Cụ bà U90 quyết định bán nhà để cùng chồng dọn vào viện dưỡng lão trong khi ông bà có bốn người con. Câu chuyện hy hữu thu hút nhiều người quan tâm và có những ý kiến khác nhau.
Dù có 4 người con, nhưng vợ chồng bà Dành chọn sống tại viện dưỡng lão. Bà hạnh phúc với quyết định này.
Theo quan niệm của nhiều người Việt Nam, khi về già là lúc sống nhờ vào con cháu về kinh tế cũng như được chăm sóc khi ốm đau bất ngờ. Đó là lý thuyết còn thực tế có biết bao chuyện đau lòng khi con cái hắt hủi bố mẹ già được chia sẻ rất nhiều trên báo chí khiến nhiều người ngày càng cám cảnh tuổi già của mình.
Mục Lục
Bà Dành bán nhà, quyết định vào viện dưỡng lão chỉ trong một buổi sáng
Mới đây, câu chuyện của vợ chồng tại Hải Dương được chia sẻ thu hút nhiều người quan tâm và dành sự ngưỡng mộ. Bà Vũ Thị Dành (84 tuổi, quê ở Cẩm Giàng, Hải Dương) đã cùng chồng dọn vào một viện dưỡng lão được hai năm qua. Điều đáng nói là ông bà có bốn người con nhưng không muốn làm phiền, dùng tiền dành dụm để có cuộc sống thoải mái ở viện.
“Tôi quyết định bán đất và chuyển nhà chỉ trong một buổi sáng. Con trai bất ngờ tới nỗi bảo ‘mẹ bán đất mà như bán của ăn trộm’”, người phụ nữ 84 tuổi quê Cẩm Giàng chia sẻ.
Phó giám đốc của viện dưỡng lão cũng dành lời đặc biệt dành cho cụ bà: “Bà Dành là một người già hiếm hoi thích sống tại đây và xem đây như nhà của mình. Đa phần các cụ vào đây khi sức khỏe yếu, con cháu không chăm sóc được”.
Hiện tại, bà Dành và chồng là ông Vũ Đình Bưởi ở trong căn phòng 30m2, hai mặt thoáng và đầy đủ tiện nghi. Hằng ngày, có người phục vụ các sinh hoạt và thăm khám kịp thời nếu có vấn đề về sức khỏe. “Nếu không vào đây, có thể tôi và ông nhà đã ra đi từ lâu rồi”, bà Dành nói.
Mỗi tháng, hai người chi trả hơn 20 triệu đồng. Do thời trẻ ông Bưởi là cán bộ nhà nước còn bà Dành là công nhân. Về già, hai người có lương hưu nên cuộc sống cũng đỡ đần chút đỉnh.
Tuy nhiên, vào cuối năm 2018, ông Bưởi bắt đầu bị tai biến và ba lần gần nhau nên dẫn đến nằm liệt giường. Có giai đoạn họ phải thuê hai người giúp việc, thậm chí có lúc từng trả 12 triệu/tháng cho con rể thứ hai ở nhà chăm sóc nhưng cũng chỉ được một thời gian. “Cả con lẫn người ngoài đều không có kinh nghiệm chăm người già hay người đột quỵ”, bà Dành nói
Bất ngờ nảy ra ý định vào sống ở viện dưỡng lão, bà Dành chống gậy ra quán nước nhờ người đăng tin muốn bán đất. Ngay sáng đó, có người đến mua và giao dịch hoàn tất trong nửa tiếng. Bà nhận được 1 tỷ đặt cọc và nhanh chóng dọn vào một trung tâm chăm sóc người già ở Hà Nội.
Bà đóng trước cho trung tâm một nửa số tiền bán đất, còn lại gửi ngân hàng. Bà cho biết chỉ cần tiền lãi và tiền hưu cũng đủ giúp hai vợ chồng sống yên ổn lúc già, không phải lo lắng chuyện tiền bạc. Rồi tiền từ bất động sản cho thuê ở Đà Nẵng nên hai ông bà sống khỏe.
