WHO cảnh báo những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Tỷ lệ tử vong của nước ta là 0,02%, thấp hơn nhiều so tỷ lệ chung trên thế giới (1,2%).
Mục Lục
Buổi tọa đàm Nghị quyết 128/NQ-CP
Chiều 5/10, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm Nghị quyết 128/NQ-CP – Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định.
Các chuyên gia đều cho rằng Nghị quyết 128 tạo bước ngoặt quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế, tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng dịch.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết Nghị quyết 128 được triển khai đến nay đã tròn 1 năm và đây là nghị quyết có tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động kinh tế – xã hội trong cả nước. Thời điểm cuối tháng 9/2021, mức tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm rất sâu, -6%. Việc kinh tế tăng trưởng âm cho thấy sự khốc liệt của dịch bệnh Covid-19 thời điểm đó.
Nghị quyết 128 ra đời là bước ngoặt mạnh mẽ và tác động kịp thời tới sự tăng trưởng của cả nền kinh tế. Ngay quý IV/2021, GDP cả nước đã đạt kết quả dương. Cùng với nhiều giải pháp bổ sung khác, chúng ta thấy rõ nét sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.
“Kết quả tăng trưởng quý III và 9 tháng năm nay với con số tăng trưởng GDP là 13,67% là con số ta chưa bao giờ thấy được khi kết quả tăng trưởng GDP lên tới 2 con số. Và bình quân 9 tháng đạt tăng trưởng 8,83%, cũng là mức tăng trưởng cao”, Thứ trưởng Phương nói.
Phát biểu từ đại diện WHO tại Việt Nam
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam (Ảnh: Nhật Bắc).
Chung đánh giá này, tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết Việt Nam đã có sự chuyển đổi quan trọng sang chung sống với dịch Covid-19 để cân bằng giữa việc áp dụng các biện pháp kiểm soát công cộng và mở cửa kinh tế, xã hội. Nghị quyết 128 là một văn kiện vô cùng quan trọng
Dịch Covid-19 tác động lớn đến Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến xã hội, sức khỏe nói chung.
“Việt Nam đã rất sáng suốt trong việc đưa ra nghị quyết này. Lý do vì Việt Nam đã đạt tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cao, đã gia tăng qua thời gian. Lý do thứ 2 là Việt Nam thành công trong việc kiểm soát sự lây lan của virus ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch. Chúng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm từ giai đoạn đầu, chúng ta có thể ứng dụng tiếp trong giai đoạn tiếp theo trong việc kiểm soát dịch”, đại diện WHO nhấn mạnh.
Đại diện WHO cũng đánh giá cao sự nỗ lực không biết mệt mỏi của ngành y tế, sự hy sinh mất mát của nhân viên y tế, làm việc không nghỉ ngày đêm vì sức khỏe của người dân.
“Việt Nam đã rất thành công, đi đúng hướng trong việc phòng chống dịch Covid-19, áp dụng các biện pháp kinh tế, xã hội để phát triển kinh tế. Chúng ta đã hồi phục nền kinh tế hiệu quả, điều đó thể hiện qua con số tăng trưởng kinh tế rất ấn tượng. Có nhiều bài học kinh nghiệm mà các nước có thể học Việt Nam. Những bài học này cũng sẽ giúp chúng ta phòng ngừa các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai”, TS Angela Pratt nhấn mạnh.
Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch Covid-19 trở nên phức tạp
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho rằng Covid-19 là một đại dịch chưa từng có trong tiền lệ, đã, đang và còn tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Cho đến nay toàn thế giới đã có hơn 612 triệu người mắc, hơn 6,5 triệu người tử vong.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương
Tại thời điểm cách đây một năm, nghị quyết 128 là một quyết sách sáng suốt, táo bạo, dũng cảm, thay đổi căn bản tư duy trong chiến lược phòng, chống dịch. Thực tế cho đến nay đã chứng minh nghị quyết này là kịp thời, đúng đắn.
Cụ thể, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân trở lại bình thường, trẻ em được vui chơi, đến trường học tập an toàn. Nghị quyết đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng. Tỷ lệ tử vong trên tổng số ca mắc là 0,02%, trong khi tỷ lệ này trên thế giới là xấp xỉ 1,2%.
Dù vậy, theo Thứ trưởng Hương dự báo dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường trên thế giới trong thời gian tới. WHO đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
“Trong nước, mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên số ca mắc mới, số ca phải nhập viện, ca nặng đang có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp. Hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm theo thời gian. Nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu”, Thứ trưởng chia sẻ.
Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi