Người bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn uống như thế nào?

 

Hàng chục triệu người Việt Nam bị gan nhiễm mỡ, tỷ lệ người mắc đang ngày càng tăng do thói quen lối sống không lành mạnh cũng như sự thiếu chú ý bảo vệ sức khỏe gan. Gan nhiễm mỡ có thể gây viêm, tổn thương mô gan, sau đó là xơ gan không thể phục hồi nếu không được điều trị. Xơ gan tăng nguy cơ ung thư gan và suy gan, có thể gây tử vong.

Thực phẩm tốt cho người bị gan nhiễm mỡ

Chế độ ăn kiêng kiểu Địa Trung Hải có lẽ không phù hợp với tất cả những ai mắc gan nhiễm mỡ, nhưng chế độ ăn này gồm các loại thức ăn giúp giảm mỡ trong gan: chất béo tốt, chất chống oxi hoá và Cacbohydrate phức tạp.

Các loại thức ăn bao gồm:

  • Cá và hải sản
  • Trái cây
  • Ngũ cốc nguyên hạt
  • Quả có vỏ cứng
  • Dầu ô liu
  • Rau tươi
  • Quả bơ
  • Đậu.

Nạp loại chất béo đúng

Các tế bào của chúng ta cần glucose như năng lượng để hoạt động. Hóc môn insulin giúp đưa đường từ thức ăn được tiêu hoá vào tế bào. Người mắc gan nhiễm mỡ thường gặp phải một tình trạng gọi là kháng insulin, khi cơ thể tạo ra insulin nhưng không thể sử dụng tốt loại hóc môn này, khiến glucose tích tụ trong máu, và gan biến chúng thành mỡ.

Một số loại chất béo trong thức ăn có thể giúp cơ thể tận dụng insulin tốt hơn, các tế bào có thể nhận được glucose và gan không phải tạo và tích mỡ.

Hãy tăng cường:

  • Axit béo Omega 3, có trong cá, dầu cá, dầu thực vật, hạt có vỏ cứng (đặc biệt là quả óc chó), hạt lanh và dầu hạt lanh, và rau lá.
  • Axit béo không bão hòa đơn (Monounsaturated fat), có nguồn gốc từ thực vật như dầu ô liu, hạt có quả cứng và quả bơ.

béo phì là nguyên nhân phổ biến gây ra gan nhiễm mỡ

Béo phì là nguyên nhân phổ biến gây ra gan nhiễm mỡ

Thức ăn nên tránh

Tránh xa chất béo bão hòa, dẫn đến nhiều chất béo tích tụ trong gan, bao gồm:

  • Gia cầm, ngoại trừ thịt trắng nạc
  • Phô mai nguyên béo
  • Sữa chua, trừ sữa chua ít béo
  • Thịt đỏ
  • Đồ nướng hoặc chiên với dầu dừa hoặc dầu cọ
  • Đồ ngọt như kẹo, nước có ga thông thường và thức ăn có bổ sung đường bao gồm si rô bắp có lượng đường fructose cao.

Chất chống oxy hóa và chất bổ dưỡng cho gan

Các tế bào bị hư hại khi các chất dinh dưỡng không bị phân huỷ đúng cách. Điều này có thể dẫn đến sự tích tụ chất béo trong gan của bạn. Nhưng các hợp chất được gọi là chất chống oxy hóa có thể giúp các tế bào bảo vệ khỏi bị tổn thương này. Các thức ăn khuyên dùng gồm:

  • Cà phê
  • Trà xanh
  • Tỏi sống
  • Trái cây, đặc biệt là quả mọng
  • Rau xanh
  • Vitamin E trong
    • Hạt hướng dương
    • Hạnh nhân
    • Dầu thực vật chứa chất béo không bão hoà đơn, như dầu ô liu hoặc dầu hạt cải.

Trái quả mọng giàu chất chống oxy hóa tốt cho người bị gan nhiễm mỡ

Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu về lợi ích cho gan của các loại thực phẩm sau:

  • Hạt kỷ tử, một loại thảo dược phổ biến trong Đông y, có tác dụng giảm vòng eo. Tuy nhiên, tác dụng thật cần được nghiên cứu thêm.
  • Resveratrol (là một hợp chất polyphenolic tự nhiên được tìm thấy trong đậu phộng, nho, rượu vang đỏ, và một số loại quả mọng), có khả năng kiểm soát viêm.
  • Selen (Se) là một á kim được tìm thấy trong các loại hạt ở Brazil, cá hồi và hàu.
  • Hoàng liên, một loại cây được sử dụng trong Đông y. Trong các nghiên cứu ban đầu, loại cây này dường như giúp giảm cholesterol, hỗ trợ chức năng gan và kiểm soát lượng đường trong máu. Nhưng chúng ta cần nghiên cứu thêm để xem tác dụng thực sự của nó.

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi uống bất kỳ loại thuốc bổ hay thực phẩm chức năng nào. Chúng có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc hay gây các vấn đề sức khoẻ khác, cũng như việc uống sai liều hoặc không đúng cách có thể gây phản tác dụng.

Vitamin và khoáng chất

Trong chế độ ăn bạn nên bổ sung:

  • Vitamin D. Mức vitamin D thấp có thể khiến bệnh gan nhiễm mỡ nặng hơn. Cơ thể bạn tạo ra vitamin D khi bạn ở ngoài nắng. Bạn cũng có thể hấp thu vitamin D từ trong một số sản phẩm sữa. Hãy lựa chọn các mặt hàng sữa ít chất béo vì chúng có ít chất béo bão hòa.
  • Kali. Mức Kali thấp có thể liên quan đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Các loại cá như cá tuyết, cá hồi và cá mòi là nguồn kali dồi dào. Kali cũng có trong rau bao gồm bông cải xanh, đậu Hà Lan, và khoai lang, và các loại trái cây như chuối, kiwi và quả mơ. Thực phẩm từ sữa, như sữa và sữa chua, cũng có nhiều kali. Lưu ý hãy chọn các sản phẩm ít béo.
  • Betaine (Trimethyl glycine) là hợp chất nitơ phi protein có nguồn gốc tự nhiên, có nhiều trong cá biển. Nó có thể bảo vệ gan trước sự tích tụ chất béo, nhưng các nghiên cứu vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. Betaine có nhiều trong mầm lúa mì và tôm.

Tránh uống rượu bia

Bạn tuyệt đối không nên uống bia rượu nếu gặp phải các vấn đề về gan liên quan đến cồn, làm tình trạng nghiêm trọng hơn. Nếu bạn mắc phải gan nhiễm mỡ dù do rượu hay không, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước.

Giảm cân

Giảm cân thông qua việc giảm lượng calo đưa vào, và tăng hoạt động thể lực dẫn đến cải thiện được tình trạng gan nhiễm mỡ. Giảm 9% trọng lượng cơ thể giúp cải thiện có ý nghĩa tình trạng mô bệnh học ở gan. Ở những người đái tháo đường type 2, giảm 8% trọng lượng cơ thể sẽ giảm được 25% nhiễm mỡ gan. Hãy giảm cân từ từ, từ nửa kilogram đến 1 kilogram một tuần. Giảm cân nhanh có thể khiến làm tình trạng gan nhiễm mỡ trầm trong hơn. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm chương trình giảm cân phù hợp nhất.

Tập luyện cho lá gan khỏe mạnh

Thể dục có khả năng giảm lượng mỡ trong gan. Tập thể dục nặng cũng làm giảm viêm. Tập các bài tập thể lực như nâng tạ có thể cải thiện bệnh gan nhiễm mỡ. Hãy đặt mục tiêu tập từ 30-60 phút hoặc hơn các bài tập thể dục nhịp điệu cường độ vừa đến nặng ít nhất 5 ngày 1 tuần, và bài tập thể lực cường độ vừa đến nặng 3 lần 1 tuần.

Kiểm soát bệnh tiểu đường

Hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát tiểu đường. Uống thuốc theo đơn và theo dõi sát mức đường huyết.

Giảm mỡ máu

Một cách khác để giữ gan khoẻ mạnh là kiểm soát cholesterol và triglycerid ở mức ổn định. Hãy có chế độ ăn lành mạnh, tập luyện thường xuyên và uống thuốc theo đơn của bác sĩ.

Tiêm chủng viêm gan siêu vi

Những người mắc các bệnh về gan khác như viêm gan C, viêm gan tự miễn, bệnh Wilson, bệnh ứ sắt, xơ gan mật nguyên phát, viêm xơ đường mật tiên phát, gan nhiễm mỡ và xơ gan đều phải tiêm vắc-xin viêm gan A và B. Viêm gan A hoặc B có thể gây suy gan nhưng thường không ảnh hưởng đến gan khỏe mạnh. Những người này có nguy cơ bị nhiễm vi rút nhiều hơn người bình thường.

Nguồn: bệnh viện Vinmec

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi

Exit mobile version