ở quê hương. Thậm chí có cả cụ là người nước ngoài vì nhiều biến cố trong cuộc sống chọn Việt Nam là chỗ dừng chân tuổi xế chiều…

Cụ ông tên Đ. (ngụ Bình Thạnh) dù lớn tuổi nhưng còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Một tháng sống ở viện dưỡng lão, cụ nói rằng được chăm tốt hơn những gì cụ nghĩ bởi luôn có người túc trực, quan sát và chăm sóc mọi sinh hoạt cá nhân.

Theo cụ, nhiều người hay suy nghĩ “trẻ cậy cha, già cậy con”, nhưng với cụ, thời nay cần phải có suy nghĩ thoáng hơn, vào viện dưỡng lão cũng là một lựa chọn tốt cho chính mình và con cái.

Cần có mô hình chuẩn

Từ đó, UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (từ đủ 60 tuổi trở lên) đến năm 2030. Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ thí điểm mô hình trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hóa.

Tuy nhiên, ông Bùi Anh Trung – giám đốc Viện dưỡng lão Bình Mỹ – cho rằng hiện các doanh nghiệp tư nhân cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thành lập trung tâm/viện dưỡng lão bởi ở Việt Nam đây là một mô hình mới.

“Nhà nước có hỗ trợ nhiều mặt cho hoạt động của các viện dưỡng lão nhưng hiện chưa có một mô hình mẫu chuẩn hay hướng dẫn chi tiết cụ thể. Các trung tâm, viện dưỡng lão tư nhân hoạt động thường học hỏi kinh nghiệm mô hình mẫu từ các nước trên thế giới. Nên có những hướng dẫn chi tiết hơn để các trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được hoạt động thuận lợi”, ông Trung nói.

Một chuyên gia trong lĩnh vực dân số – kế hoạch hóa gia đình tại TP.HCM cho rằng mức phí chăm sóc người cao tuổi hiện nay còn khá cao.

Trong khi với các trung tâm bảo trợ xã hội công lập, đối tượng chủ yếu là người thuộc diện gia đình chính sách, có công, những người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa. Vị này cho rằng có thể tính toán theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, hòa nhập giữa các nhóm đối tượng với mô hình chăm sóc của xã hội.

Ông Nguyễn Văn Lâm – phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM – cho biết năm 2022 TP.HCM có chủ trương khuyến khích các đơn vị tham gia cung cấp dịch vụ dưỡng lão và đã tiếp nhận được một số hồ sơ xin phép thành lập cơ sở. Tuy nhiên, sau thẩm tra, có các vấn đề chưa phù hợp theo quy định hiện hành.

Cụ thể là những khó khăn như các chính sách miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế đất. “Chúng tôi sẽ tổng hợp những vấn đề khó khăn cụ thể của các đơn vị và có những đề xuất. Tuy nhiên những khó khăn này nằm ở tầm vĩ mô (nghị định và luật) nên muốn chuyển hóa không thể một sớm một chiều”, ông Lâm chia sẻ.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.

Exit mobile version