Bệnh không lây nhiễm chiếm gần 80% ca tử vong

 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, bệnh thận, đái tháo đường, ung thư… đang chiếm tới 77% nguyên nhân gây tử vong hiện nay.

Lễ kí biên bản chiều 20/09

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại Lễ kí biên bản ghi nhớ hợp tác chương trình củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe bệnh lý tim mạch – thận – chuyển hóa tại Việt Nam diễn ra chiều 20/9.

Theo đó, trong khi các bệnh lý nhiễm trùng, suy dinh dưỡng đang dần được kiểm soát, thì các bệnh lý không lây nhiễm như bệnh tim mạch, bệnh thận, đái tháo đường… lại gia tăng.

bệnh không lây nhiễm

Thông qua các hoạt động giáo dục sức khỏe và tầm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh, chương trình dự kiến sẽ tiếp cận ít nhất 500.000 người dân trên cả nước trong 3 năm.

Trước đó, dự báo được sự chuyển đổi mô hình bệnh tật này, Bộ Y tế đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác cho giai đoạn 2015-2025.

Trong số các bệnh lý không lây nhiễm, thì các bệnh lý tim mạch-thận và chuyển hóa có tỷ lệ lưu hành cao và có mối quan hệ chặt chẽ qua lại, đặt gánh nặng lớn lên hệ thống y tế.

Tại sự kiện, GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam cho biết, cả nước có 5,7% dân số mắc đái tháo đường, tương đương khoảng 5 triệu bệnh nhân.

Đáng nói, trong số này, chỉ có khoảng 50% được chẩn đoán, điều trị. Trong tổng số bệnh nhân đái tháo đường được điều trị, chỉ có 30% là điều trị thực sự chất lượng. Vì vậy, có đến 50% bệnh nhân đái tháo đường lúc phát hiện đã có biến chứng tim mạch.

Tại lễ ký kết, PGS. TS Lương Ngọc Khuê – Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận định: “Trước gánh nặng từ các bệnh có liên hệ mật thiết như tim mạch – thận – chuyển hóa, việc xây dựng mô hình quản lý bệnh và các yếu tố nguy cơ một cách toàn diện là rất cần thiết, có ý nghĩa và bền vững, góp phần giảm nhẹ gánh nặng của các bệnh này”.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, sáng kiến chương trình Yêu lấy mình – CAREME giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu góp phần “Củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe bệnh nhân Tim mạch – Thận – Chuyển hóa tại Việt Nam” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hiện thực hóa và đạt được mục tiêu chung của Chiến lược quốc gia về phòng chống bệnh không lây nhiễm đã được Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt.

Với thông điệp “Yêu lấy mình”, chương trình kêu gọi người dân chủ động phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe sớm hơn. Thông qua các hoạt động giáo dục sức khỏe và tầm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh, chương trình dự kiến sẽ tiếp cận ít nhất 500.000 người dân trên cả nước trong 3 năm.

Bệnh không lây nhiễm

Bệnh không lây nhiễm (non-communicable disease) (NCD) là một trường hợp y tế hay căn bệnh mà theo định nghĩa là không nhiễm trùng hoặc không lây truyền giữa người với người. Bệnh không lây nhiễm có thể chỉ đến những bệnh mãn tính diễn tiến chậm và có thời gian kéo dài. Đôi khi, bệnh dẫn đến tử vong nhanh trong một số bệnh như bệnh tự miễn nhiễm, bệnh tim, đột quỵ, ung thư, tiểu đường, bệnh thận mãn tính, loãng xương, bệnh An-dai-mơ, đục thủy tinh thể…

Mặc dù bệnh không lây nhiễm cũng hay được gọi với cái tên không chính xác là “bệnh mạn tính”, bởi vì bệnh được phân biệt chỉ do nguyên nhân không nhiễm trùng, chứ không nhất thiết phải có thời gian bệnh kéo dài. Một số bệnh mãn tính có thời gian dài, chẳng hạn như HIV/AIDS, gây ra do nhiễm trùng. Bệnh mãn tính đòi hỏi phải được quản lý chăm sóc dài hạn cũng như tất cả những bệnh tiến triển chậm và có thời gian kéo dài.

Bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trong năm 2012 bệnh gây ra 68% ca tử vong (38 triệu người), tăng từ 60% vào năm 2000. Trong số đó khoảng một nửa là những người trên 70 tuổi và phụ nữ chiếm 50%. Các yếu tố rủi ro bao gồm lý lịch cá nhân, lối sống và môi trường làm tăng khả năng mắc bệnh không lây nhiễm.

Hàng năm, có ít nhất 5 triệu người chết do hút thuốc lá và khoảng 2.8 triệu người chết vì thừa cân. Cholesterol cao làm 2.6 triệu người chết và 7.5 triệu người chết nguyên nhân do tăng huyết áp.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.