Sản phẩm đường thốt nốt không chỉ được người tiêu dùng trong nước biết đến mà ở nước ngoài cũng rất ưa chuộng, bởi đặc tính thơm ngon và đặc trưng vùng, miền của sản phẩm. Không chỉ là nguyên liệu để sử dụng trong nấu các món chè hay là phụ gia đem lại cho những ly nước có vị ngọt tự nhiên, đường thốt nốt còn được dùng như một gia vị nêm nếm trong các món ăn khác, như nước chấm, kho cá…
Cây thốt nốt
Mục Lục
Cây thốt nốt
Cây thốt nốt từ lâu đã gắn liền với cuộc sống của bà con dân tộc Khmer ở vùng Bảy Núi An Giang. Cây dễ trồng, thông thường thốt nốt được người dân trồng cặp các bờ ruộng, vừa giữ đất không bị xối mòn, vừa đem thu nhập cho gia đình. Cây thốt nốt có dáng dấp của cây dừa, cũng mang dáng dấp của cây cọ.
Quả thốt nốt gần giống quả dừa và cùi thốt nốt cũng gần giống với cùi dừa non. Mỗi quả thốt nốt thường có ba múi, mỗi múi to gấp hai hay ba lần múi mít, trắng ngần, mềm, ngọt mát và thơm hơn cùi dừa non là món giải khát hấp dẫn níu lòng khách đường xa.
Đến vùng biên giới của hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên của tỉnh An Giang, hình ảnh những hàng cây thốt nốt cao vút, đầy sức sống với những tàu lá màu xanh thẫm, ngả bóng xuống cánh đồng lúa tuyệt đẹp trong nắng vàng.
Du lịch An Giang, bạn hãy ghé vào quán cảm nhận sự thảnh thơi, dễ chịu. Rồi sau đó, thưởng thức một cốc thốt nốt ướp lạnh thì những mệt mỏi, nóng bức sau mỗi chặng đường rong ruổi trưa hè sẽ nhanh chóng tan biến.
Nước thốt nốt có vị ngọt, thơm nhưng cơm thốt nốt lại có vị nhạt. Khi dùng chung với nhau, 2 mùi vị hòa quyện sẽ cho vị ngon rất riêng, đậm đà mà không quá gắt. Cái ngòn ngọt, thanh thanh của nước, mềm mềm dai dai của cơm thốt nốt như tan dần trong miệng. Một thứ nước rất ngon mà đa phần du khách trải nghiệm một lần đều khó quên.
Cơm trái thốt nốt già ngả mầu vàng, thơm như mùi mít chín, dùng chế biến bột để làm nhiều loại bánh (phổ biến là bánh bò) hoặc nấu chè, nhưng nguồn lợi đáng kể nhất là lấy nước để làm đường. Đường Thốt nốt – loại đường đặc sản được nấu từ mật hoa và quả của cây thốt nốt nổi tiếng của vùng đồng bào Khmer ở tỉnh An Giang. Đây cũng là món quà không thể thiếu của du khách khi đến với vùng đất bán sơn địa này.
Nghề nấu đường thốt nốt
Do đặc thù về khí hậu, thổ nhưỡng, hiện nay chỉ có hai địa phương là Tịnh Biên và Tri Tôn là hai huyện miền núi thuộc An Giang phát triển được nghề nấu đường thốt nốt. Nghề nấu đường có từ rất lâu, người Khmer xem đó là món quà quý của trời đất. Nhiều gia đình theo nghề nấu đường từ đời nọ qua đời kia.
Theo người dân ở đây, thốt nốt có tuổi thọ rất cao, bình quân cây thốt nốt trồng từ 12-15 năm mới cho trái và nước đường, cây càng già càng cho nhiều nước sản lượng mỗi năm lại tăng thêm và có trữ lượng đường cao. Cây thốt nốt khoảng 30-40 năm tuổi hầu như ra bông, cho trái và nước quanh năm.
Mùa khai thác nước thốt nốt và nấu đường khoảng 6 tháng, bắt đầu vào tháng 11 Âm lịch đến đầu mùa mưa năm sau. Nếu năm nào nắng kéo dài thì thời gian thu hoạch, chế biến lại tăng lên, càng nắng gắt, lại càng làm được nhiều thành phẩm đường.
Công đoạn làm đường thốt nốt
Thành phẩm đường thốt nốt
Công đoạn làm đường thốt nốt cũng lắm công phu và tùy theo tay nghề của người thợ mà chất lượng đường có thể khác nhau. Đường thốt nốt nấu bằng nước tiết ra từ những vết cắt ở bông cây thốt nốt, chứ không phải từ nước trong trái thốt nốt. Tuy nhiên, mỗi cây thốt nốt chỉ có khoảng 2 – 3 bông cho nước tốt, phần còn lại sẽ chờ thu hoạch trái.
Hàng ngày, người dân phải canh thời gian hoa cho nước thích hợp để trèo lên cây cất nước. Sau khi lấy nước, thợ tiếp tục dùng dao cắt một khoanh tròn mới ở phần đầu hoa bỏ đi và tạo phần nốt cắt mới cho hoa để tích nước tiếp.
Xong công đoạn lấy nước thốt nốt đầy vất vả và nguy hiểm, công đoạn nấu đường thốt nốt cũng lắm gian nan. Nước thốt nốt sau khi lấy xuống được lọc qua miếng màng mỏng cho sạch bụi, côn trùng và phải được nấu ngay để tránh bị chua.
Nước thốt nốt được cho vào 1 cái chảo lớn, nấu khoảng 4 giờ là cô đặc lại thành đường chảy. Thoạt nhìn, công đoạn này có vẻ khá dễ dàng nhưng để tạo ra mẻ đường thốt nốt ngon lại là cả kinh nghiệm nhiều năm.
Sau khi cô đặc đạt yêu cầu, chảo được nhắc ra khỏi lò, khuấy liên tục để còn màu vàng tươi đặc trưng của đường thốt nốt. Khi nước thốt nốt đã được cô sền sệt, ấy là lúc đổ sang chảo thứ hai, lại đều lửa đun tiếp cho đến độ thành hạt đường.
Tại những lò nấu đường truyền thống, ngoài nước thốt nốt ra hầu như không sử dụng thêm bất kỳ một loại chất phụ gia nào cả. Bình quân khoảng 8-10 lít nước thốt nốt sẽ thu về 1kg đường thốt nốt.
Đặc biệt, ngoài vị ngọt thanh nhẹ, đường thốt nốt còn mang đến cho người thưởng thức vị béo, khi ăn rất dễ gây “nghiền”. Mặc dù đường thốt nốt có độ ngọt kém hơn các loại đường làm từ nguyên liệu khác nhưng lại thơm hơn và có lẽ do sản lượng đường thốt nốt cũng ít hơn nên cũng quý hơn.
Ngày nay, những gia đình ở An Giang theo nghề nấu đường thốt nốt bằng phương pháp thủ công truyền thống mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 8.000 tấn đường mang tính túy của đất trời miền biên viễn Tây Nam của tổ quốc.
Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi