Tổn thất của Nga và Ukraine sau 6 tháng xung đột

 

6 tháng sau khi xung đột nổ ra, cả Nga và Ukraine đang phải chịu tổn thất về nhân lực và vật lực, đồng thời gây tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải di tản và gây ảnh hưởng tiêu cực đến lĩnh vực kinh tế trên toàn thế giới. Sau đây là những tác động chính của cuộc xung đột khi nó bước sang tháng thứ 7.

Tổn thất nhân mạng

Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) ngày 22/8 cho biết, kể từ ngày 24/2, hơn 5.500 dân thường đã được báo cáo là thiệt mạng và gần 7.900 người bị thương, mặc dù con số thương vong thực tế có lẽ cao hơn.

Theo OHCHR, phần nhiều những người thiệt mạng hoặc bị thương đều là nạn nhân của các loại vũ khí sát thương như pháo binh, tên lửa và các cuộc không kích.

Riêng người đứng đầu các lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Valeriy Zaluzhnyi, hôm 22/8 cho biết gần 9.000 quân nhân Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, con số thiệt mạng đầu tiên do chỉ huy quân sự hàng đầu của nước này cung cấp.

Nga không cho biết có bao nhiêu binh sĩ nước này thiệt mạng, nhưng tình báo Mỹ ước tính cho đến nay đã có hàng nghìn binh sĩ Nga thiệt mạng và bị thương.

Với Ukraine

Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc cho biết kể từ ngày 24/2, một phần ba số người dân Ukraine – với dân số hơn 41 triệu người – đã bị buộc phải rời khỏi nhà của họ, gây ra cuộc khủng hoảng sơ tán lớn nhất trên thế giới hiện nay.

Hiện có hơn 6,6 triệu người sơ tán từ Ukraine được ghi nhận trên khắp châu Âu, trong đó con số lớn nhất ở Ba Lan, Nga và Đức, theo dữ liệu của cơ quan trên.

Bên cạnh những thiệt hại về người, Ukraine đã mất quyền kiểm soát khoảng 22% diện tích lãnh thổ kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, theo tính toán của Reuters.

Ukraine cũng đã mất quyền kiểm soát một dải bờ biển, trong khi nền kinh tế bị tê liệt và một số thành phố biến thành đống đổ nát do xung đột. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Ukraine sẽ sụt giảm 45% vào năm 2022.

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết vào tháng 7 rằng tổng số tiền tái thiết sau xung đột sẽ tiêu tốn khoảng 750 tỷ USD và con số này có thể tăng cao hơn. Hiện chưa rõ Ukraine đã chi bao nhiêu cho cuộc xung đột.

Với Nga

Cuộc xung đột cũng gây tốn kém Moskva – mặc dù họ không tiết lộ chi phí, vốn là bí mật quốc gia.

Bên cạnh tổn thất quân sự, phương Tây còn tìm cách trừng phạt qui mô lớn nhằm vào Moskva bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn – cú sốc lớn nhất đối với nền kinh tế Nga kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

phương Tây trừng phạt nền kinh tế Nga để ủng hộ Ukraine

Lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đang tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu

Ngân hàng Trung ương Nga hiện dự báo nền kinh tế trị giá 1,8 nghìn tỷ USD sẽ giảm 4% – 6% vào năm 2022, thấp hơn mức giảm 8% – 10% mà họ dự báo hồi tháng 4 vừa qua.

Tác động đến nền kinh tế Nga là nghiêm trọng nhưng chưa hoàn toàn rõ ràng đến nay. Moskva đã bị loại khỏi các thị trường tài chính phương Tây, hầu hết các nhà tài phiệt của Nga đều bị trừng phạt và Moskva đang gặp vấn đề trong việc tìm nguồn cung ứng một số mặt hàng như vi mạch điện tử.

Tháng trước, Nga lần đầu tiên vỡ nợ trái phiếu nước ngoài kể từ năm 1917.

Tuy nhiên, các số liệu cho thấy nền kinh tế Nga đang tăng trưởng tốt hơn dự báo ban đầu khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây, do doanh thu năng lượng tăng mạnh.

Theo hãng tin Reuters và Đài châu Âu Tự do (RFE/RL), Bộ Kinh tế Nga dự báo xuất khẩu năng lượng của Moskva sẽ tăng vọt trong năm nay, điều có thể giúp nền kinh tế nước này đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây vốn đang làm tê liệt một số ngành công nghiệp.

Cụ thể, Bộ Kinh tế Nga hiện dự kiến doanh thu xuất khẩu năng lượng sẽ đạt 338 tỷ USD vào năm 2022, tăng hơn 1/3 so với mức 244 tỷ USD hồi năm ngoái. Như vậy, doanh thu xuất khẩu năng lượng năm nay của Moskva sẽ tăng gần 100 tỷ USD do giá hàng hóa cao hơn bù đắp cho việc giảm khối lượng.

Những tác động lên nền kinh tế toàn cầu

Cuộc xung đột và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã dẫn đến việc giá phân bón, lúa mì, kim loại và năng lượng tăng mạnh, dẫn đến cả cuộc khủng hoảng lương thực và làn sóng lạm phát đang lan tràn trong nền kinh tế toàn cầu.

Nga là nước xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia và là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên, lúa mì, phân đạm và palladium lớn nhất thế giới. Ngay sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, giá dầu quốc tế đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ những kỷ lục đạt được năm 2008.

Những nỗ lực nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt và các sản phẩm dầu của Nga – hoặc thậm chí là giới hạn giá của chúng – đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng vốn đã nghiêm trọng nhất kể từ lệnh cấm vận dầu mỏ của Arab vào những năm 1970.

Sau khi Nga cắt giảm dòng chảy qua đường ống dẫn khí Nord Stream 1 tới Đức, giá khí đốt bán buôn đã tăng vọt ở châu Âu. Theo ngân hàng đầu tư đa quốc gia Mỹ Goldman Sachs, việc cắt đứt hoàn toàn sẽ đẩy khu vực đồng euro vào một cuộc suy thoái, với sự suy giảm mạnh ở cả Đức và Italy.

IMF dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay, giảm so với 6,1% của năm ngoái và thấp hơn đáng kể so với dự báo hồi tháng 4 là 3,6%, trong khi dự báo vào tháng 1 là 4,4% và dự báo tháng 10/2021 là 4,9%.

Theo một kịch bản trong đó có việc cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu vào cuối năm và xuất khẩu dầu của Nga giảm thêm 30%, IMF cho biết tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm xuống còn 2,6% vào năm 2022 và 2% vào năm 2023, với mức tăng trưởng hầu như bằng không ở châu Âu và Mỹ vào năm tới.

Nguồn: Báo tin tức

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.

Exit mobile version