Tìm hiểu bệnh Viêm loét đại tràng: nguyên nhân, triệu chứng (số thứ nhất)

 

Viêm loét đại tràng là một trong những bệnh lý phổ biến nhất về đường tiêu hóa. Người bị viêm loét đại tràng luôn phải chịu đựng với những cơn đau và các triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài, khiến cơ thể vô cùng mệt mỏi, mất ăn, mất ngủ. Nguy hiểm hơn, nếu không được chữa trị triệt để, viêm đại tràng có thể tiến triển thành ung thư.

Vì thế, việc hiểu đúng về viêm loét đại tràng không chỉ là kiến thức dành riêng cho bác sĩ mà thực sự là một nhu cầu về kiến thức cần thiết cho cộng đồng.

viêm loét đại tràng

Bệnh viêm loét đại tràng là gì?

Đại tràng là đoạn cuối của hệ thống tiêu hóa hay còn được gọi là ruột già. Nhiệm vụ chính của đại tràng là hấp thu nước (90% nước của thức ăn từ ruột non sẽ được đại tràng hấp thụ lại) và các chất khoáng từ thức ăn, bã thức ăn sau đó sẽ được tạo thành phân đẩy xuống trực tràng và tống ra ngoài.

Viêm loét đại tràng (tiếng Anh: ulcerative colitis) chỉ tình trạng lớp lót bên trong đại tràng bị viêm nhiễm và tổn thương, nếu nhẹ thì niêm mạc sưng đỏ, có các vết trợt, nặng thì xuất hiện các vết loét, có thể xuất huyết hay hình thành những ổ áp xe nhỏ.

Theo nguồn số liệu thống kê do Bộ Y tế tổng hợp, tại nước ta hiện nay thì cứ 3 người lại có 1 trường hợp gặp vấn đề về đại tràng, mà chủ yếu là viêm loét. Ước tính, có khoảng 4 triệu người Việt mắc căn bệnh này. Mặc dù, viêm loét đại tràng được phát hiện chủ yếu là ở người cao tuổi, nhưng hiện nay bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa với những người dưới 35 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những thói quen và lối sống thiếu lành mạnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân của viêm loét đại tràng đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng.  Trong y khoa, người ta đề cập đến các nhóm nguyên nhân chính có khả năng gây ra viêm loét đại tràng đó là:

1/ Do tác động của vi sinh vật: Khi các vi sinh vật gây hại xâm nhập vào đại tràng, chúng có thể làm tổn thương niêm mạc đại tràng gây ra viêm loét. Một số loại vi sinh vật gây hại cho đại tràng như là: Vi khuẩn lỵ Shigella, vi khuẩn thương hàn Salmonella, vi khuẩn E.coli, vi trùng amip, các loại giun sán…

2/ Do tình trạng thiếu máu cục bộ: Thông thường, đại tràng sẽ được nuôi bởi một số động mạch máu, khi một lý do nào đó gây tắc nghẽn các mạch máu này sẽ làm hoại tử và viêm loét một vùng niêm mạc đại tràng.

3/ Do việc sử dụng kháng sinh lâu dài: Nếu chúng ta sử dụng kháng sinh để điều trị các bệnh lý khác trong thời gian dài, thì các thành phần của thuốc có thể phá vỡ hệ vi khuẩn bình thường trong đường ruột, làm rối loạn chức năng đại tràng, dẫn đến tình trạng viêm loét. Nguyên nhân này đặc biệt hay gặp với những bệnh nhân xạ trị ung thư bằng kháng sinh liều cao và kéo dài.

4/ Do thói quen ăn uống thiếu khoa học: Khi ăn uống không điều độ, ăn quá no, ăn không đúng bữa, sử dụng chất kích thích, rượu bia… sẽ khiến cho nhu động ruột và hoạt động co bóp bị biến đổi, làm giảm tiết chất nhầy trên thành đại tràng. Hệ vi sinh trong đường tiêu hóa bị rối loạn và gián tiếp gây tổn thương niêm mạc đại tràng.

5/ Do môi trường sống: Những người dân sống ở vùng thành thị có nguy cơ mắc phải bệnh lý này cao hơn ở những vùng khác, đặc biệt là tại các nước công nghiệp phát triển. Nguyên nhân gây bệnh có thể bắt nguồn từ chế độ ăn uống nhiều chất béo và tiêu thụ các sản phẩm tinh chế. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm thực phẩm, stress, làm việc nghỉ ngơi không điều độ cũng là những yếu tố nguy cơ khiến căn bệnh này hình thành.

6/ Do yếu tố di truyền: Viêm loét đại tràng không lây lan nhưng có khả năng di truyền. Tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn khi trong gia đình có bố mẹ, anh chị em ruột bị viêm loét đại tràng.

Triệu chứng

Bản chất của viêm loét đại tràng là sự tổn thương tại niêm mạc đại tràng, gây ra rối loạn chức năng hệ thống đại tràng. Có 2 nhóm triệu chứng quan trọng của bệnh lý này, đó là triệu chứng đau và rối loạn tiêu hóa kéo dài:

Triệu chứng đau:

  • Thông thường vị trí đau sẽ kéo dọc theo khung đại tràng, cơn đau có thể xuất hiện ở hố chậu trái, hố chậu phải, dưới rốn, hạ sườn trái, hạ sườn phải.
  • Tính chất cơn đau có thể là đau âm ỉ hoặc đau kéo dài theo từng cơn.
  • Cơn đau thường bùng phát sau khi ăn uống đặc biệt là sử dụng rượu bia.
  • Khi đại tiện – trung tiện thì cảm giác đau sẽ giảm xuống.

Triệu chứng rối loạn tiêu hóa:

  • Chướng bụng, đầy hơi, trung tiện nhiều.
  • Mót rặn, đại tiện nhiều lần trong ngày có thể từ 2 – 6 lần.
  • Đại tiện ra phân lỏng hoặc nát, trong giai đoạn cấp tính người bệnh có thể đại tiện kèm theo máu trong phân.
  • Viêm đại tràng kéo dài có thể khiến người bệnh bị mệt mỏi, lên cơn sốt, cơ thể mất nước, chán ăn, sút cân.

Viêm loét đại tràng nguy hiểm thế nào?

Viêm loét đại tràng kéo dài sẽ chuyển thể sang giai đoạn mãn tính và có nguy cơ gây ra một số biến chứng nguy hiểm sau:

Phình đại tràng nhiễm độc

Phình đại tràng nhiễm độc là một biến chứng của viêm loét đại tràng mãn tính. Biến chứng này khiến cho đại tràng bị phình to ra, nhu động ruột bị tê liệt. Từ đó, chức năng tiêu hóa của đại tràng bị suy giảm nghiêm trọng, đại tràng dễ dàng bị loét và thủng nhiều lần, thậm chí là tử vong.

Biểu hiện của chứng phình giãn đại tràng nhiễm độc dễ gây nhầm lẫn với nhiều bệnh về đường tiêu hóa khác, nên người bệnh thường chủ quan.

Người bệnh có thể có các biểu hiện như:

  • Đau bụng dữ dội
  • Tiêu chảy kéo dài
  • Chướng bụng
  • Sốt cao, mất nước
  • Tình trạng nguy hiểm có thể khiến bệnh nhân bị sốc và hôn mê

Xuất huyết đại tràng ồ ạt

Những người bị viêm loét đại tràng khi đi đại tiện đôi khi có thể thấy máu lẫn trong phân, phân nhầy máu. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến người bệnh bị thiếu máu, cơ thể dần suy nhược. Tuy nhiên, nó mới là dấu hiệu đại tràng chảy máu ở thể nhẹ.

Bước vào giai đoạn viêm loét nặng, vùng loét lan rộng và ăn sâu xuống lớp cơ gây chảy máu nhiều, thậm chí là tình trạng máu chảy ồ ạt khiến bệnh nhân bị mất máu cấp vô cùng nguy hiểm. Nếu không được cứu chữa kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong cực kỳ cao.

Thủng đại tràng

Những vết loét lâu ngày trong niêm mạc đại tràng sẽ ăn sâu xuống tất cả các lớp cơ của đại tràng, làm cho thành đại tràng mỏng và xuất hiện những lỗ thủng. Đại tràng bị thủng gây ra cơn đau dữ dội giống như một vết dao đâm. Thủng đại tràng có thể gây ra những triệu chứng khác như là rối loạn ý thức, sốc, nhịp tim tăng nhanh và tăng nhịp thở.

Đại tràng bị thủng khiến cho vi khuẩn lan rộng dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc. Biến chứng này cần được phẫu thuật khẩn cấp để khắc phục tình hình, nếu không được đưa tới bệnh viện kịp thời thì bệnh nhân có thể tử vong.

Ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng được xem như là một biến chứng nguy hiểm nhất của viêm loét đại tràng mãn. Nguy cơ ung thư tích lũy theo thời gian và bắt đầu tăng đáng kể sau 8-10 năm bị viêm loét đại trực tràng. Khoảng 30% bệnh nhân bị viêm loét toàn bộ đại tràng kéo dài >20 năm có nguy cơ diễn tiến thành ung thư.

Tuy nhiên, nguy cơ bệnh nhân bị viêm loét đại tràng phát triển thành ung thư cũng liên quan đến vị trí và mức độ lan rộng của bệnh viêm loét đại tràng.

  • Số bệnh nhân bị viêm loét toàn bộ đại tràng đang hoạt động 10 năm hoặc lâu hơn, thì nguy cơ bị ung thư đại tràng gấp 10-20 lần so với dân số chung.
  • Bệnh nhân bị viêm loét đại tràng trái mãn tính, nguy cơ ung thư đại tràng tăng nhưng không cao như nhóm bệnh nhân bị viêm loét toàn bộ đại tràng mãn tính.

Trước đây ung thư đại tràng dễ xảy ra nếu như bệnh nhân mắc bệnh viêm loét đại tràng sớm. Việc thăm khám đại tràng định kỳ có thể được khuyến cáo khi người bệnh bị viêm loét đại tràng từ 8 năm trở lên. Trong lúc khám, bác sĩ sẽ sinh thiết mô để tìm thay đổi tiền ung thư (nghịch sản) của những tế bào lót bên trong đại tràng. Khi đã xác định có sự thay đổi tiền ung thư, thì việc cắt bỏ đại tràng có thể cần thiết để ngăn ngừa ung thư đại tràng.

Biến chứng khác

Biến chứng của viêm loét đại tràng mãn tính có thể xảy ra ở những nơi khác trong cơ thể. Nó có thể là lý do hình thành hoặc làm trầm trọng thêm những bệnh nguy hiểm khác trong cơ thể.

  • Khoảng 10% bệnh nhân có thể bị viêm khớp do viêm loét đại tràng gây ra. Một số bệnh nhân có triệu chứng đau lưng do viêm khớp cùng – chậu. Hiếm hơn, người bệnh có thể bị đau, đỏ da, nốt cứng da.
  • Còn một số bệnh nhân khác lại có triệu chứng đau, đỏ mắt. Vì những biến chứng này có nguy cơ làm giảm thị lực. Đau mắt, đỏ mắt là những triệu chứng đòi hỏi người bệnh phải đến khám bác sĩ.
  • Bệnh của gan và ống mật cũng có thể kết hợp với viêm loét đại tràng. Chẳng hạn, một số rất hiếm bệnh nhân mắc chứng bệnh gọi là viêm xơ hoá đường mật, làm cho viêm và nhiễm trùng đường mật hay tái phát có thể gây ra sốt hồi qui, vàng da, xơ gan, và cần phải ghép gan.

Mời bạn đọc đón xem số tiếp theo: “Tìm hiểu bệnh Viêm loét đại tràng: Chần đoán, điều trị (số thứ 2)”

Nguồn: Trang web Tràng Phục Linh

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.