Thừa kế là một trong những vấn đề thường xuyên gây ra tranh cãi và mâu thuẫn nhất trong xã hội hiện đại ngày nay. Vì vậy pháp luật đã đặt ra những quy định để những người có liên quan đến việc thừa kế được thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của mình cũng như có thể ràng buộc trách nhiệm đối với người khác. Nhưng thời hiệu thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 cho phép thực hiện những điều trên là gì?
Căn cứ vào Bộ luật dân sự 2015, Chúng tôi xin đưa ra tư vấn về vấn đề này như sau:
Mục Lục
Thời hiệu là gì?
Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Cụ thể theo quy định của pháp luật hiện nay thì có bốn loại thời hiệu chính với các hậu quả pháp lý phát sinh riêng sau:
Thời hiệu hưởng quyền dân sự
Là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng một quyền dân sự
Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự
Là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì chủ thể có nghĩa vụ dân sự được miễn trừ việc thực hiện nghĩa vụ đó
Thời hiệu khởi kiện
Là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nếu như hết thời hiệu đó thì bị mất quyền khởi kiện.
Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
Là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước. Nếu hết thời hạn đó thì mất quyền yêu cầu.
Vậy nên một điều luôn phải lưu ý rằng nếu như hết thời hiệu, người có yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc khởi kiện sẽ mất quyền yêu cầu/ khởi kiện
Ngoài ra việc tính thời hiệu phải lưu ý đến các trường hợp cần lưu ý trong việc tính thời hiệu, đó là các trường hợp về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.
Thời hiệu thừa kế
Trong thừa kế, pháp luật quy định có các loại thời hiệu sau:
Thời hiệu yêu cầu chia di sản
– Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
– Đối với trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
+ Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản
+ Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản
Thời hiệu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác
Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời hiệu thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại
Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Nguồn: lawkey.vn
Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi