Cộng dồn trong năm 2022, Thủ đô cũng đã ghi nhận 182 ổ dịch sốt xuất huyết tại 27 quận, huyện.
Mục Lục
Hơn 360 ca sốt xuất huyết chỉ trong một tuần, dự báo vẫn chưa đạt đỉnh
Theo Bộ Y tế, trong tuần 35, cả nước ghi nhận 9.186 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Trong đó, số bệnh nhân nhập viện là 6.784 trường hợp.
Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 190.005 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 72 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (47.048 ca mắc/19 ca tử vong) số ca mắc tăng 4 lần, số ca tử vong tăng 53 trường hợp.
Dịch sốt xuất huyết được dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp
Tại miền Bắc, số ca mắc sốt xuất huyết vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang có chiều hướng gia tăng với nhiều ca bệnh nặng.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, tính đến 5/9, toàn thành phố ghi nhận 1.877 ca mắc sốt xuất huyết. Các ca mắc ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 378/579 xã, phường, thị trấn.
Số ca mắc có xu hướng tăng nhanh trong những tuần gần đây (tuần 32 ghi nhận 150 ca; tuần 33 ghi nhận 345 ca; tuần 34 ghi nhận 258 ca; tuần 35 ghi nhận 360 ca).
Cộng dồn trong năm 2022, Thủ đô cũng đã ghi nhận 182 ổ dịch tại 27 quận, huyện.
Hiện tại còn 55 ổ dịch đang hoạt động, cụ thể tại: Đống Đa (7), Thanh Oai (7), Đan Phượng (6), Hai Bà Trưng (6), Bắc Từ Liêm (5), Tây Hồ (5), Thanh Trì (5), Thường Tín (3), Ba Đình (2), Đông Anh (2), Phú Xuyên (2), Cầu Giấy (1), Gia Lâm (1), Nam Từ Liêm (1), Quốc Oai (1), Thạch Thất (1).
Theo dự báo, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới do bắt đầu bước vào mùa dịch theo chu kỳ hàng năm. Số ca mắc tăng nhanh theo từng tuần (bắt đầu tăng từ tháng 7, tăng nhanh trong tháng 8-9, thường đạt đỉnh vào tháng 10).
Năm nay cũng là đợt dịch bùng phát mạnh theo chu kỳ. Cụ thể, dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát mạnh sau 4 – 5 năm (năm 2017 dịch bùng phát, sau 5 năm là năm 2022).
Hà Nội chỉ đạo khẩn chặn dịch, tránh quá tải bệnh viện
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo CDC Hà Nội phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã triển khai các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết như:
– Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã bố trí nhân lực, thành lập đội phản ứng nhanh kịp thời điều tra véc-tơ, xử lý môi trường khi phát hiện ca bệnh; đảm bảo đủ kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch…
Phun hóa chất diệt muỗi để phòng dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội.
– Duy trì hoạt động chủ động giám sát phát hiện bệnh nhân sốt xuất huyết tại cộng đồng và cơ sở y tế.
– Thực hiện giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết (giám sát thường xuyên và giám sát trọng điểm).
– Triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết toàn thành phố.
Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố phân luồng, thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc sốt xuất huyết; dự trù thuốc, trang thiết bị sẵn sàng điều trị cho người bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, giảm biến chứng và giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối.
Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, giếng nước, hốc cây… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa…
Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20 độ C.
Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, mỗi người hãy dành 10 phút mỗi tuần để diệt bọ gậy, lăng quăng, thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày… để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.
Nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn, điều trị kịp thời.
Người Cao Tuổi TV – Không gian riêng dành cho người cao tuổi.