Bệnh trầm cảm gia tăng hậu Covid-19

 

Chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo ngành y tế TPHCM nên triển khai thêm hoạt động phát hiện và chăm sóc người mắc bệnh trầm cảm sau đại dịch Covid-19.

WHO làm việc với Sở y tế TPHCM

Chiều 16/9, Sở Y tế TPHCM cho biết, đơn vị vừa có 2 ngày làm việc với đoàn chuyên gia thuộc Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam do bác sĩ Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng làm trưởng đoàn. Ngoài ra, còn có đại diện tổ chức y tế toàn cầu phi lợi nhuận PATH, lãnh đạo Viện Y tế công cộng, các chuyên gia từ Đại học Y Dược TPHCM và đại diện một số trung tâm y tế, trạm y tế đến tham dự.

Theo các chuyên gia WHO, cách làm hiệu quả và thiết thực nhất khi triển khai chăm sóc và quản lý bệnh không lây nhiễm là dựa vào hệ thống y tế cộng đồng. Cụ thể, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) là cơ quan chịu trách nhiệm chính để điều phối, giám sát, theo dõi, lượng giá kết quả…

Còn trạm y tế phường, xã cùng với mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng là nơi triển khai các hoạt động tầm soát, chăm sóc tại cộng đồng các bệnh không lây nhiễm.

Bệnh trầm cảm gia tăng "hậu Covid-19": WHO khuyến cáo gì với TPHCM?

Đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về triển khai chăm sóc bệnh không lây nhiễm của các nước trên thế giới.

Chuyên gia WHO cho rằng, trong giai đoạn đầu nên tập trung nguồn lực ưu tiên cho 2 bệnh phổ biến nhất là tăng huyết áp và đái tháo đường, và không nhất thiết phải đưa đội ngũ chuyên khoa tim mạch, nội tiết của các bệnh viện về cơ sở. Thay vào đó, các bác sĩ trẻ thực hành tổng quát, thậm chí các y sĩ, điều dưỡng đã qua huấn luyện đều hoàn toàn đảm trách tốt công tác chăm sóc người bệnh mắc bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.

Bệnh trầm cảm gia tăng hậu Covid-19

Ngoài ra, chuyên gia WHO cũng khuyến cáo ngành y tế TPHCM nên triển khai thêm hoạt động phát hiện và chăm sóc người mắc bệnh tâm thần, nhất là bệnh trầm cảm. Đây là căn bệnh vốn có tỷ lệ mắc gia tăng nhanh sau đại dịch Covid-19.

Trước đó từ cuối tháng 7, TPHCM cũng đã thí điểm hoạt động “cấp cứu trầm cảm”, do Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần TPHCM đảm trách. Nhiều trường hợp bệnh nhân kích động, nói nhảm, thậm chí muốn tự sát đã được phát hiện, can thiệp kịp thời trong thời gian ngắn.

Một trường hợp bệnh nhân kích động, không làm chủ bản thân được nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM hỗ trợ.

Một yếu tố quan trọng khác, mang tính quyết định cho sự thành công khi triển khai chăm sóc các bệnh không lây nhiễm theo chương trình WHO PEN (gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của WHO) chính là vấn đề cung ứng thuốc cho các trạm y tế.

Các chuyên gia của WHO đồng tình và ủng hộ việc ngành y tế TPHCM sắp triển khai đấu thầu tập trung cấp địa phương với danh mục thuốc mở rộng hướng về y tế cơ sở. Trong đó, bổ sung danh mục thuốc cho các bệnh không lây nhiễm tương tự như danh mục thuốc của các bệnh viện tuyến huyện.

Ngoài ra, đại diện WHO cũng cho rằng, cần có chính sách tăng thu nhập cho nhân viên y tế đang công tác tại các trạm y tế, như là một yếu tố góp phần cho sự thành công của chương trình chăm sóc các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.

Ngoài ra, trung tâm y tế và các bệnh viện tuyến huyện có vai trò không thể thiếu trong việc sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân có diễn biến bệnh nặng hơn được chuyển đến từ tuyến cơ sở.

10 hoạt động hướng về y tế cơ sở của ngành Y tế TPHCM

1. Ban hành quyết định sửa đổi chức danh đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý ở y tế cơ sở. Với quyết định này, từ 114/310 trạm y tế không có trưởng, phó trạm vào tháng 10/2021, nay chỉ còn 67 trạm.

2. Nâng cấp cơ sở hạ tầng để chuyển đổi trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

3. Triển khai nền tảng số quản lý F0 tại trạm y tế, giúp giải quyết ùn tắc F0 trong khai báo và cấp chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly tại nhà.

4. Kết nối bác sĩ của trạm y tế với bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện đầu ngành thông qua ứng dụng Telehealth, góp phần tạo niềm tin cho người dân khi đến khám, chữa bệnh ban đầu.

5. Lần đầu tiên trên phạm vi cả nước, đưa 286 bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp thực hành tổng quát tại các bệnh viện gắn liền với thực hành tại trạm y tế

6. Bổ sung nhân lực, bổ sung chức danh bảo vệ, hộ lý, hỗ trợ thu nhập tăng thêm cho nhân viên trạm y tế.

7. Triển khai xử trí lồng ghép các bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế phường, xã, thông qua chương trình WHO PEN.

8. Sở Y tế TPHCM trực tiếp triển khai đấu thầu thuốc tập trung với danh mục mở rộng hướng về y tế cơ sở, nhằm đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho trạm y tế thực hiện khám chữa bệnh ban đầu và chăm sóc bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.

9. Lãnh đạo Sở Y tế triển khai giao ban chuyên đề định kỳ hàng tháng để lắng nghe và tháo gỡ các vướng mắc cho trạm y tế.

10. Tổ chức Hội thi Trưởng trạm y tế giỏi cấp thành phố nhằm tạo sân chơi bổ ích cho nhân viên quản lý trạm y tế và cán bộ trong diện quy hoạch lãnh đạo quản lý y tế cơ sở.

Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.

Exit mobile version