Quan điểm của bà Dành: “Niềm vui là do tự mình”
“Giả dụ tôi khư khư giữ lại đất thì bốn đứa con sẽ phải góp tiền hàng tháng. Phương án này liệu có lâu dài không? ‘Đời cua cua máy đời cáy cáy đào’, đã nuôi con khôn lớn và lo cho ở riêng là hết trách nhiệm. Mảnh đất này sẽ là của để dành cho vợ chồng tôi dưỡng già”, bà nói.
Phải nói đây là suy nghĩ rất hiếm ở người lớn tuổi. Đa phần họ đều cho rằng trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ là con cái phải làm. Điều này đúng chứ không sai nhưng thực tế có được bao nhiêu người được “phước” là con cái chăm sóc chu đáo? Hay là “con nuôi cha mẹ tính tháng kể ngày”, lâu dài đâm ra buồn tủi thêm chứ chẳng vui sướng gì.
Trong trường hợp này, may mắn vợ chồng bà Dành có tiền nên tự chủ được kinh tế, không phải quỵ lụy hay lệ thuộc vào con cái. Chị Thoa, người con út của bà Dành chia sẻ, bố mẹ chị là người chủ động tài chính. Chỉ khi ông bị liệt nửa người, bà mới ra quyết định vào viện dưỡng lão vì không yên tâm để con cháu chăm sóc. Bố mẹ vào trung tâm khiến các con đến thăm cũng khó khăn hơn do ở xa, nhưng trong này luôn có người chăm sóc và yêu thương hai cụ nên các con cháu cũng yên tâm.
“Mẹ tôi là người lạc quan, yêu cuộc sống. Mẹ hiểu rằng niềm vui là do tự mình nên luôn thấy vui với những năm tháng tuổi già ở đây”, chị Thoa chia sẻ.
Cuộc sống trong viện dưỡng lão của hai ông bà theo kiểu tận hưởng tuổi già chứ chẳng gượng gạo hay buồn tủi vì nhớ thương con cháu gì. Bà Dành cùng phụ điều dưỡng chăm chồng, nói chuyện với bạn già hay đọc báo. Thậm chí bà còn chơi FB, Zalo để khuây khỏa. Đúng là cuộc sống tẻ nhạt hay sôi động là do bạn tự chọn.
Đặc biệt, có lần ông Bưởi ăn xong tự dưng nôn thốc nôn tháo, huyết áp tăng cao. May có nhân viên y tế ở đó nên kịp thời cứu chữa. Bà Dành cho biết, nếu ở nhà là quãng đường đi đến bệnh viện cách đó 8km có khi khiến chồng nguy kịch chứ chẳng đùa. “Tất nhiên có những điều viện dưỡng lão không bằng con nhưng nhiều cái còn hơn cả con cháu. Tôi thích ở trong này”, bà Dành cho biết.
Hằng ngày, ông Bưởi cũng được nhân viên xoa bóp, trở mình rất chu đáo. Dù không nói được do tai biến nhưng ông vẫn tỉnh táo phối hợp ưng ý với nhân viên.
Rõ ràng phụ nữ như bà Dành không hạnh phúc sao được vì suy nghĩ quá văn minh, tiến bộ từ tư tưởng đến hành động. Bà tự lực và cũng biết nghĩ, biết thương cho chồng. Chính suy nghĩ tích cực, không bám víu vào con cháu là “liều thuốc” tuyệt diệu giúp bà cảm nhận hạnh phúc, tận hưởng tuổi già trong thư thái thay vì khổ não.
Với số tiền hơn 20 triệu/tháng để hai người chi trả trong viện cũng không phải quá cao vì bên ngoài cũng tốn kém tiền thuê giúp việc, có khi còn gặp người không hài lòng. Chưa kể con cháu chắc gì luôn cận kề như nhân viên trong viện.
Ngoài suy nghĩ tiến bộ, hành động quyết liệt thì vấn đề kinh tế cũng là điều quan trọng. Bởi vậy ngày càng có nhiều người biết suy nghĩ lâu dài cho tuổi già, tích góp để về sau không phải lệ thuộc quá nhiều ở con cháu mà vẫn sống tốt. Thậm chí ở Trung Quốc từng có trường hợp các cụ ông, cụ bà cùng góp tiền mua biệt thự để sống chung thay vì đặt nặng chuyện phải ở cùng con cái. Nhờ suy nghĩ như vậy nên họ chẳng có gì buồn phiền, cứ ung dung khi tuổi già gõ cửa.
Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi